Cách xử lý khi trẻ sốt cao

08:33, 30/04/2015
|

(VnMedia)  - Sốt thường là phản ứng của cơ thể với một căn bệnh được gây ra bởi virus hoặc đôi khi do vi khuẩn. Do đó hệ thống miễn dịch của cơ thể bắt đầu phản ứng với kẻ xâm nhập bằng cách giải phóng các chất phát tín hiệu đến não để tăng nhiệt độ cơ thể cao hơn bình thường. Điều này giúp tiêu diệt nhiễm trùng hoặc nhiều vi sinh vật gây bệnh.

Khi sốt cao bạn không nên nóng vội cho trẻ uống thuốc hạ sốt ngay mà cần đi khám và điều trị theo sự chỉ định của bác sĩ.

Nhiệt độ cơ thể tăng cao có hai ý nghĩa. Thứ nhất là phản ứng thích ứng của cơ thể đối với tác nhân gây sốt. Đây là một biện pháp đối phó với bệnh tật của bản thân cơ thể chúng ta, nó thể hiện khả năng phản ứng và khả năng tự vệ của cơ thể. Nếu ngay lập tức uống thuốc để hạ sốt thì không tốt cho cơ thể và cũng không tốt cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh. Nếu mắc bệnh thương hàn mà uống thuốc hạ sốt có thể gây trầm trọng hơn quá trình hoại tử của tế bào limpo trong thành ruột. Bệnh sốt lây lan có ra máu nếu uống thuốc hạ nhiệt sẽ làm bệnh nặng hơn.

Tuy nhiên bạn cũng cần lưu ý rằng, sốt cao kéo dài sẽ gây tổn thương đến quá trình bài tiết và chức năng tiêu hóa của cơ thể, gây rối loạn hệ thần kinh trung khu. Sốt cao quá 40 độ C sẽ gây tổn thương tế bào quan trọng trong cơ thể, thậm chí uy hiếp tính mạng. Vì vậy, khi nhiệt độ cơ thể tăng lên hơn 39 độ C thì cần đi khám và có biện pháp hạ sốt kịp thời ngay, nhất là đối với trẻ nhỏ.




Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.


Dùng thuốc hạ sốt như nào là đúng cách?

Dược sỹ Bích Nga, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, sốt chỉ là một triệu chứng của bệnh nào đó nên khi biết được nguyên nhân gây bệnh, sốt giúp ta theo dõi hiệu quả của việc điều trị. Do đó đối với trẻ lớn, ít có nguy cơ bị biến chứng của sốt (co giật), có thể dùng thuốc điều trị mỗi khi có cơn sốt, không nhất thiết phải uống thường xuyên.

Thuốc hạ sốt được đưa vào cơ thể bằng nhiều đường khác nhau như uống, tiêm tĩnh mạch,tiêm bắp, tiêm dưới da, qua ngã trực tràng (nhét hậu môn),.. nhưng thông dụng nhất vẫn là đường uống.

Chỉ khi trẻ không uống được, nôn ói nhiều, đang co giật hoặc trẻ đang ngủ mà bạn không muốn đánh thức trẻ dậy thì mới dùng thuốc nhét hậu môn. Dạng thuốc nhét hậu môn sẽ không dùng được khi trẻ bị tiêu chảy, bị viêm hoặc vết thương vùng hậu môn. Dạng thuốc nhét này cũng có thể gây ngứa hậu môn khi dùng.

Để tránh ngộ độc do quá liều, bạn cần lưu ý:
- Liều hạ sốt của paracetamol được tính theo cân nặng của trẻ với mức dao động từ 10 đến 15 mg/kg cân nặng cho 1 lần uống.
- Khoảng cách giữa 2 lần uống là từ 4 đến 6 tiếng đồng hồ nếu trẻ bị sốt cao. Không vừa cho uống vừa nhét cùng lúc.
- Một ngày không được cho trẻ uống quá 5 lần paracetamol.

Các loại thuốc hạ sốt

Hiện có 3 loại thuốc hạ sốt phổ biến, đó là paracetamol (acetaminophen), ibuprofen và aspirin.

Paracetamol

Paracetamol thường là thuốc được lựa chọn hàng đầu đối với sốt ở trẻ. Paracetamol tương đối an toàn, không có nguy cơ gây chảy máu và tác dụng không mong muốn về dạ dày-ruột. Liều thường dùng 10 - 15 mg/kg/lần, có thể lập lại mỗi 6 giờ nếu trẻ vẫn còn sốt cao.

Ibuprofen

Mặc dù tác dụng hạ sốt mạnh hơn paracetamol tuy nhiên sử dụng ibuprofen phải có chỉ định và sự theo dõi của bác sĩ vì thuốc có nhiều tác dụng phụ. Một số trường hợp trẻ không được sử dụng ibuprofen, ví dụ như:

- Loét dạ dày- tá tràng.
- Dị ứng với ibuprofen hay aspirin và các thuốc chống viêm không steroid khác
- Trẻ bị hen hay bị co thắt phế quản, rối loạn chảy máu, bệnh tim mạch, suy gan hoặc suy thận.
Nên uống thuốc ngay trước khi ăn, hoặc sau ăn, có thể uống với sữa.

Aspirin

Aspirin đã được khuyến cáo không sử dụng hạ sốt cho trẻ vì những tác dụng bất lợi đặc biệt là khi trẻ đang mắc các bệnh do virus, đặc biệt là cúm hoặc thủy đậu sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc hội chứng Reyes. Đây là bệnh cảnh nặng và có thể dẫn đến tử vong.

Như vây, chỉ Paracetamol là nên có sẵn trong tủ thuốc của mỗi gia đình. Để hạ sốt cho trẻ, phu huynh nên nhớ liều là 10 - 15 mg/kg/lần.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu và thấy rằng khi sử dụng paracetamol xen kẽ với ibuprofen cho tác dụng hạ sốt tốt hơn so với chỉ sử dụng riêng lẻ hoặc paracetamol hoặc ibuprofen. Do đó phương pháp này được sử dụng khi trẻ sốt cao, khó hạ với 1 loại thuốc riêng lẻ.

Nhưng do ibuprofen có nhiều tác dụng phụ nên chỉ sử dụng như trên khi có y lệnh của bác sĩ.

Sau khi uống paracetamol thuốc sẽ cho tác dụng sau 15 – 30 phút. Do đó, các phụ huynh hãy chờ đợi, không nên lo lắng mà cho trẻ uống thêm thuốc sẽ gây quá liều. Trong lúc đợi thuốc có tác dụng, phụ huynh có thể lau mát cho trẻ. Nếu sau khoảng thời gian đó và đã lau mát rồi nhưng trẻ vẫn còn sốt cao, phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám.

Lưu ý:
- Để hạ sốt cho trẻ, phụ huynh nên sử dụng paracetamol, không nên tự ý sử dụng Ibuprofen, Aspirin.
- Khi trẻ sốt cao khó hạ, sốt kéo dài từ 3 ngày trở lên nên đưa trẻ đến bệnh viện khám và điều trị.


Phạm Minh

Ý kiến bạn đọc