Nhân viên y tế bị hành hung có xu hướng gia tăng

18:55, 09/12/2014
|

(VnMedia) -   Thống kê sơ bộ của Bộ Y tế cho thấy, từ năm 2013 đến nay đã có 14 vụ hành hung nhân viên y tế xảy ra nghiêm trọng tại các bệnh viện trong cả nước. Đặc biệt, số vụ hành hung các nhân viên y tế có xu hướng ngày càng gia tăng.

Thông tin trên được ông Trần Đức Long - Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng (Bộ Y tế) đưa ra trong buổi tọa đàm: Bảo vệ người lao động ngành y, chống bạo hành trong bệnh viện tổ chức sáng 9/12 tại Hà Nội.

Nhiều nhân viên y tế bị hành hung

Ông Trần Đức Long cho hay, trong thời gian qua, tại các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt tại các bệnh viện lớn - nơi có số lượng bệnh nhân đến khám bệnh đông, đã xảy ra sự bất ổn về an ninh, trật tự.

Điển hình như một loạt các vụ hành hung nhân viên y tế gần đây tại Bệnh viện Đa khoa huyện Vũ Thư (Thái Bình), Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Bạch Mai... Trong đó, đã có những bác sỹ bị chấn thương nặng, thậm chí có bác sỹ bị người nhà bệnh nhân hành hung đến tử vong.

Sáng ngày 16/8, tại Bệnh viện Đa khoa huyện Vũ Thư (Thái Bình) một bác sĩ đã bị đâm tới chết khi đang lập biên bản về việc một nạn nhân tử vong.  Trước đó, vào đêm 15/8, các bác sĩ tại khoa ngoại Bệnh viện Đa khoa huyện Vũ Thư tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Văn Hùng (SN 1991; trú tại xã Hòa Bình, huyện Vũ Thư, Thái Bình) nhập viện trong tình trạng thở ngáp cá, môi tím, chân tay lạnh, không đo được huyết áp, không bắt được mạch, ngừng tuần hoàn. Tuy nhiên, khi vừa vào tới viện, người nhà bệnh nhân Hùng đã rất hung hãn, doạ đánh và giết các bác sĩ nếu không cứu được Hùng.   

Mặc dù các bác sĩ ở đây đã nhiệt tình cứu chữa bệnh nhân nhưng hơn một tiếng sau khi nhập viện, bệnh nhân Hùng đã tử vong. Sau đó, người nhà Hùng đã được mời vào phòng làm việc gồm bác sĩ Giàu, bác sĩ Trấn, bác sĩ Hoàn và y tá Thắng để lập biên bản về cái chết của Hùng. Đột nhiên, anh trai của Hùng là Nguyễn Văn Dũng (SN 1993) rút dao thủ sẵn trong người đâm toán loạn. Tên côn đồ hung hãn đã đâm trọng thương bác sĩ Hoàn, sau đó hắn quay sang đâm một nhát chí mạng vào ngực bác sĩ Giàu. Chỉ chạy kêu cứu được vài bước thì bác sĩ Giàu tử vong. Mặc dù 4 chiến sĩ công an có mặt nhưng cũng không ngăn nổi "máu điên" của Dũng.

Giữa tháng 9, một bé trai 4 tuổi cùng người nhà đến thăm mẹ đẻ mổ tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hai Bà Trưng, Hà Nội), trong lúc chơi đùa, bé bị ngã từ trên cao, đập đầu xuống đất, sưng nề vùng trán và được đưa vào khám tại khoa Ngoại của bệnh viện.  Lúc đó, bác sĩ Phạm Thanh Tùng đã đề nghị người nhà đưa cháu bé sang Bệnh viện Ung Bướu để chụp cắt lớp vì điều kiện kỹ thuật tốt hơn. Bác sĩ cử hai điều dưỡng viên cùng gia đình đưa bé đi khám. Lát sau, có ba thanh niên, trong đó có Tuấn, tự xưng là người nhà bé trai đến phòng Cấp cứu - khoa Ngoại có nhiều lời lẽ xúc phạm bác sĩ Tùng. Tuấn còn đánh vào mặt bác sĩ trước sự chứng kiến của nhiều người.

