(VnMedia) - Đối mặt với những hậu quả gây ra từ cuộc khủng hoảng ở Syria, giới lãnh đạo Châu Âu đã hoàn toàn quên lãng Kiev, gác sang một bên tiến trình hoà giải ở Ukraine, phóng viên RT Bryan MacDonald đã bình luận như vậy.
Thủ tướng Đức Angela Merkel (bên trái) đã "buông tay" trong vấn đề Ukraine vì quá chán nản với tiến trình giải quyết chậm chạm những vướng mắc ở quốc gia Đông Âu trong thời gian vừa qua? |
Ukraine chưa bao giờ là vấn đề sống chết đối với Châu Âu và hiện tại, giới chính khác cũng như truyền thông phương Tây không còn mấy quan tâm đến Tổng thống Petro Poroshenko nhiều như họ từng làm trước đây.
Châu Âu đã quá mệt mỏi, chán nản với những nỗ lực bất thành trong cuộc chiến chống tham nhũng ở Ukraine cũng như trong vấn đề trừng phạt Nga. Nhiều nhà phân tích ở Kiev thừa nhận rằng, tình hình tham nhũng ở Ukraine vẫn tiếp tục phát triển kể từ thời ông Yanukovich. Thậm chí, mặc dù hiến pháp Ukraine đã cấm các quan chức nhà nước có doanh nghiệp làm ăn riêng, Tổng thống Poroshenko vẫn phớt lờ luật pháp và đến nay ông này vẫn là nguyên thủ quốc gia giàu nhất Châu Âu trong khi lãnh đạo nước nghèo nhất khu vực.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande đã chán ngán với thực tế trên, phóng viên MacDonald cho hay. Lý do duy nhất Châu Âu chưa dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Nga được cho xuất phát từ sức ép của Washington.
Tuần trước, truyền thông phương Tây đã gần như phớt lờ bài phát biểu của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc dù trước đó họ thường đặc biệt chú ý “quảng bá” cho ông này. Rất ít bài báo viết về chi tiết phái đoàn Ukraine rời phòng họp để tẩy chay bài phát biểu của giới chức Nga. Tổng thống Poroshenko biết rằng, cuộc chơi đã kết thúc, phóng viên của hãng tin RT đã phân tích như vậy.
Hồi cuối tuần vừa rồi, Kiev phát hiện họ bị gạt sang một bên trong chính hội nghị hoà bình của Ukraine. Phóng viên MacDonald dẫn lời một nguồn tin từ Nga cho biết Tổng thống Pháp Hollande thậm chí còn không nhắc đến Ukraine một lần nào trong cuộc hội đàm riêng với Tổng thống Nga Putin. Thay vào đó, hai nhà lãnh đạo này tậpt rung bàn về cuộc khủng hoảng ở Syria. Về phần nữ Thủ tướng Đức Merkel, bà này còn khiến Kiev sốc hơn khi cuối cùng thừa nhận thực tế Crimea sẽ trở thành một phần của Nga.
Thủ tướng Merkel đã lần đầu tiên công khai chấp nhận thực tế rằng Crimea không còn thuộc Ukraine và rằng bán đảo này sẽ trở thành một phần của nước Nga, ông Alexei Pushkov – người đứng đầu Uỷ ban Đối ngoại Duma Quốc gia Nga cho biết.
"Sau cuộc gặp ở thủ đô Paris, bà Merkel đã lần đầu tiên thừa nhận Crimea sẽ không trở lại Ukraine. Điều đó đồng nghĩa với việc cuộc khủng hoảng giờ đây chỉ liên quan đến miền đông Ukraine”, ông Pushkov cho hay.
Cuộc họp của Bộ Tứ Normandy về tiến trình hoà giải ở Ukraine đã kết thúc ở thủ đô Paris hồi cuối tuần vừa rồi. Lãnh đạo của 4 nước thuộc Bộ Tứ gồm Nga, Pháp, Đức và Ukraine đã cố gắng đạt được thoả thuận về tiến trình cũng như thủ tục rút vũ khí hạng nặng ra khỏi khu vực miền đông Ukraine, Thủ tướng Merkel cho biết.
"Chúng tôi đã có thể nhất trí với nhau về việc rút vũ khí hạng nặng. Có hy vọng cho sự tiến triển. Chúng tôi đang tiến lại gần với nhau hơn”, bà Merkel cho hay.
Theo bà Merkel , kết quả của cuộc họp Bộ Tứ Normandy khá tích cực và đem lại sự hài lòng cho các bên.
Rõ ràng, nhìn vào những gì diễn ra trên trường quốc tế trong mấy ngày qua, người ta có thể thấy rõ một thực tế, vấn đề Syria đang thu hút mọi sự quan tâm của Mỹ và Châu Âu. Vì thế, việc Kiev bị lãng quên là điều hoàn toàn dễ hiểu. Trên thực tế, cuộc khủng hoảng ở Syria đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng hơn rất nhiều đối với phương Tây so với ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Ý kiến bạn đọc