Khẩn cấp phòng dịch hạch vào Việt Nam

11:03, 05/12/2014
|
(VnMedia) - Dịch hạch có thể xâm nhập Việt Nam qua đường biển, Bộ Y tế đã có công văn khẩn gửi các bộ, ngành ngăn chặn “cái chết đen”.
 

>>> WHO cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch hạch
>>> Dịch hạch có nguy cơ lây lan vào Việt Nam là rất lớn
>>> Dấu hiệu mắc bệnh dịch hạch

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, dịch hạch là bệnh truyền nhiễm cực kỳ nguy hiểm (còn gọi là cái chết đen), tiến triển cấp tính, lây lan mạnh với tỷ lệ tử vong cao. Dịch hạch thể phổi rất nguy hiểm. Bệnh lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp từ người bệnh sang người lành và bùng phát thành dịch lớn.

Ông Nguyễn Thanh Long cảnh báo, tại Việt Nam, 12 năm trở lại đây không ghi nhận trường hợp mắc dịch hạch. Tuy nhiên, bệnh dịch có thể xâm nhập vào nước ta bất cứ lúc nào, thông qua các phương tiện giao thông vận tải đi về từ vùng dịch.

Để chủ động phòng chống dịch hạch, ngày 4/12, Bộ Y tế Bộ Y tế đã có công văn khẩn gửi Bộ Giao thông vận tải và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chủ động phòng chống bệnh dịch hạch.

Theo đó, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) hướng dẫn các đơn vị có phương tiện giao thông vận tải nhập cảnh, phương tiện vận tải đường biển đến từ các quốc gia có dịch hạch lưu hành phải khai báo kiểm dịch y tế, quốc tế.

Ngoài ra, các đơn vị phải kiểm tra, tổ chức diệt chuột, bọ chét trên các phương tiện giao thông vận tải đường biển, đường sắt, đường bộ và tại các kho hàng bến bãi.

Bộ Y tế đề nghị Bộ GTVT hướng dẫn cho người điều khiển phương tiện và cán bộ lao động trên các phương tiện giao thông vận tải hành khách, hàng hóa biết về các triệu chứng bệnh dịch hạch và các biện pháp phòng chống để chủ động liên hệ với các đơn vị y tế khi có các biểu hiện nghi ngờ bệnh.

“Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra giám sát chặt chẽ nhập khẩu động vật gặm nhấm (chủ yếu là chuột) qua biên giới; tăng cường giám sát chủ động các chỉ số chuột và bọ chét tại các vùng, khu vực có nguy cơ cao; hướng dẫn chi tiết, cụ thể về các biện pháp diệt chuột”, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân vệ sinh môi trường, bố trí và sắp xếp đồ đạc, dụng cụ trong nhà ở, nhà kho hợp lý, quản lý thực phẩm, nuôi mèo, đặt bẫy, phá vỡ hang tổ chuột, khống chế, phá hủy nơi sinh sản của chuột, bọ chét. Nếu phát hiện chuột chết bất thường phải khai báo ngay cho cơ quan y tế nơi gần nhất. Nếu người nhà, hàng xóm biểu hiện bệnh dịch hạch như sốt, nổi hạch... phải đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị.

Dịch hạch có thể điều trị khỏi bằng kháng sinh

Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, Trần Đắc Phu cho biết: Bệnh dịch hạch có thể được điều trị khỏi bằng các loại kháng sinh thông thường như Streptomycin, Chloramphenicol, Tetracycline, Sulfonamide.

Người mắc bệnh phải được điều trị sớm kể từ khi bệnh phát và kéo dài đủ liều, đủ thời gian để tránh các biến chứng nguy hiểm dẫn đến tử vong. Song song với việc điều trị bằng kháng sinh, người bệnh cần phải điều trị triệu chứng chống nhiễm độc thần kinh, chống rối loạn thần kinh nội tiết, rối loạn đông máu, rối loạn cân bằng kiềm toan nhất là trong các trường hợp bệnh nặng.

Minh Hải

Ý kiến bạn đọc