(VnMedia) - Phó giáo sư Bùi Đức Dương – Phó Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS cho biết mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 29.000 người chết vì nhiễm bệnh lao.
Tại hội nghị triển khai kế hoạch phối hợp hoạt động phòng, chống HIV/AIDS và phòng chống lao giai đoạn 2012-2015, tổ chức sáng 19/11, ông Bùi Đức Dương cho biết, hàng năm, số người mắc lao mới các thể tại Việt Nam là khoảng 180.000 người. Tuy nhiên, tỷ lệ ước tính phát hiện bệnh lao các thể của Việt Nam mới chỉ đạt 54%.
Ông Dương cho hay, nguyên nhân của tình trạng trên là do hệ thống chuyển tiếp của 2 chương trình điều trị còn yếu, thiếu kinh phí cho xét nghiệm HIV ở những người mắc bệnh lao. Vì vậy, công tác phối hợp điều trị cho người mắc hai bệnh này là cần thiết.
Điều đáng lo ngại hiện nay là bệnh lao đang là nguyên nhân dẫn đầu dẫn đến tử vong đối với người nhiễm HIV trên thế giới và tại Việt Nam. Trong số đó, những người bị bệnh HIV mà nhiễm lao thì tỷ lệ tử vong cao hơn 3 lần so với người bình thường.
Trong năm 2011, dự án phòng chống lao đã thực hiện tư vấn và xét nghiệm trên gần 100.200 bệnh nhân mắc bệnh lao và kết quả cho thấy có 8% bệnh nhân lao bị nhiễm HIV (gần 5.000 người). Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ bệnh nhân lao được tư vấn xét nghiệm HIV còn thấp, chỉ có 59%. Tỷ lệ bệnh nhân HIV/lao được điều trị cả hai bệnh này năm 2011 chỉ có 48%.
Được biết, Bộ Y tế đặt mục tiêu đến cuối năm 2013 sẽ có 100% tỉnh, thành phố thực hiện hoạt động phối hợp lao/HIV, 70% số người mắc bệnh lao ở các tỉnh, thành phố có tỷ lệ nhiễm HIV cao và trung bình được tư vấn và xét nghiệm HIV.
Triệu chứng của bệnh lao
Triệu chứng toàn thân: Cho dù bệnh lao có thể chỉ khu trú ở một bộ phận nào đó của cơ thể, gây ra những thể lao khác nhau và mỗi thể lao đều có những triệu trứng riêng, điển hình. Tuy nhiên, ngoài những biểu hiện riêng của từng thể lao, độc tố của vi trùng lao có thể gây nên các triệu chứng toàn thân như: sốt (thường là sốt nhẹ về chiều hoặc đêm), kèm theo là mệt mỏi, kém ăn, gầy sút cân, da xanh, thiếu máu…
Triệu chứng tại chỗ: Tuỳ theo vị trí hay cơ quan bị bệnh lao mà biểu hiện các triệu chứng tại chỗ khác nhau, ví dụ:
- Bệnh lao phổi thường có các biểu hiện: Ho khạc kéo dài trên 2 tuần, tức ngực, khó thở, ho ra máu, có đờm…
- Bệnh lao hạch: Người bị lao hạch thường xuất hiện hạch to dính với nhau thành từng khối chắc nổi rõ trên da, trong đó, có tới 95% bị hạch là lao hạch cổ. Khi ấn vào những khối hạch này bệnh nhân không thấy bị đau. Đây là lý do khiến người bệnh chủ quan, không nghĩ đến nguy cơ bị mắc bệnh lao hạch.
- Bệnh lao lao xương khớp: Triệu chứng điển hình là đau tại chỗ bị bệnh, hạn chế vận động, nếu bệnh diễn biến lâu ngày không điều trị có thể gây rò mủ tại chỗ, nếu bị lao cột sống có thể gây gù, vẹo cột sống, liệt vận động…
- Bệnh lao màng não: Có các biểu hiện dấu hiệu thần kinh như: đau đầu, nôn, táo bón, nặng có thể hôn mê, co giật…
Ý kiến bạn đọc