(VnMedia) - BS Trần Thu Thủy, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, với các bé dưới 6 tháng tuổi, rụng tóc có thể là hiện tượng bình thường, không đáng lo ngại. Không nên chỉ thấy bé rụng tóc hoặc có những mảng hói nhỏ trên đầu mà vội kết luận rằng bé bị còi xương.
>> Cách giúp trẻ không nói dối
>> Trẻ em ăn sắn có nguy cơ tử vong cao
Nhiều bé sinh ra đầu rất nhiều tóc nhưng rồi một ngày cha mẹ hốt hoảng vì thấy tóc con bắt đầu rụng, mỏng đi. Điều này xảy ra với rất nhiều bé, tuy thời gian bắt đầu có thể rất khác nhau. Tóc có thể rụng từ trước khi bé chào đời hoặc ngay trong vòng mấy tuần đầu. Thời gian mọc tóc mới cũng dao động, nhưng thông thường tới một tuổi đa số các bé đã có đủ tóc. Lúc này tóc của bé có thể hoàn toàn khác về màu sắc và độ cứng so với tóc khi chào đời.
Nguyên nhân rụng tóc ở trẻ
- Sự sụt giảm hóc môn ngay khi bé chào đời có thể là nguyên nhân dẫn tới rụng tóc ở trẻ nhỏ. Đó cũng là nguyên nhân rụng tóc ở các bà mẹ sau khi sinh.
- Tư thế nằm ngủ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sự rụng tóc của trẻ. Nếu bé bị rụng tóc hoặc có thể có những mảng hói trên đầu, nguyên nhân có thể do việc bé nằm cùng một vị trí trong thời gian dài hoặc bị cọ xát với xe đẩy.
- Thói quen chùm mũ cho bé quá kín, buộc tóc cho bé quá chặt.
- Do chế độ dinh dưỡng thiếu hụt chất sắt, chất kẽm hoặc bé đang phải đối mặt với một chứng bệnh nào đó.
- Do bé bị nấm da đầu, ngứa đầu dẫn tới rụng tóc.
- Hoặc cho bé sử dụng một số loại thuốc như hypothyroidism hoặc hypoituarism có thể là nguyên nhân gây rụng tóc cho bé.
Ảnh minh họa. |
Làm gì khi trẻ rụng tóc?
- Đối với rụng tóc do thay đổi hóc môn, cha mẹ không thể làm gì khác ngoài đợi tóc mới mọc lên.
- Với rụng tóc do tư thế nằm, nên đặt bé ngủ ở những tư thế khác nhau, chẳng hạn đêm đầu tiên nằm ngửa, đêm sau nghiêng trái, đêm sau nữa nghiêng phải.
- Cần tăng cường thời gian cho bé nằm sấp (lúc tỉnh và bụng đói). Nên tạo thói quen này ngay từ khi mới sinh, tốt nhất là sau khi rốn rụng. Có thể bắt đầu từ 1-2 phút mỗi lần rồi tăng dần thời gian theo lứa tuổi. Ngoài việc tạo điều kiện cho gáy được nghỉ ngơi, tư thế nằm sấp giúp trẻ phát triển vận động tốt hơn.
Sau 6 tháng, các bé bắt đầu tự điều chỉnh tư thế ngủ, không nằm ở một tư thế trong suốt đêm nữa nên rụng tóc do tư thế nằm không còn phổ biến.
Nhiều trẻ sinh ra đầu rất ít tóc, vẫn bị gọi vui là "đầu trọc". Tuy nhiên, khi nhìn thật gần bạn có thể thấy những sợi tóc cực mảnh, mềm mại và nhạt màu nhú lên trên da đầu. Tình trạng này có thể kéo dài tới tận lúc bé 1 tuổi hoặc hơn.
Khi nào nên đi khám bác sĩ?
BS Trần Thu Thủy cho biết, cần đưa bé đi khám để phát hiện kịp thời các bệnh tiềm ẩn nếu:
- Da đầu tại vùng hói có biểu hiện bất thường ví dụ da đỏ, bong vảy… Những đốm hói nhỏ đi kèm hiện tượng này có thể là dấu hiệu của bệnh nấm bẩm sinh.
- Tình trạng rụng tóc không cải thiện sau 6 tháng.
- Một số bệnh lý như thiểu năng tuyến giáp, thiểu năng tuyến yên thường gây rụng tóc cả đầu, chứ không phải từng mảng.
- Rụng tóc do thiếu chất: Bạn cần có chế độ giúp bé ăn uống đủ chất, bổ sung sắt, kẽm và đảm bảo bé không mắc các chứng bệnh khác. Trường hợp này, bạn nên tăng cường dinh dưỡng đồng thời đưa bé đi khám. Bởi vì, một số trường hợp, rụng tóc ở bé có liên quan đến tình trạng còi xương. Bé còi xương còn kèm theo một số biểu hiện khác như ra mồ hôi trộm, hay quấy khóc, ngủ không ngon giấc…
Ý kiến bạn đọc