Bộ Y tế chuẩn bị đối phó với bão Rammasun

20:52, 15/07/2014
|

(VnMedia)Bộ Y tế vừa có công điện hỏa tốc gửi Sở Y tế các tỉnh thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bà Rịa-Vũng Tàu triển khai các công tác y tế như thuốc, trang thiết bị nhằm ứng phó với bão Rammasun.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Chiều 15/7, Bộ Y tế vừa có công điện hỏa tốc gửi Sở Y tế các tỉnh thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bà Rịa-Vũng Tàu về việc triển khai các công tác y tế như thuốc, trang thiết bị nhằm ứng phó với bão Rammasun.

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, bão Rammasun là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh và có diễn biến phức tạp. Hồi 13 giờ ngày 15/7, vị trí tâm bão Rammasun ở vào khoảng 12,9 độ Vĩ Bắc; 124,7 độ Kinh Đông, trên bờ biển phía Đông miền Trung Philippin. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.

Dự báo trong 24 giờ tới bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 13 giờ ngày 16/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,8 độ Vĩ Bắc; 120,5 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Nam đảo Lu Dông (Philippin). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km một giờ), giật cấp 14, cấp 15.

Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25km. Đến 13 giờ ngày 17/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,5 độ Vĩ Bắc; 115,7 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 380km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km một giờ), giật cấp 14, cấp 15.

Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, từ gần sáng mai (16/7), vùng biển phía Đông Biển Đông, có gió mạnh dần lên cấp 7, cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Biển động rất mạnh.

Trước tình hình bão Rammasun cấp 12 trực hướng Biển Đông, biển động rất mạnh, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh thành phố theo dự báo bị ảnh hưởng của vùng mưa, bão cần chủ động theo dõi sát tình hình diễn biến của mưa, bão kéo dài để có các phương án ứng phó với diễn biến bất thường của mưa, bão.

Các đơn vị trên cần chủ động sẵn sàng về nguồn nhân lực, vật tư cơ số thuốc, hóa chất phòng chống lụt bão, tổ chức trực ban, trực cấp cứu và sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân bị ảnh hưởng của mưa bão gây ra.

Đặc biệt, các đội cấp cứu cơ động luôn trong trạng thái sẵn sàng ứng cứu cho tuyến dưới khi có lệnh.

Các đơn vị y tế trực thuộc Bộ như Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí, Bệnh viện Việt Nam-CuBa Đồng Hới, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam cần chuẩn bị sẵn các cơ số thuốc, thiết bị và phương tiện, phân công các đội y tế cơ động sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra.

Bên cạnh đó, sở y tế các tỉnh và các đơn vị tổ chức trực ban cần theo dõi chặt chẽ, cập nhật thông tin và gửi báo cáo nhanh về dự trữ thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế, rà soát lại số lượng, hạn sử dụng cơ số thuốc phòng chống lụt bão và đề xuất yêu cầu cho kịp thời.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc