(VnMedia ) - Làm cha làm mẹ ai cũng muốn con mình ngoan, thật thà, biết nhận lỗi khi làm điều sai trái. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều trẻ vẫn nói dối khiến rất cha mẹ lo lắng. Vậy làm gì khi trẻ nói dối?
Vì sao trẻ nói dối?
- Sợ bị phạt: Thực tế, có những trẻ lấy đồ chơi của bạn, về nhà nói với mẹ và bị mẹ đánh. Do vậy, lần sao nhỡ có lấy đồ của bạn hay người khác thường nói dối vì sợ bị đánh.
- Muốn được quan tâm: Những trẻ nói dối thường là trẻ không có điểm nào nổi bật, như không học giỏi, cô không gọi trẻ phát biểu, không hát hay, không có cơ hội tham gia hoạt động đoàn đội...vì vậy, trẻ không được biết đến. Do quan sát, trẻ nhận thấy nhiều bạn được chú ý khi được điểm cao, trẻ cũng muốn được như vậy. Khi trẻ nói dối mẹ lại nhận được sự khen ngợi, trẻ sẽ duy trì việc nói dối đó với mong muốn được quan tâm, chú ý hơn.
- Học người lớn: Thực tế cho thấy, nhiều tình huống quen thuộc là khi người lớn muốn từ chối gặp ai đó, thường dặn trẻ khi khách đến nhà thì bảo bố mẹ không có ở nhà (dù bố mẹ vẫn đang ở nhà). Trẻ sẽ nhận thấy bố mẹ nói điều không thật và tự cho rằng hành vi này là được chấp nhận...
- Người lớn vô tình duy trì hành vi nói dối của con: có những phụ huynh cười vui và khen con khôn ngoan khi nghe lời nói dối hoặc bông đùa của trẻ con, việc cười và khen đó khiến trẻ nghĩ rằng hành vi nói dối đó được khuyến khích nên sẽ tiếp tục duy trì.
Cha mẹ nên làm gương cho con cái. Ảnh minh họa. |
Cách giúp trẻ không nói dối
Theo lời khuyên của Ths Nguyễn Thị Diệu Anh - Khoa tâm lý - Bệnh viện Nhi đồng 1, những cách sau đây sẽ giúp trẻ không nói dối:
- Cha mẹ là tấm gương soi: trẻ con thường học theo cách ứng xử của người lớn như cha mẹ, ông bà, thầy cô, vì vậy, nếu người lớn không nói thật, trẻ cũng bắt chước theo.
- Dành thời gian cho con mỗi ngày: trẻ con luôn cần sự quan tâm của cha mẹ, thể hiện bằng hành động chơi cùng con, trò chuyện với con. Dành thời gian mỗi ngày, ngoài việc duy trì sự gần gũi với con, còn giúp phụ huynh nắm bắt được diễn biến hằng ngày, suy nghĩ, cảm xúc của con, và hỗ trợ kịp thời khi có vấn đề.
- Phân tích cho trẻ bằng những tình huống cụ thể về những lời nói dối gây hại và những lời nói dối có lợi cho người khác. Tuy nhiên, việc phân tích này tuỳ thuộc vào độ tuổi và nhận thức của từng trẻ.
- Chú ý những điều con làm tốt: nếu trẻ ít được quan tâm, trẻ sẽ luôn thử những hành vi để tìm kiếm sự quan tâm của người khác. Vì vậy, để tránh những hành vi tiêu cực, phụ huynh cần chú ý đến những hành vi tốt dù rất nhỏ của con, và khen ngợi hành vi đó. Việc khen ngợi giúp trẻ hiểu đó là hành vi được mong đợi và sẽ tiếp tục cố gắng làm điều tích cực để lại được khen. Phương pháp này được đánh giá là có hiệu quả cao để hạn chế những hành vi tiêu cực.
- Ứng xử đúng đắn khi biết con trẻ nói dối: đầu tiên, phụ huynh cần bình tĩnh, việc tức giận có thể dẫn tới hành vi la mắng, đánh đập trẻ. Sau đó, phụ huynh cần tìm hiểu động cơ của việc nói dối và cần trao đổi thẳng thắng và nghiêm túc với trẻ về hành vi đó. Bầu không khí an toàn (không đe doạ), cởi mở là điều kiện cần để trẻ có thể trao đổi với phụ huynh về lý do nói dối (nhưng vẫn giữ thái độ nghiêm túc). Khi hiểu được lý do, phụ huynh phân tích với trẻ điều đúng hoặc sai, và hỏi trẻ về giải pháp nếu gặp lại tình huống tương tự, giúp trẻ đưa ra giải pháp hợp lý nhất. Sau đó, phụ huynh tiếp tục dõi theo hành vi và cách ứng xử tốt của trẻ để kịp thời khen ngợi hành vi tốt hoặc tiếp tục điều chỉnh hành vi chưa phù hợp.
Đối với những lời nói dối ngoài sức kiểm soát hoặc khó khăn trong xử lý, phụ huynh có thể tìm đến sự hỗ trợ của chuyên gia tâm lý.
Ý kiến bạn đọc