(VnMedia) - Sau 6 giờ uống thuốc tự mua để điều trị chứng sốt, ho, sổ mũi bé gái 14 tuổi bị nổi ban đỏ khắp cơ thể, tổn thương đa cơ quan. Bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhi bị hội chứng Stevens Johnson nghi do dị ứng thuốc.
BS Nguyễn Minh Tiến, Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu và Chống độc, bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, bệnh viện đang điều trị cho một trường hợp bị hội chứng Stevens Johnson rất nặng. Bệnh nhân là bé N.T.N.Q (14 tuổi, ngụ tại quận 3, TPHCM).
Ngày 16/11, bé N.Q. được bệnh viện tuyến cơ sở chuyển đến Nhi Đồng 1 trong tình trạng sốt cao, nổi hồng ban ở da, kết mạc mắt viêm đỏ. Qua khai thác bệnh sử, bác sĩ ghi nhận, bệnh nhi đã tự ý mua thuốc (không rõ loại) về uống để điều trị chứng sốt, ho, sổ mũi. Chỉ sau 6 giờ uống thuốc, bé bị nổi hồng ban đỏ khắp cơ thể, người nhà vội chuyển tới bệnh viện.
Sau khi hội chẩn, bệnh viện Nhi Đồng 1 chẩn đoán, bệnh nhi bị hội chứng Stevens Johnson nghi do dị ứng thuốc. Bác sĩ đã tiến hành điều trị tích cực theo phác đồ, đồng thời cho bệnh nhi nằm phòng cách ly của khoa Bỏng để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng. Sau gần 1 tháng điều trị tình trạng dị ứng của bệnh nhi mới dần cải thiện, hiện bé đã tỉnh táo, ăn uống, tiếp xúc tốt, vùng da bị tổn thương dần lành lại.
Qua trường hợp này, BS Minh Tiến lưu ý phụ huynh biết thêm về một bệnh lý tuy hiếm gặp nhưng xảy ra rất trầm trọng có thể nguy hiểm tính mạng trẻ, đó là hội chứng Stevens Johnson (tên của hai bác sĩ mô tả đầu tiên bệnh lý này) biểu hiện bằng tổn thương hồng ban đa dạng ở da và tổn thương niêm mạc.
Nguyên nhân thường do dị ứng thuốc như kháng sinh nhóm Sulfamide, cephalexin,.. hoặc thuốc chống động kinh Carbamazepine,... hoặc nhiễm siêu vi (Herpes simplex), vi trùng (Mycoplasma pneumoniae).
Biến chứng thường gặp là nhiễm trùng huyết, viêm phổi, mất nước, rối loạn điện giải. Điều trị bao gồm giảm thiểu thương tổn da niêm, phòng chống bội nhiễm, bù nước điện giải, dinh dưỡng đầy đủ và điều trị nguyên nhân. Vì thế, để điều trị thành công và cứu sống các trường hợp trẻ bị hội chứng Stevens Johnson, quí phụ huynh lưu ý sử dụng thuốc cho con em mình phải theo hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý mua thuốc cho trẻ uống. Khi thấy trẻ nổi hồng ban trên da đặc biệt có kèm thêm tổn thương niêm mạc như mắt, mũi, miệng,... nên đưa ngay trẻ đến bệnh viện để được khám và định bệnh chính xác, từ đó có hướng điều trị thích hợp.
Ý kiến bạn đọc