(VnMedia) - Sau hai năm triển khai thí điểm tại 8 tỉnh, thành phố, mô hình bác sĩ gia đình đã minh chứng rõ tác dụng tích cực trong việc chăm sóc sức khỏe toàn diện và liên tục cho người dân, góp phần giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai mô hình gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc mà nguyên nhân chính là do ngành y tế vẫn chưa định hình rõ mô hình bác sĩ gia đình ở Việt Nam.
Đó là thông tin Bộ Y tế cho biết tại Hội nghị sơ kết Đề án thí điểm Bác sĩ gia đình và xây dựng Đề án nhân rộng mô hình bác sĩ gia đình giai đoạn 2016-2020 được tổ chức ngày 4/8.
Giúp giảm tải bệnh viện
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, bác sĩ gia đình là bác sĩ đa khoa thực hành, chăm sóc toàn diện và liên tục cho người bệnh, có mối quan hệ lâu dài và bền vững với người bệnh, là những thầy thuốc gắn với dân và gần dân nhất. Bác sĩ gia đình là bác sĩ hướng về gia đình, biết rõ từng người bệnh trong hoàn cảnh và gia đình của họ, xem xét vấn đề sức khỏe của người bệnh trong hoàn cảnh của cộng đồng và lối sống của người đó trong cộng đồng. Nếu phát triển mô hình bác sĩ gia đình sẽ góp phần nâng cao chất lượng ban đầu theo hướng toàn diện và liên tục, giúp sàng lọc bệnh tật, chuyển tuyến phù hợp, góp phần giảm quá tải bệnh viện tuyến trên…
Mô hình bác sĩ gia đình đã phát triển ở nhiều nước trên thế giới từ thế kỷ XX. Tại Việt Nam, hoạt động bác sĩ gia đình bước đầu được tổ chức tại một số thành phố lớn như Hà Nội, Thừa Thiên Huế, TP HCM với các mô hình khác nhau như trung tâm bác sĩ gia đình, phòng khám bác sĩ gia đình, trạm y tế có hoạt động bác sĩ gia đình…
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, mô hình bác sĩ gia đình được nhiều nước trên thế giới áp dụng thành công, song khi triển khai tại Việt Nam hiệu quả chưa cao.
Hiện nay, mô hình bệnh tật ở nước ta là mô hình bệnh tật kép, các bệnh lây nhiễm, suy dinh dưỡng vẫn ở mức khá cao, trong khi các nhóm các bệnh không lây nhiễm và tai nạn thương tích tăng nhanh dẫn đến nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân ngày càng tăng; việc sàng lọc, theo dõi, quản lý, điều trị bệnh mãn tính tại cộng đồng là hết sức cần thiết, đòi hỏi việc nâng cao năng lực y tế tuyến cơ sở ngày càng trở nên cấp bách. Xuất phát từ thực tiễn bước đầu tiếp cận mô hình bác sĩ gia đình ở nước ta và kinh nghiệm ở các nước trên thế giới cho thấy nếu phát triển mô hình bác sĩ gia đình sẽ góp phần nâng cao chất lượng ban đầu theo hướng toàn diện và liên tục, giúp sàng lọc bệnh tật, chuyển tuyến phù hợp, góp phần giảm quá tải bệnh viện tuyến trên…
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế sau 2 năm triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại Việt Nam giai đoạn 2013 – 2020”, đến nay, đã có 6/8 Sở Y tế tổ chức thực hiện mô hình bác sĩ gia đình và phòng khám bác sĩ gia đình tại địa phương và bước đầu đã thu được kết quả khích lệ như Sở Y tế TP.HCM, Sở Y tế TP. Hà Nội, Sở Y tế Thừa Thiên Huế.
