(VnMedia) - Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) thong tin, đến ngày 21/6, Hàn Quốc ghi nhận thêm 3 ca nhiễm MERS-CoV mới. Như vậy, tính từ ngày 20/5 đến nay, quốc gia này đã ghi nhận 169 trường hợp mắc, 25 trường hợp tử vong do nhiễm MERS-CoV, trong đó có thêm 1 ca tử vong vào ngày 20/6/2015. Cơ quan chức năng Hàn Quốc nhận định rằng dịch có xu hướng giảm tại nước này.
Tổng số ca nhiễm MERS-CoV trên thế giới tính đến ngày hôm nay là 1337 ca, trong đó có 472 ca tử vong tại 27 nước: Ca bệnh tại chỗ (9 nước): Ả Rập Xê Út, Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Qatar, Oman, Jordan, Kuwait, Yemen, Lebanon, Iran. Ca bệnh xâm nhập (17 nước): Anh, Pháp, Tunisia, Italy, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Ai Cập, Mỹ, Hà Lan, Algeria, Áo, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức, Philippines, Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan.
Hiện nay Việt Nam chưa ghi nhận ca nhiễm MERS-CoV nào. Tuy vậy người dân cần chủ động tuân theo các khuyến cáo của Bộ Y tế để phòng, chống dịch bệnh có thể xảy ra.
Ngày 20/6, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye tuyên bố số bệnh nhân nhiễm Hội chứng viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS ) của nước này đang có xu hướng giảm dần.
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye nhấn mạnh, Chính phủ Hàn Quốc đang tập trung mọi nguồn lực cũng như thực hiện mọi biện pháp cần thiết để chấm dứt dịch bệnh nguy hiểm này.
Bên cạnh đó, bà Park Geun-hye cũng cho biết sẽ tiến hành kiểm tra hệ thống đối phó với bệnh truyền nhiễm, tăng ngân sách cho việc phát triển nguồn nhân lực và trang thiết bị liên quan để có hệ thống đối phó triệt để về các loại bệnh truyền nhiễm mới.
Ảnh minh họa.
Thái Lan: 175 người phơi nhiễm với MERS
Ngày 20/6, Bộ Y tế Thái Lan cho biết, tổng cộng 175 người đã bị phơi nhiễm khi tiếp xúc với bệnh nhân duy nhất được xác định nhiễm MERS tại nước này.
Bộ này đồng thời thông báo tình hình bệnh nhân nhiễm Hội chứng hô hấp vùng Trung Đông (MERS) đã được cải thiện. Đây là một người đàn ông người Oman, 75 tuổi, tới Bangkok, Thái Lan để điều trị bệnh tim.
Với những trường hợp bị phơi nhiễm, Bộ Y tế Thái Lan cho biết đã khuyến cáo họ tránh xa các khu vực công cộng và cho nhân viên y tế theo dõi tình hình sức khỏe của họ. Bộ trưởng Y tế Thái Lan Rajata Rajatanavin nói rằng khả năng dịch MERS bùng phát tại Thái Lan giống như diễn biến tại Hàn Quốc là rất thấp, vì Thái Lan đã rất nhanh chóng cách ly bệnh nhân người Ôman.
Cùng ngày, Bộ y tế Hàn Quốc thông báo hôm qua là ngày đầu tiên trong 16 ngày nước này không ghi nhận thêm ca nhiễm MERS nào.
Việt Nam: Ngăn dịch từ cửa khẩu
Về nguy cơ dịch Mers-Cov vào Việt Nam, trong chương trình Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời ngày 21/6, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, gần đây, dịch bệnh viêm đường hô hấp vùng Trung Đông (MERS-Cov) có diễn biến phức tạp, bùng phát tại một số quốc gia châu Á như Hàn Quốc. Theo đó, nguy cơ dịch MERS-CoV xâm nhập vào Việt Nam là khá cao. Trước tình hình đó, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đã họp Ban Chỉ đạo Trung ương liên ngành yêu cầu 63 tỉnh thành thực hiện quyết liệt công điện của Thủ tướng Chính phủ, tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát và tập huấn cho các cán bộ dự phòng điều trị; chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc phòng chống dịch.
Đồng thời, để ngăn chặn không cho dịch xâm nhập vào Việt Nam ngay từ cửa khẩu, biên giới. Vì vậy, các hành khách đi từ vùng có dịch đều phải khai tờ khai y tế và được khuyến cáo theo dõi nhiệt độ trong thời gian 14 ngày. Nếu bị sốt thì phải đến cơ sở y tế theo hướng dẫn, cách ly, điều trị. Bên cạnh đó, cần thực hiện nghiêm khắc, triệt để phòng chống nhiễm khuẩn, cách ly tại bệnh viện nếu có ca nghi ngờ mắc bệnh.
Với những nỗ lực trong thời gian qua của chúng ta, tổ chức WHO đánh giá là Việt Nam đã có những biện pháp quyết liệt. Tuy nhiên, chúng ta không được lơ là, chủ quan.
Đối với người dân trong nước, tốt nhất giai đoạn này không nên đi đến các vùng có dịch trừ trường hợp bất khả kháng. Nếu có người nhà, người thân nằm trong bệnh viện nghi có nhiễm bệnh thì hạn chế tối đa việc vào thăm.
Ý kiến bạn đọc