(VnMedia) - Đó là khuyến cáo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đối với người dân ở những nơi có bão lũ xảy ra.
Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, góp phần bảo đảm sức khỏe cộng đồng mỗi người dân nên chủ động trong công tác an toàn vệ sinh thực phẩm . Theo đó, Cục đã đưa ra các biện pháp giúp người dân đảm bảo an toàn thực phẩm:
Trước khi có bão, lũ:
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền hướng dẫn người tiêu dùng (đặc biệt là các vùng có nguy cơ chịu ảnh hưởng của bão, lũ cao) trong việc lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn, có kế hoạch chủ động dự trữ các loại lương thực, thực phẩm chế biến sẵn, nước uống đóng chai, các loại vitamin, các hoá chất sát khuẩn của ngành y tế.
- Đề nghị các cơ quan thuộc ngành y tế chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hoá chất, phương tiện, nhân lực... sẵn sàng phối hợp hoặc chủ động xử lý, khắc phục khi có ngộ độc thực phẩm hoặc các bệnh dịch liên quan đến thực phẩm xảy ra, không để lan rộng trong cộng đồng.
Đảm bảo ăn chín, uống sôi. Ảnh minh họa.
Trong khi bão, lũ xảy ra:
- Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng thực phẩm tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm, thuỷ sản chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân để làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm.
- Thực hiện ăn chín, uống chín.
- Đối với những vùng không đủ nước sạch có thể sử dụng các loại hoá chất sát khuẩn theo hướng dẫn của ngành y tế.
- Các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm lợi dụng tình trạng khan hiếm thực phẩm để đưa ra thị trường các loại thực phẩm không bảo đảm an toàn, vệ sinh.
Sau khi bão, lũ rút:
- Chủ động hướng dẫn nhân dân vệ sinh môi trường, tu sửa, tổng vệ sinh nguồn nước dùng cho ăn uống và các công trình công cộng.
- Tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh để đảm bảo không xảy ra tình trạng thực phẩm không bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường.
- Chủ động xử lý, khắc phục sự cố khi có ngộ độc thực phẩm, không để lan rộng trong cộng đồng.
Theo Cục An toàn thực phẩm, khi bão, lũ xảy ra, nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ rất cao, vì thế, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng thực phẩm tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm, thuỷ sản chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân để chế biếnthực phẩm.
Để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể, chống lại bệnh tật, người dân cần chủ động bổ sung vitamin vào khẩu phần ăn hằng ngày.
Về bảo đảm vệ sinh môi trường , người dân vùng bão lũ cần thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom, xử lý, chôn xác động vật. Sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất được Bộ Y tế khuyến cáo để xử lý khi chôn cất. Phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.
Kịp thời phát hiện và dập tắt bệnh dịch truyền nhiễm như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nước ăn chân, cảm cúm, đặc biệt cần đề phòng dịch tả, lỵ, thương hàn...
Theo thống kê, trận mưa lụt trong những ngày cuối tháng Bảy, đầu tháng Tám trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã làm 8.952 ngôi nhà bị ngập lụt; gần 1.200ha nuôi trồng thủy hải sản bị ngập, thiệt hại; 880 lồng bè nuôi trồng thủy sản của huyện Vân Đồn bị thiệt hại hoàn toàn; hơn 2.000 con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi. Theo đánh giá của ngành Y tế tỉnh Quảng Ninh, đến thời điểm này, toàn tỉnh chưa phát hiện trường hợp mắc dịch bệnh do mưa lũ.
Ý kiến bạn đọc