Thai phụ bị viêm nhiễm có thể gây ra chứng tự kỷ cho con

07:10, 01/02/2016
|

Tự kỷ thường liên quan đến sự phát triển bất thường của não bộ và hành vi biểu hiện trước khi đứa trẻ 3 tuổi và có quá trình tiến triển không suy giảm. Nó đặc trưng bởi sự hạn chế giao tiếp và phản xạ xã hội, cũng như các hành vi cư xử lặp đi lặp lại;

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng các tế bào miễn dịch được kích hoạt trong quá trình người mẹ bị viêm nhiễm nặng khi đang mang thai sẽ tạo ra những phân tử phản ứng thuộc hệ miễn dịch có tên là IL-17. Loại phân tử này sẽ tác động và can thiệp khá lớn vào sự phát triển não bộ của người con.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng nếu ngăn chặn sự hình thành của loại phân tử IL-17 này thì chúng ta có thể khôi phục lại hành vi và cấu trúc não bình thường lại cho trẻ khi chúng vẫn còn trong bụng mẹ.

Tự kỷ đang trở thành một trong những căn bệnh khó chữa hàng đầu hiện nay
Tự kỷ đang trở thành một trong những căn bệnh khó chữa hàng đầu hiện nay

 

Năm 2010, một nghiên cứu lớn dựa trên thông tin của toàn bộ các trẻ em được sinh ra ở Đan Mạch trong giai đoạn từ năm từ năm 1980 đến năm 2005 đã cho thấy rằng những phụ nữ bị nhiễm trùng nặng trong khi mang thai sẽ có tỷ lệ sinh con ra bị mắc chứng tự kỷ khá cao. Tuy nhiên vào thời điểm đó, các nhà khoa học vẫn không thể nào giải thích được nguyên nhân của hiện tượng này.

Các loại nhiễm khuẩn nặng có mối liên hệ với chứng tự kỷ bao gồm cúm, viêm dạ dày ruột do virus và nhiễm trùng đường tiết niệu. Bà mẹ đang mang thai nếu bị nhiễm trùng nặng do virus trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ sẽ có tỷ lệ sinh con mắc chứng tự kỷ cao gấp 3 lần so với những người phụ nữ bình thường.

Các phân tử IL-17 có chức năng kích thích hoạt động của một loại tế bào miễn dịch có tên là Th17. Loại tế bào này thường rất hay gây ra các chứng rối loạn tự miễn dịch như bệnh đa xơ cứng, viêm ruột, và viêm khớp dạng thấp. Và những sự rối loạn trong hệ thống miễn dịch này của người mẹ sẽ làm ảnh hưởng đến bộ não của đứa con trong bụng.

Trong những nghiên cứu trên chuột, các nhà khoa học đã tìm thấy những sự phát triển bất thường trong lớp não của những con chuột chưa sinh khi mẹ chúng bị mắc bệnh viêm nhiễm nặng và cơ thể sản xuất ra IL-17. Phần lớn sự bất thường này diễn ra ở vùng vỏ não, nơi xử lý nhận thức và cảm giác. Thông thường, cơ thể chuột con trong quá trình phát triển sẽ tạo ra các bản vá lỗi để sửa chữa những sai sót trong não. Nhưng những bản vá lỗi này đã hoàn toàn bị chặn đứng do tế bào Th17 có trên hệ miễn dịch của chuột mẹ.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học cho rằng những trẻ mắc bệnh tự kỷ dạng nhẹ có thể trở nên trầm trọng hơn nếu chúng bị mắc thêm các chứng viêm nhiễm, đặc biệt là chứng viêm ruột.

Mối liên hệ giữa bệnh viêm ruột hoặc dạ dày với chứng tự kỷ ở trẻ em hiện nay vẫn chưa được nghiên cứu sâu. Triệu chứng phổ biến nhất bao gồm táo bón mãn tính, đau bụng có hoặc không có tiêu chảy, và làm bẩn đồ lót. Xáo động giấc ngủ và thức giấc vào ban đêm ở các em cũng có thể là các triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thứ phát.

Ở các trẻ tự kỷ, do khó giao tiếp nên những loại bệnh này thường tồn tại trong một khoảng thời gian khá dài trước khi bị phát hiện.

Hệ tiêu hóa có mối liên hệ rất lớn với hệ thần kinh. Khi được ăn ngon, tiêu hóa tốt, chúng ta sẽ cảm thấy rất vui vẻ. Ngược lại, nếu hệ tiêu hóa có vấn đề, chúng sẽ gây ra cảm giác khó chịu và trầm cảm. Chính những cảm xúc tiêu cực và bức bối không được giải tỏa trong thời gian dài ở những trẻ tự kỷ sẽ khiến cho chứng tự kỷ của các em ngày càng nặng hơn.

Các nhà khoa học hy vọng rằng kết quả của cuộc nghiên cứu này sẽ giúp làm giảm nguy cơ phát triển chứng tự kỷ ở trẻ em do các chứng viêm nhiễm gây ra.


Ý kiến bạn đọc