(VnMedia) - Theo một nghiên cứu mới đây, trẻ em mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (tên tiếng Anh là Attention-deficit hyperactivity disorder, viết tắt ADHD) gặp phải khó khăn về mặt ngôn ngữ gấp gần 3 lần so với trẻ không mắc chứng bệnh này.
Trẻ tăng động giảm chú ý có thể dễ gặp phải các vấn đề về ngôn ngữ
hơn so với trẻ bình thường. (Ảnh: Reuters)
Nghiên cứu đánh giá năng lực ngôn ngữ nói được tiến hành trên 179 trẻ bị chẩn đoán mắc tăng động giảm chú ý và 212 trẻ không mắc tăng động giảm chú ý, trong độ tuổi từ 6 đến 8, tại 43 trường học ở Melbourne. Kết quả học tập được đánh giá dựa trên bài kiểm tra học lực và nhận xét của giáo viên. Chức năng giao tiếp xã hội được đánh giá thông qua nhận xét của gia đình và giáo viên. Nghiên cứu này được hỗ trợ bởi dự án của Hội đồng quốc gia Úc về nghiên cứu Y tế và Y khoa, Quỹ Collier, Viện nghiên cứu Nhi Khoa Murdoch và chính phủ bang Victoria.
Bà Emma Sciberras, tiến sỹ tâm lý học lâm sàng ở Viện nghiên cứu Nhi Khoa Murdoch ở bang Victoria, Úc cho biết “Chúng tôi phát hiện 40% trẻ trong nhóm tăng động giảm chú ý có vấn đề về ngôn ngữ, so với 17% trẻ trong nhóm “kiểm soát,”. Bà cho biết “Tỷ lệ các vấn đề về ngôn ngữ là như nhau giữa nhóm bé trai và bé gái mắc tăng động”. Thêm vào đó, trong số trẻ mắc tăng động giảm chú ý, chỉ 42% trẻ được đưa đến dịch vụ chỉnh ngôn và 24% trẻ khám chuyên viên chỉnh ngôn tại thời điểm tham gia nghiên cứu.
Hơn thế nữa, trẻ em mắc tăng động giảm chú ý và có các vấn đề về ngôn ngữ có kết quả kém hơn so với những trẻ chỉ mắc tăng động giảm chú ý ở các môn đọc, toán, và kết quả học tập chung.
Trẻ em mắc tăng động giảm chú ý thường có các vấn đề về học tập ở trường học và chức năng xã hội. Các nhà nghiên cứu cho biết ảnh hưởng của các vấn đề về ngôn ngữ đối với các yếu tố này chưa được nghiên cứu kỹ.
Bà Sciberras cho biết “Sự khác biệt về hoạt động học tập giữa trẻ em mắc tăng động giảm chú ý và các vấn đề ngôn ngữ, so với những trẻ em chỉ mắc tăng động giảm chú ý, là rất lớn và có ý nghĩa lâm sàng".
Các vấn đề ngôn ngữ được nói tới trong nghiên cứu là ngôn ngữ nói, bao gồm cả ngôn ngữ tiếp thu và biểu cảm. Ngôn ngữ tiếp thu là khả năng hiểu điều người khác nói; ngôn ngữ biểu cảm là khả năng nói và diễn đạt để người khác hiểu mình.
Bà Sciberras và nhóm nghiên cứu cho biết: "Có bằng chứng rõ ràng cho thấy các vấn đề về ngôn ngữ ở trẻ em mắc tăng động giảm chú ý liên quan tới kết quả học tập sút kém,”. “Trái lại, chưa có bằng chứng rằng các vấn đề về ngôn ngữ có ảnh hưởng xấu tới chức năng xã hội của trẻ mắc tăng động giảm chú ý,” (Tạp chí Nhi Khoa, Pediatrics 2014 April 16;133:793-800).
Mức độ trầm trọng của các vấn đề về ngôn ngữ gia tăng theo tuổi tác, khi mà các mối quan hệ xã hội trở nên phức tạp hơn. “Nếu một đứa trẻ mắc tăng động giảm chú ý và các em phải cố gắng ở trường học, thậm chí ngay cả khi mà các triệu chứng bệnh được kiểm soát tốt, thì bênh cạnh việc được kiểm tra về thiểu năng học tập, các em nên được kiểm tra thêm các khó khăn về ngôn ngữ. Và đó là không phải là điều mà chúng ta thường xuyên nghĩ tới”, bác sỹ Bradley Berg, giám đốc Nhi Khoa McLane ở Baylor Scottt& White Healthcare nói với HealtthDay.
Ý kiến bạn đọc