Cách đơn giản phòng chống bọ xít hút máu

09:50, 11/06/2014
|

(VnMedia)  - Bọ xít hút máu là loài côn trùng đã được phát hiện nhiều năm tại Việt Nam và ghi nhận ở nhiều địa phương trên cả nước.

Theo phản ánh của báo chí, từ tháng 5/2014, nhiều hộ dân ở Hà Nội đã phát hiện có bọ xít hút máu người trong nhà và có nhiều người đã bị bọ xít đốt.

Người bị bọ xít đốt có thể bị sưng, ngứa tại chỗ đốt. Một số trường hợp có thể bị bội nhiễm gây viêm da, thậm chí có trường hợp phải đưa đi cấp cứu.

Theo thống kê của Khoa Sốt rét - Ký sinh trùng, Trung tâm Y tế dự phòng TP Hà Nội cho biết: Năm 2013, trên địa bàn TP Hà Nội đã ghi nhận được gần 100 trường hợp bị bọ xít "hút máu người" đốt tại 21 trong số 29 quận, huyện. Trong khi đó, từ đầu năm đến nay cũng đã ghi nhận được hàng chục trường hợp bị loại bọ xít này đốt tại một số quận, huyện.

Hiện nay, chưa phát hiện bọ xít hút máu truyền bệnh sang người, tuy nhiên để tránh bị bọ xít hút máu đốt, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên thực hiện tốt các việc sau:

-Thường xuyên vệ sinh nơi ở, sinh hoạt, đặc biệt là những nơi ẩm thấp.

- Loại bỏ những vật dụng mủn, mục (củi mục, vải mục, rác thải) không sử dụng.

- Thường xuyên nằm ngủ màn, giắt màn cẩn thận để bọ xít không chui vào.

- Khi bị bọ xít đốt nên rửa ngay bằng xà phòng, không gãi tại vết đốt.

- Nếu vết đốt sưng, phù nề cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị chống dị ứng và nhiễm trùng.


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa



Bọ xít hút máu người

Bọ xít hút máu thuộc họ Reduviidae là họ bọ xít bắt mồi thuộc bộ cánh nửa (Hemiptera), lớp côn trùng (Insecta). Bọ xít hút máu có chiều dài từ khoảng 1-3,5 cm tùy thuộc vào còn non hay trưởng thành; phần bụng rộng và dẹp, đầu, thân và các phần phụ khác nhẵn hoặc có lông ngắn. Ở rìa thân có sọc màu vàng, thân có màu nâu đặc trưng, khác với các loại bọ xít khác có đủ màu xanh, đen, nâu... Loại bọ xít này thường đẻ trứng trên thành của giường, tủ hoặc dướic các đống gỗ ngoài nhà; trứng có kích thước khoảng 1-1,5 mm và màu trắng ngà.  

Loài bọ xít hút máu sống bằng máu người hoặc động vật, khi không có động vật chúng sẽ tìm đến người để hút máu. Chúng không những chỉ xuất hiện ở các khu nhà ẩm thấp, tối tăm mà còn có mặt cả ở những khu nhà cao tầng, đầy đủ tiện nghi. Bọ xít hút máu thường sống ở giường, đệm, tủ, khe nứt, trên trần nhà, dưới đống củi..., chúng có thể làm ổ cả trong hoặc ngoài nhà. Ban ngày bọ xít hút máu thường trốn vào các khe tối như khe giường, khe tủ... đêm đến mới hoạt động, nên con người thường không biết sự có mặt của chúng.

Thông thường thời kỳ sinh sản của bọ xít hút máu là vào đầu mùa mưa, khi độ ẩm trong không khí tăng cao, nên ở khu vực miền Trung trong thời điểm hiện nay đang là mùa sinh sản của bọ xít hút máu.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc