(VnMedia) - Tại cuộc gặp mặt phóng viên báo chí thông tin về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm 6 tháng đầu năm diễn ra chiều 16/6, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong cho biết: Từ đầu năm đến nay, số vụ ngộ độc thực phẩm do vi nấm và độc tố tự nhiên có chiều hướng gia tăng.
Tính đến ngày 10/6/2014, toàn quốc ghi nhận có 67 vụ ngộ độc thực phẩm với 2084 người mắc, 1528 người đi viện và 24 trường hợp tử vong. So với năm 2013, số vụ giảm 12 vụ 15,2%, số đi viện giảm 88 người, tuy nhiên số người mắc tăng 278 người, số tử vong tăng 7 người.
Về ngộ độc cá nóc, mặc dù đã có văn bản cấm sử dụng cá nóc nhưng người dân vẫn ăn. Vì cá nóc ngộ độc có thể mang tỷ lệ tử vong cao. Cá nóc khô vẫn có thể gây ngộ độc, chỉ cần 10 gram đã có thể ngộ độc nên người dân cần bỏ thói quen ăn cá nóc.
Trước thực trạng trên, Cục An toàn thực phẩm đã thành lập các đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm tập trung vào các cơ sở sản xuất kinh doanh lớn, các cơ sở sản xuất bánh kẹo, rượu, nước giải khát…
Đồng thời triển khai Tháng hành động vì chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm (từ 15/4 đến 15/5) với chủ đề “An toàn thực phẩm thức ăn đường phố”. Trong tháng hành động năm 2014, cả nước đã thành lập 11.155 đoàn thanh tra, kiểm tra ở các cấp từ Trung ương đến xã, phường. Bên cạnh đó, tăng cường công tác truyền thông phòng chống ngộ độc nấm độc, đặc biệt tại các tỉnh miền núi; tuyên truyền bằng tiếng dân tộc Dao, Thái, H’mông và tiếng Kinh…
Ông Phong cho biết, năm 2014, Bộ Y tế sẽ tổ chức xét, tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng “Thương hiệu vàng Thực phẩm Việt Nam” cho các doanh nghiệp Việt trong ngành sản xuất, chế biến, kinh doanh. Đồng thời, thời gian tới ngành y tế tập trung tuyên truyền mạnh mẽ bảo đảm an toàn thực phẩm trong mù hè, bão lũ, Tết Trung thu; phổ biến Luật An toàn thực phẩm và một số văn bản mới trong lĩnh vực an toàn thực phẩm….
Ảnh minh họa. |
Xử lý khi có ngộ độc thực phẩm
- Khi phát hiện hoặc nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm, phải đình chỉ việc sử dụng thực phẩm nghi ngờ và niêm giữ toàn bộ thức ăn đó lại (kể cả chất nôn, phân, nước tiểu…) để xác minh, báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất đến xử trí kịp thời hoặc đưa người bị ngộ độc đi bệnh viện.
- Vệ sinh, tẩy uế khu vực có chất nôn, phân, nước tiểu của người bị ngộ độc thực phẩm và thực hiện chế độ cách ly nghiêm ngặt đề phòng sự lây lan của dịch bệnh.
- Thực hiện các biện pháp diệt ruồi, nhặng, gián, chuột… và các hướng dẫn vệ sinh phòng chống dịch bệnh theo chỉ đạo của ngành y tế.
Ý kiến bạn đọc