Nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm rất lớn

09:07, 07/05/2015
|

(VnMedia) Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra cảnh báo nhiều chủng vi rút cúm gia cầm đang lưu hành có thể tái tổ hợp gen để tạo các chủng vi rút cúm mới, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Tại Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm cúm gia cầm H5N2, nhưng hiện nay là thời điểm tái đàn gia cầm mạnh nên nguy cơ lây lan vi rút cúm từ gia cầm sang người và bùng phát thành dịch rất lớn.

Theo thông báo Cục Thú y, trên cả nước đã ghi nhận một số ổ dịch cúm gia cầm H5N6 rải rác ở Hà Nam và H5N1 tại Cần Thơ. Để chủ động phòng chống lây nhiễm cúm gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng đã có văn bản đề nghị các đơn vị y tế tại địa phương có ổ dịch cúm gia cầm tăng cường giám sát, phát hiện sớm, điều tra các trường hợp nghi nhiễm chủng cúm gia cầm ở người; các bệnh viện sẵn sàng thu dung, tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe các trường hợp phơi nhiễm và nghi ngờ nhiễm bệnh; điều trị bệnh nhân kịp thời theo phác đồ của Bộ y tế và thông báo kịp thời cho Trung tâm Y tế dự phòng để điều tra, xử lý ổ dịch.

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm lây sang người tại khu vực có gia cầm ốm, chết và những vùng có nguy cơ cao. Phối hợp với cơ quan thú y và chính quyền địa phương giám sát dịch cúm trên gia cầm, xử lý kịp thời, triệt để ô dịch.

Bên cạnh đó, cần chuẩn bị sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện hỗ trợ kịp thời cho địa phương triển khai các biển pháp xử lý ổ dịch.

Biện pháp phòng tránh cúm gia cầm

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm túc và triệt để các biện pháp sau để phòng tránh cúm gia cầm:

- Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.

- Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

- Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

- Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
 

Nước Mỹ lo lắng về dịch cúm gia cầm (H5N2)


Ảnh minh họa

Mỹ đang đối phó với dịch cúm gia cầm.

Theo Cục  Nông nghiệp Mỹ, vi rút cúm gia cầm H5N2 được phát hiện tại một nông trại ở hạt Osceala, vùng tây bắc bang Iowa, Mỹ đã gây ra dịch bệnh chết hàng loạt gia cầm của bang vào cuối tháng 4 vừa qua.  Hậu quả là 5,3 triệu  con gà mái đã bị tiêu hủy trên toàn bang, gây thiệt hại khoảng 1/5 sản lượng trứng cung cấp cho cả nước Mỹ.

Trong khi đó, tính từ tháng 3/2015 đến nay, 7 bang khác ở khu vực Trung tây đất nước này cũng  bị nhiễm vi rút cúm gia cầm H5N2 và buộc phải tiêu hủy gần 7,8 triệu con, bao gồm cả gà tây.

H5N2 là vi rút có khả năng lây truyền rất cao, giết chết gia cầm nhanh chóng ngay khi nó xuất hiện trong một khu trại. Tuy nhiên nguy cơ bùng phát rộng sẽ thấp nếu kiểm soát tốt nguồn cung thực phẩm.
 
Trong bối cảnh dịch cúm gia cầm chưa có dấu hiệu lắng dịu, Chính phủ Mỹ ngày 5/5 đã quyết định chi khẩn cấp thêm 330 triệu USD để nỗ lực kiểm soát và dập dịch bệnh.

Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết, ngành chăn nuôi gia cầm của Mỹ đang đối mặt với dịch cúm gia cầm lây lan nhanh và trên diện rộng chưa từng có. Tới nay đã có 3 bang tại Mỹ ban bố tình trạng khẩn cấp với khoảng 21,6 triệu con gia cầm bị tiêu hủy vì nghi nhiễm bệnh. Hàng chục nước đã áp đặt lệnh cấm hoàn toàn, hoặc một phần lượng gia cầm nhập khẩu từ Mỹ kể từ khi dịch cúm bùng phát hồi cuối năm 2014.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc