(VnMedia) - Thông tin mới nhất từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong thời gian vừa qua số lượng người nhiễm vi rút cúm A(H5N1) từ gia cầm tại Ai Cập gia tăng nhanh chóng, nguyên nhân do nhiều người ngày càng dễ bị phơi nhiễm với gia cầm nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh.
Báo cáo từ Cơ quan đầu mối IHR của Ai Cập cho thấy, từ tháng 11/2014 đến 30/4/2015, tổng cộng đã ghi nhận 165 người nhiễm cúm A(H5N1), trong đó 48 người tử vong . Đây là con số cao nhất tại Ai Cập tính đến thời điểm hiện nay. Các chuyên gia y tế lo ngại vi rút cúm A(H5N1) lan truyền ở Ai Cập sẽ còn tiếp diễn trong một thời gian dài nữa.
Tiến sĩ Keiji Fukuda, Trợ lý Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, chuyên trách về An ninh Sức khỏe nhận định: “Dựa trên những bằng chứng hiện có, chúng tôi tin rằng sự bùng phát dịch bệnh không thể chỉ giải thích bằng sự biến đổi của vi rút, lý do lớn nhất của sự gia tăng dịch bệnh nơi đây là ngày càng có nhiều gia cầm ở Ai Cập bị nhiễm vi rút H5N1 và nhiều người tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh. Thêm vào đó, sự thiếu nhận thức đầy đủ, thiếu cảnh báo cần thiết và thiếu các hoạt động ứng phó kịp thời đã làm cho tình trạng dịch bệnh diễn biến như chúng ta đang thấy”.
Để hạn chế những ảnh hưởng xấu, sự lây truyền của vi rút cúm A(H5N1) lên sức khỏe con người và nền kinh tế, việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh lây lan dịch bệnh cần thiết phải có những kế hoạch kiểm soát dịch bệnh, biện pháp tiêu độc khử trùng, giám sát động vật nhiễm bệnh, gia cầm, thủy cầm mang mầm bệnh, khống chế, loại trừ các ổ dịch cúm A(H5N1) trên gia cầm. Bối cảnh này đòi hỏi sự vào cuộc và phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị y tế và thú y. Cần có sự liên kết giữa các cơ quan liên quan và các tổ chức trong cộng đồng để thực hiện đồng bộ những hoạt động quan trọng như là tiêm vắc xin cho gia súc, gia cầm trên toàn quốc.
Ảnh minh họa.
Khoảng 70% tổng số ca bệnh nhiễm cúm A(H5N1) trên người phơi nhiễm với gia cầm
Nhận định của WHO về ca bệnh nhiễm cúm A(H5N1)
- Mặc dù việc lây truyền bệnh từ người sang người chưa bị loại bỏ, các số liệu về dịch tễ học và nhân khẩu học của các trường hợp nhiễm bệnh trong thời gian vừa qua không có nhiều thay đổi so với các báo cáo trước đây.
- Không có bằng chứng cho thấy việc lây nhiễm từ bệnh nhân sang nhân viên chăm sóc y tế trong suốt thời gian dịch bệnh bùng phát.
- Khoảng 70% tổng số ca bệnh nhiễm cúm A(H5N1) trên người gần đây cho thấy rõ sự phơi nhiễm với gia cầm nhiễm bệnh.
- Phân tích kết quả từ dữ liệu di truyền học cho thấy không có sự biến đổi trong việc lây nhiễm vi rút từ người bệnh sang người thường.
Bệnh dịch cúm A(H5N1) lây truyền ở Ai Cập đang ảnh hưởng lớn đến ngành công nghiệp chế biến gia cầm và nền kinh tế đất nước nói chung. Rất nhiều nông dân ở quốc gia này đã chuyển đổi từ trồng trọt sang chăn nuôi gia cầm để tạo nguồn thu chính cho cả gia đình.
Chính phủ Ai Cập đã nhận thức được những nguyên nhân chính dẫn đến việc gia tăng số lượng người mắc bệnh và sẽ có những chính sách quan trọng nhằm kiểm soát tình hình. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi sự quan tâm, thống nhất của chính phủ và chính quyền các cấp cơ sở. Bên cạnh đó, Ai Cập cần một sự đầu tư dài hạn hơn vào các vấn đề nông nghiệp, dịch vụ thú ý, y tế và sức khỏe cho người dân làm nông nghiệp, nông thôn để phòng chống dịch bệnh cúm cúm A(H5N1). Chính phủ Ai Cập chỉ đạo tăng cường tuyên truyền mạnh mẽ cho người dân hiểu rõ và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh cúm A(H5N1) hiệu quả.
Tại Việt Nam, theo thông báo của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ đầu năm đến nay có cúm A(H5N1) lưu hành trên đàn gia cầm rải rác tại một số địa phương. Tuy chưa ghi nhận trường hợp nhiễm cúm A(H5N1) trên người, nhưng nếu chúng ta không chủ động phòng tránh tốt, khả năng lây bệnh sang người và nguy cơ bùng phát thành dịch là điều khó tránh khỏi.
Để phòng bệnh cúm A(H5N1), Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng sạch sẽ, lựa chọn và sử dụng gia cầm an toàn, rõ nguồn gốc và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ý kiến bạn đọc