Trước đó, tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Đối tượng Nguyễn Tiến Dũng đưa vợ là chị Nguyễn Thị Hồng Mỹ (32 tuổi) vào cấp cứu. Sau khi khám, các bác sĩ chẩn đoán chị Mỹ bị rối loạn tiêu hóa và tiến hành điều trị cho bệnh nhân. Anh này đã cho rằng các bác sĩ bỏ mặc vợ mình nên to tiếng lăng mạ các bác sĩ và xông vào hành hung một số cán bộ y tế đang trực và cầm ghế đánh vào đầu nữ điều dưỡng viên Ngọc Anh đang mang thai tháng thứ 7 khiến chị ngất tại chỗ. Đối tượng Dũng gọi điện cho một số đối tượng khác đến để uy hiếp y, bác sĩ nhưng đã bị lực lượng bảo vệ, công an ngăn chặn kịp thời.

  Ảnh minh họa

 Người nhà bệnh nhân hành hung bác sĩ. Ảnh minh họa.


Nhân viên y tế cần đào tạo kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống

Lý giải về tình trạng trên, ông Nguyễn Trọng Khoa, Cục phó Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Như đạo đức xã hội xuống cấp, sự manh động của một số đối tượng, cấu trúc hạ tầng an ninh bệnh viện chưa bảo đảm, khung pháp lý chưa đủ sức răn đe các hành vi xâm phạm thân thể và tinh thần thầy thuốc, việc phòng ngừa mất an ninh bệnh viện chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, y đức của một số nhân viên y tế đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh của người thầy thuốc, khiến cho nhân dân bất bình, nảy sinh các hành vi quá khích.

Theo ông Khoa, trách nhiệm của người thầy thuốc là giỏi chuyên môn để chẩn đoán đúng và điều trị tốt cho người bệnh. Cứu sống được bệnh nhân là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Tuy nhiên đó là điều kiện cần. Điều kiện đủ là phải có tính chuyên nghiệp, ứng xử giao tiếp tốt, muốn vậy, thầy thuốc phải am hiểu về tâm lý xã hội. Có một quan điểm cần phải được quán triệt tốt là phục vụ người bệnh, coi người bệnh là trung tâm.

Theo các chuyên gia, khi người bệnh tấn công nhân viên y tế thì không chỉ gây tổn thương nhân viên y tế đơn thuần mà còn khiến người bệnh khác thấy lo sợ hoang mang đồng thời làm gián đoạn quy trình khám chữa bệnh, gây ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh.

Để bảo vệ người lao động ngành y, chống bạo hành trong bệnh viện, thạc sỹ Nguyễn Trọng Khoa đề xuất các nhóm giải pháp ở 6 góc độ: thầy thuốc, bệnh viện, ngành y tế, các ngành liên quan, cơ quan truyền thông, cộng đồng.

Theo các chuyên gia, hiện nay người thầy thuốc chỉ giỏi chuyên môn chưa đủ. Bác sỹ không nên cứ mải mê xem nguyên nhân bệnh, chẩn đoán bệnh mà không để ý đến tâm lý người bệnh, người nhà. Bởi nhiều khi người nhà rất hoang mang. Bác sỹ cũng cần kỹ năng xã hội, hiểu biết tâm lý của người bệnh, từ đó giảm bức xúc.

Bên cạnh đó, các bệnh viện cũng cần đào tạo cho nhân viên kỹ năng giao tiếp, ứng xử, kỹ năng xử lý tình huống, nắm bắt tâm lý người bệnh, người nhà đồng thời tổ chức tốt bộ máy bảo vệ, an ninh bệnh viện-đội phản ứng nhanh. Đặc biệt, các bệnh viện cần hợp tác chặt chẽ với các cơ quan an ninh trên địa bàn để xử lý các tình huống khẩn cấp có thể xảy ra.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc