(VnMedia) - Chiều 26/5 tại Hà Nội, Văn phòng Chương trình Phòng chống tác hại của thuốc lá - Bộ Y tế tổ chức Hội thảo Cập nhật thông tin về Ngày thế giới không thuốc lá (31/5) và thực hiện Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá.
Theo WHO, sử dụng thuốc lá gây tử vong cho gần 6 triệu người mỗi năm trên toàn cầu, trong đó hơn 600.000 ca tử vong do các bệnh liên quan đến hút thuốc thụ động. Nếu các quốc gia không có các hành động kịp thời, con số tử vong do nạn dịch thuốc lá sẽ tăng lên hơn 8 triệu ca mỗi năm vào năm 2030. Hơn 80% các trường hợp tử vong do thuốc lá xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Những ca tử vong này lẽ ra đã có thể tránh được.
Tại Việt Nam, có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá mỗi năm và đến năm 2030 có thể tăng lên 70.000 người mỗi năm.
Ảnh minh họa.
Tại Hội thảo, ông Lương Ngọc Khuê- Chánh Văn phòng Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) cho biết, năm nay, WHO chọn chủ đề “Tăng thuế thuốc lá” nhằm kêu gọi các quốc gia thực hiện chính sách thuế và giá các sản phẩm thuốc lá như một biện pháp hiệu quả để giảm tiêu thụ thuốc lá, giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do sử dụng thuốc lá.
Ông Khuê cho hay, Việt Nam vẫn xếp vào trong số 15 nước có tỷ lệ người hút thuốc lá cao nhất thế giới. Tại Việt Nam, các nghiên cứu về sử dụng thuốc lá trong thanh thiếu niên cho thấy độ tuổi bắt đầu hút thuốc ngày càng có xu hướng trẻ hóa.
Thống kê gần đây nhất năm 2013 cho thấy, tỷ lệ hút thuốc của nam giới trưởng thành tại Việt Nam chiếm tỷ lệ hơn 48%. Như vậy, với dân số hơn 90 triệu người, trên toàn quốc có khoảng hơn 15 triệu nam giới ở tuổi trưởng thành hút thuốc lá.
Theo thông tin từ Văn phòng Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá, hiện nay tỷ lệ thuế thuốc là của Việt Nam chiếm 41% trên giá bán lẻ (65% giá xuất xưởng).
Được biết, hiện Bộ Y tế đang đề xuất, để giảm tiêu dùng thuốc lá cần phải tăng thuế để giảm sức mua thuốc lá. Chính vì vậy, Bộ Y tế đề xuất lộ trình: Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt từ 65% lên 105% vào thời điểm 2015; từ 105% lên 145% vào thời điểm 2018 và tiếp tục xem xét điều chỉnh thuế vào năm 2020.
Theo các chuyên gia phân tích, tại Việt Nam do thuế thuốc lá thấp, nên giá các sản phẩm thuốc lá rất rẻ đã tạo điều kiện để thanh thiếu niên dễ tiếp cận với các sản phẩm thuốc lá và nhanh chóng trở thành người nghiện thuốc lá.
Dó đó, tăng thuế chính là biện pháp hữu hiệu để hạn chế thanh thiếu niên hút thuốc, giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong trong dài hạn đối với cộng đồng. Bên cạnh đó, tăng thuế các sản phẩm thuốc lá giúp làm tăng nguồn thu ngân sách đáng kể cho Nhà nước.
Ý kiến bạn đọc