(VnMedia) - Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh MERS-CoV, Bộ Y tế nhận định nguy cơ lây lan dịch bệnh vào Việt Nam là hoàn toàn có thể do nước ta có giao lưu thương mại, du lịch rất lớn với Thái Lan, Hàn Quốc và các quốc gia Trung Đông.
Để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh MERS-CoV có thể xâm nhập vào Việt Nam, Bộ Y tế khuyến cáo:
- Người dân không nên đi đến các quốc gia đang có dịch bệnh MERS-CoV. Nếu phải đi, cần tìm hiểu kỹ thông tin dịch bệnh và áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng bệnh.
- Hạn chế tiếp xúc người bệnh viêm đường hô hấp và người nghi nhiễm MERS-CoV, không đến bệnh viện khi không cần thiết. Nếu đến bệnh viện, cơ sở y tế, cần phải đeo khẩu trang để phòng chống bệnh lây truyền qua đường hô hấp như MERS-CoV, cúm,...
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường; Tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng.
- Che miệng, mũi khi ho và hắt hơi; Tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay khi ho hoặc hắt hơi để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp, sau đó hủy hoặc giặt sạch khăn ngay.
- Tăng cường thông khí nơi ở, nơi làm việc, trường học, cơ sở y tế... bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa
- Thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng các chất tẩy rửa thông thường, như xà phòng và các dung dịch khử khuẩn thông thường khác.
- Những người đi đến từ quốc gia có dịch MERS-CoV đang lưu hành phải chủ động khai báo y tế khi nhập cảnh và tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày, nếu có sốt, ho, khó thở phải báo ngay các cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn và tư vấn kịp thời. Số điện thoại đường dây nóng của Bộ Y tế là: 096.385.1919.
- Thường xuyên cập nhật thông tin về dịch bệnh MERS-CoV trên các trang thông tin chính thống sau:
http://moh.gov.vn
http://vncdc.gov.vn
Fanpage phòng chống MERS-CoV:
http://on.fb.me/1MNTeDY
.
Sẵn sàng lập bệnh viện dã chiến khi có dịch MERS
Chiều 19/6, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND TP HCM về các phương án phòng chống dịch MERS- CoV.
Tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu khẳng định, việc giám sát tại các cửa khẩu quốc tế là rất quan trọng nhưng không phải là phương án duy nhất để chống dịch MERS – CoV.
Trong khi đó, MERS - CoV có thời gian ủ bệnh từ 2 đến 14 ngày, có thể sau khi về cộng đồng thì mới phát bệnh. Do đó, việc theo dõi, giám sát tại cộng đồng là rất quan trọng.
TP HCM nên tập trung giám sát tại những khu vực có đông người trở về từ vùng dịch sinh sống và làm việc như các Khu chế xuất, Khu công nghiệp.
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh cũng đã đề nghị các bệnh viện nên bổ sung thêm các trang thiết bị để cấp cứu những trường hợp bệnh nặng như: Máy thở, hệ thống lọc máu liên tục, hệ thống trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể ECMO…
Các phương tiện phòng hộ cá nhân như quần áo chống dịch, khẩu trang N95 cũng phải chuẩn bị đầy đủ vì chỉ cần xuất hiện một trường hợp mắc bệnh thì sẽ nhanh chóng sử dụng hết các phương tiện phòng hộ cá nhân.
Ngành y tế TP HCM cần xây dựng phương án thành lập bệnh viện dã chiến khi dịch xuất hiện và lan rộng.
Ý kiến bạn đọc