Theo báo cáo của 6/8 tỉnh, năm 2013 đến tháng 6/2014, tại các phòng khám bác sĩ gia đình thực hiện được 353.000 lượt khám bệnh, chữa bệnh, 2.743 lượt khám, chữa bệnh cấp cứu, chuyển tuyến 11.514 ca, khám bệnh tại nhà: 2.391 ca và tư vấn 9.879 cuộc, phục hồi chức năng: 87 ca. Một số phòng khám hoạt động rất tốt như phòng khám tư nhân Thành Công, Phòng khám bác sĩ gia đình tại Bệnh viện Quận 2. Các phòng khám này đã sử dụng bệnh án điện tử, phần mềm quản lý phòng khám, tổ chức hội chẩn trực tuyến…
Bác sĩ gia đình giúp giảm tải bệnh viện. Ảnh minh họa.
Phát triển mô hình bác sĩ gia đình: Còn nhiều khó khăn
Hiện nay, mô hình bác sĩ gia đình được triển khai tại các trạm y tế, bệnh viện quận, huyện và một số cơ sở y tế tư nhân. Tuy nhiên, việc hạn chế về ứng dụng công nghệ thông tin đang khiến cho mô hình bác sĩ gia đình ở những nơi này chưa có sự đồng bộ, hệ thống. Một hồ sơ bệnh nhân được thiết lập ở phòng khám bác sĩ gia đình tại Trạm y tế thì ở các bệnh viện huyện hay tỉnh cũng phải có thông tin của người này. Trên thực tế, ngay tại nơi đang được triển khai thí điểm cũng chưa thực hiện được điều này.
Cũng theo đánh giá của lãnh đạo Bộ Y tế, hoạt động của mô hình bác sĩ gia đình ở nước ta hiện nay còn gặp nhiều khó khăn.
- Đa số tại các đơn vị triển khai mô hình bác sĩ gia đình, cán bộ tham gia chưa có chứng chỉ hành nghề nên chưa được cấp phép thành lập Phòng khám bác sĩ gia đình.
- Mô hình cũng chưa thu hút sự tham gia đầu tư của tư nhân.
- Nguồn nhân lực có chuyên môn về y học gia đình dù đã được đào tạo liên tục trong 2 năm qua nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu công việc.
- Các phòng khám bác sĩ gia đình lồng ghép tại Trạm y tế gặp nhiều khó khăn, vì người dân chưa tin tưởng vào chất lượng khám chữa bệnh tại trạm y tế.
Sở dĩ có những khó khăn trên là do ở Việt Nam vẫn chưa định hình rõ mô hình bác sĩ gia đình. Trong khi đó, mô hình này đang được Bộ Y tế chủ trương nhân rộng trên cả nước trong thời gian tới, nhằm góp phần chăm sóc sức khỏe toàn diện cho nhân dân cũng như góp phần giảm tải bệnh viện. Bộ Y tế đặt ra mục tiêu trong giai đoạn 2016 - 2020 sẽ hoàn chỉnh mô hình phòng khám bác sĩ gia đình; trong đó đảm bảo ứng dụng công nghệ thông tin để trao đổi hồ sơ, bệnh án giữa các phòng khám bác sĩ gia đình và với các cơ sở khám chữa bệnh khác.
Để tháo gỡ những khó khăn cũng như đạt được mục tiêu trên, Bộ Y tế cho biết sẽ ban hành mẫu hồ sơ quản lý sức khỏe và mẫu bệnh án giấy, bệnh án điện tử bác sĩ gia đình nhằm áp dụng thống nhất và xây dựng phần mềm quản lý sức khỏe theo Đề án bác sĩ gia đình để giúp công tác quản lý nhanh và toàn diện. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng tăng cường công tác đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ y tế cơ sở và truyền thông quảng bá mô hình, giúp cộng đồng thay đổi nhìn nhận về tuyến y tế cơ sở cũng như vấn đề chăm sóc sức khỏe của mỗi cá nhân trong cộng đồng. Đồng thời, Bộ sẽ tổ chức lấy ý kiến của các chuyên gia đầu ngành về bác sĩ gia đình để xây dựng Đề án nhân rộng mô hình này ở Việt Nam trong thời gian tới.
Ý kiến bạn đọc