Hai bệnh nhi ho gà biến chứng hiếm gặp được cứu sống

06:13, 08/05/2015
|

(VnMedia) - Theo tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, hai cháu bé mắc ho gà bị biến chứng tăng áp động mạch phổi dẫn đến suy tim, rơi vào tình trạng nguy kịch vừa được các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung  ươngcứu sống bằng kỹ thuật sử dụng màng trao đổi oxy ngoài cơ thể (ECMO).

Được biết, từ đầu năm 2014, tại Bệnh viện Nhi Trung ương có hơn 150 bệnh nhi mắc bệnh ho gà nhập viện, nhưng biến chứng bệnh nặng, tiến triển nhanh, diễn biến phức tạp như hai cháu bé này là khá hiếm gặp, kể cả trên thế giới.

Trường hợp thứ nhất là cháu P.Q.A (3 tháng tuổi, ở Hà Nội) nhập viện ngày 8/4 trong tình trạng khó thở, rút lõm lồng ngực, toàn trạng chung nặng. Trước đó 10 ngày, trẻ có ho, sốt, đi khám tại phòng khám tư tại địa phương được chẩn đoán viêm tiểu phế quản. Sau một thời gian dùng thuốc không đỡ, trẻ có dấu hiệu nặng lên, sốt cao, khó thở và được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương.

TS.BS Tạ Anh Tuấn, Phụ trách khoa Điều trị tích cực Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trẻ vào viện với các dấu hiệu ho gà đã khá rõ ràng như: khó thở, rút lõm lồng ngực, phổi ran rít, ho thành cơn sặc sụa, tím tái trong cơn ho… Kết quả xét nghiệm cho thấy bạch cầu tăng cao bất thường (98.900/mm3), PCR dịch tỵ hầu phản ứng dương tính với trực khuẩn ho gà, siêu âm tim có tăng áp lực động mạch phổi nặng. Trẻ nhanh chóng được hỗ trợ hô hấp, điều trị tăng áp phổi bằng các thuốc giãn mạch và hít khí NO. Do số lượng bạch cầu trong máu quá cao , nên các bác sĩ quyết định thay máu gấp 2 lần thể tích (lượng máu rút ra và thay vào gấp 2 lần thể tích máu của người bệnh).

Tuy nhiên, tình trạng bệnh nhi vẫn diễn biến ngày càng nặng hơn (huyết áp tụt, có dấu hiệu ngừng tim phải tiến hành ép tim). Sau khi được các bác sĩ cho dùng thuốc hỗ trợ tim mạch, huyết áp bệnh nhân trở lại ổn định hơn nhưng nguy cơ tử vong của bệnh nhân vẫn rất cao, gần như không còn hy vọng.

Ngay lập tức, các bác sĩ tiến hành hội chẩn và quyết định sử dụng phương pháp cuối cùng là kỹ thuật màng trao đổi oxy ngoài cơ thể (hay còn gọi là ECMO). Sau 12 ngày được hỗ trợ ECMO tại khoa Hồi sức Ngoại, hiện tình trạng bệnh nhân được cải thiện rõ rệt, trẻ tự thở, chức năng tim được cải thiện, tình trạng nhiễm khuẩn giảm dần.

Trường hợp thứ 2 là cháu B.Đ.L (2 tháng tuổi, ở Hòa Bình) với các triệu chứng tương tự bệnh nhi P.Q.A trước khi nhập viện. Đó là: sốt, ho tăng dần. Ngày 29/4, trẻ được gia đình đưa vào bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình có xuất hiện co giật, tím tái trong cơn ho, tăng trương lực cơ. Tại đây, trong vòng 1 ngày, tình trạng bệnh nhi đã diễn biến rất nhanh và nặng nên được hỗ trợ thở oxy và chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương. 

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ có dấu hiệu sốc, suy hô hấp nặng. Kết quả xét nghiệm cho thấy thấy bạch cầu tăng rất cao (83.000 /mm3), bệnh nhi được chẩn đoán theo dõi ho gà, siêu âm tim cấp cứu thấy tăng áp động mạch phổi nặng. Ngày 1/5, bệnh nhi được điều trị thở máy, chống sốc, sử dụng thuốc trợ tim, thuốc điều trị tăng áp phổi, thay máu và hội chẩn cấp cứu chỉ định kỹ thuật ECMO. Hiện cháu Đ.B.L vẫn đang được hỗ trợ ECMO với tiến triển tốt.

Ảnh minh họa

Hai bệnh nhi được chăm sóc đặc biệt tại phòng cách ly khoa Hồi sức Ngoại,
Bệnh viện Nhi Trung ương.

Ths.BS Trịnh Xuân Long, Khoa Hồi sức Ngoại cho biết, với hệ thống máy móc hiện đại này, tỷ lệ sống của bệnh nhân bị biến chứng tăng áp động mạch phổi do ho gà cũng chỉ đạt 20%. Sau 2 tuần được hỗ trợ ECMO, tình trạng bệnh nhân đã cải thiện rõ rệt, cai ECMO, cai máy thở chỉ phải thở oxy, vẫn còn viêm phổi nhưng không phải dùng thuốc hỗ trợ tim mạch.

Ngoài vai trò chẩn đoán và chỉ định điều trị đúng của các bác sỹ thì vai trò của các điều dưỡng theo dõi máy ECMO và chăm sóc bệnh nhi là rất quan trọng, góp phần vào thành công của hai ca bệnh này cũng như trong công tác hồi sức nhi khoa nói chung. BS Long cho biết: “Các bệnh nhi chạy ECMO phải nằm phòng riêng và có điều dưỡng chăm sóc liên tục 24/24.

Các điều dưỡng thực hiện y lệnh thuốc, theo dõi chức năng sống của bệnh nhi mỗi tiếng 1 lần, tắm rửa cho các cháu, và đặc biệt theo dõi chức năng và chế độ chạy máy ECMO. Việc kiểm soát và theo dõi đông máu khi chạy ECMO cũng rất vất vả, đặc biệt chạy ECMO trên trẻ nhỏ, làm sao để tránh tình trạng chảy máu hoặc đông máu (gây tắc bộ màng trao đổi oxy), sớm phát hiện và điều trị kịp thời tình trạng suy các tạng. Quá trình này kéo dài liên tục 1-2 tuần, thậm chí cả tháng, các điều dưỡng viên rất vất vả. 

PGS.TS. Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho rằng, đây là thành công không chỉ của riêng Bệnh viện Nhi Trung ương, mà còn là thành công của nền y học nước nhà, đã tiếp cận được y học hiện đại của khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên PGS Điển cũng cho biết, cả hai bệnh nhi trên đều chưa được tiêm chủng bệnh ho gà. Đây là bệnh có thể phòng được bằng tiêm vắc-xin đúng và đủ, do vậy, để tránh nguy cơ mắc bệnh và gặp biến chứng nặng, các bà mẹ cần đưa trẻ đi tiêm chủng đúng thời gian và đủ liều vắc-xin.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc