(VnMedia) - Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hiện chưa tìm thấy bằng chứng cho thấy loại virus này lây từ người sang người. Tuy nhiên, một khi các biến dị di truyền của H7N9 được xác nhận thì có nguy cơ dịch bệnh sẽ lây lan rộng.
|
Theo các chuyên gia y tế, nguy cơ chủng virus này có thể biến dị thành chủng lây từ người sang người.
Được biết, ngày 2/4, Bộ Y tế Trung Quốc cũng thông báo thêm 4 người ở tỉnh Giang Tô đã bị nhiễm cúm gia cầm H7N9, nâng tổng số người nhiễm virus này lên 7. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sẽ phối hợp cùng với giới chức y tế Trung Quốc theo dõi sát tình hình dịch bệnh.
Đây là lần đầu tiên, WHO xác nhận virus cúm H7N9 có khả năng lây nhiễm sang người.
H7N9 là chủng cúm được xác định là ở thể độc tính thấp song tình trạng của các ca bệnh ở Trung Quốc diễn biến nặng trong khi kết quả phân tích gen cho thấy loại virus được tìm thấy trong cơ thể người bệnh là loại có độc tính rất cao. Trường hợp cụ ông 87 tuổi tại Thượng Hải đã tử vong, được cho có thể đã bị lây nhiễm cúm từ trong gia đình.
Các chuyên gia khuyến cáo, người dân khi thấy các biểu hiện bất thường như ho, sốt cao, phổi cần phải đến các cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị. Bệnh cúm có thể lây nhiễm cho mọi người trên toàn thế giới bất kể tuổi tác, chủng tộc. Các trận dịch cúm có thể lây truyền từ nơi khởi phát sang các khu vực khác chỉ trong thời gian ngắn.
Hiện tại, Trung Quốc và các nước khác trên thế giới chưa sản xuất được vắc xin cúm gia cầm chủng H7N9 để tiêm phòng cho đàn gia cầm. Vì vậy, việc phòng ngừa sự lây nhiễm bệnh từ nước ngoài chủ yếu được thực hiện qua việc kiểm dịch thú y. Người tiêu dùng chỉ mua gia cầm và sản phẩm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng, đã được cán bộ thú y kiểm tra để sử dụng làm thực phẩm.
Để hạn chế dịch cúm A /H7N9, người dân không nên tiếp xúc với gia cầm không rõ nguồn gốc. Cơ quan chức năng cũng nên kiên quyết không để vận chuyển gia cầm lậu.
Ý kiến bạn đọc