14h chiều nay: Giao lưu trực tuyến "Những bệnh lý tiêu hóa thường gặp"

09:01, 26/05/2015
|

(VnMedia) - 14h chiều nay 26/5, Báo Điện tử VnMedia.vn tổ chức Giao lưu trực tuyến: "Những bệnh lý tiêu hóa thường gặp" với sự tham gia của Tiến sỹ, Bác sỹ Nguyễn Văn Thịnh Trưởng khoa Nội soi - Thăm dò chức năng và Thạc sỹ, Bác sỹ  Phạm Trường Giang - Trưởng khoa ngoại tổng hợp, Bệnh viện Bưu điện.

 

Đặt câu hỏi TẠI ĐÂY

 

Bệnh tiêu hóa là một trong những bệnh đứng đầu nhóm các bệnh nội khoa thường. Rối loạn hệ tiêu hóa là căn bệnh có tỷ lệ mắc nhiều nhất ở Việt Nam , nhưng chúng ta thường không biết cách phòng tránh và không nhận ra mình đang mang bệnh. Sự gia tăng các bệnh về đường tiêu hóa không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân, mà còn tạo thêm gánh nặng cho hệ thống y tế cả nước.

 

Nguyên nhân gây các bệnh tiêu hóa được nói đến nhiều nhất là do vệ sinh an toàn thực phẩm; nhiều người có thói quen ăn uống tùy tiện, thiếu tính khoa học, không đủ chất, ăn các loại thực phẩm chứa các hóa chất độc hại, nhiễm khuẩn. Và hệ lụy của nó không chỉ là những bệnh về tiêu hóa, mà còn có thể là các bệnh ung thư đe dọa tính mạng.
 

  Ảnh minh họa

Tiến sỹ, Bác sỹ Nguyễn Văn Thịnh đang nội soi dạ dày cho bệnh nhân
tại Bệnh viện Bưu Điện.


 

Theo các kết quả nghiên cứu, hệ tiêu hoá của con người là một ống cơ dài đi từ miệng tới hậu môn và các cơ quan phụ đổ chất tiết vào ống tiêu hoá. Đó là các tuyến nước bọt, túi mật và tuyến tuỵ. Bộ máy tiêu hoá có bốn công việc chính: vận chuyển, nhào lộn thức ăn với dịch tiêu hoá; tiêu hoá thức ăn thành những phần nhỏ hơn; hấp thụ thức ăn đã tiêu hoá, chủ yếu diễn ra ở ruột; chuyển hoá các thức ăn đã được hấp thụ thành những dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, chủ yếu diễn ra ở gan. Để hoàn thành các chức năng trên, hệ tiêu hoá thực hiện các hoạt động nhào bóp, bài tiết dịch tiêu hoá, hấp thụ và đào thải. Do "đảm nhiệm" nhiều trọng trách nên các triệu chứng bệnh thường gặp của bộ tiêu hoá rất đa dạng, rải dọc theo ống tiêu hoá.

 

Theo thống kê của ngành y tế, số người thực nhiễm bệnh về tiêu hóa ở nước ta hiện lên đến gần 10% dân số. Theo các giáo sư đầu ngành về tiêu hóa, nhẹ thì táo bón, rối loạn tiêu hóa, trào ngược dạ dày, ợ hơi, trướng bụng, nặng hơn thì là viêm loét dạ dày - tá tràng, viêm đại tràng mạn tính, hội chứng ruột kích thích, viêm ruột... Điều đáng báo động là những bệnh ung thư liên quan đến đường tiêu hóa như ung thư dạ dày, gan, đại tràng ngày càng gia tăng, phần lớn được phát hiện khá muộn nên không còn khả năng cứu chữa.

 

Theo số liệu cho thấy, trung bình mỗi năm Việt Nam có từ 11.000 - 12.000 người mắc mới ung thư dạ dày và 8.000 người tử vong. Với bệnh ung thư thực quản, con số mắc mới tương đương với lượng người tử vong, lên đến hàng nghìn người.

   

Để giải đáp các thắc mắc của bạn đọc về những bệnh tiêu hóa thường gặp, cung cấp những thông tin cụ thể về từng bệnh để từ đó, bạn đọc có giải pháp đúng cho tình trạng sức khỏe của mình, Báo Điện tử VnMedia sẽ tổ chức Giao lưu trực tuyến: “Những bệnh lý tiêu hóa thường gặp”.

 

Khách mời:

- Tiến sỹ, Bác sỹ Nguyễn Văn Thịnh Trưởng khoa Nội soi - Thăm dò chức năng, Bệnh viện Bưu điện.

- Thạc sỹ, Bác sỹ  Phạm Trường Giang - Trưởng khoa ngoại tổng hợp, Bệnh viện Bưu điện. 
 

Thời gian : 14h thứ ba, ngày 26/5/2015 tại Tòa soạn Báo Điện tử VnMedia.


Kính mời bạn đọc đặt câu hỏi ngay từ bây giờ, TẠI ĐÂY

 

Những thủ thuật chẩn đoán các bệnh đường tiêu hóa tại Bệnh viện Bưu Điện

Đến nay, khoa Nội soi bệnh viện Bưu điện có thể thực hiện được các thủ thuật chẩn đoán các bệnh đường tiêu hoá như:

1. Nội soi đường tiêu hoá trên:

- Nội soi chẩn đoán các bệnh thực quản, dạ dày, tá tràng. Qua đó sinh thiết tổn thương để làm xét nghiệm Mô bệnh học nếu cần.
- Chẩn đoán sớm ung thư thực quản, dạ dày.
- Cắt polyp thực quản, tâm vị, dạ dày.
- Cầm máu ổ loét chảy máu trong cấp cứu xuất huyết tiêu hoá trên: tiêm cầm máu, cặp clip cầm máu, đông điện cầm máu ...
- Thắt búi dãn tĩnh mạch thực quản trong cấp cứu xuất huyết tiêu hoá do vỡ búi dãn tĩnh mạch thực quản và thắt búi dãn tĩnh mạch dự phòng vỡ.
- Đặt Stent thực quản trong bệnh ung thư thực quản.
- Cắt niêm mạc trong điều trị ung thư sớm.
- Nội soi mật tuỵ ngược dòng (ERCP), lấy sỏi ống mật chủ, đặt Stent đường mật.
- Nong thực quản trong bệnh co thắt tâm vị.

2. Nội soi đường tiêu hoá dưới:

- Nội soi đại trực tràng chẩn đoán.
- Cắt polyp đại trực tràng.
- Đặt Stent đại trực tràng.

3. Nội soi bằng viên nang.


Kim Thảo

Ý kiến bạn đọc