Cú lật ngược tình thế ngoạn mục của Putin

08:20, 01/10/2015
|

(VnMedia) - Cuộc gặp được chờ đợi nhất giữa hai nhà lãnh đạo của hai cường quốc hàng đầu thế giới Nga-Mỹ cuối cùng đã diễn ra hôm 28/9.

Ảnh minh họa

Tổng thống Putin (bên trái) và người đồng cấp Obama


Cuộc gặp này tuy không đạt được bước đột phá trong việc giải quyết một trong những vấn đề trọng điểm của thế giới là cuộc khủng hoảng Syria nhưng bản thân việc Tổng thống Putin và Obama ngồi lại với nhau sau hơn 2 năm “không nhìn mặt nhau” đã là một bước đột phá. Đây là tín hiệu sáng đáng hy vọng về khả năng Nga, Mỹ có thể hợp tác với nhau trong việc giải quyết một loạt thách thức lớn của thế giới.

 

Số phận Assad - bất đồng chưa thể xoá bỏ

 

Việc Tổng thống Obama đồng ý gặp người đồng cấp Putin được xem là một cú lật ngược tình thế ngoạn mục của Nhà lãnh đạo Nga. Bằng một nước cờ khôn ngoan, ông Putin đã phá vỡ thế bị cô lập và buộc ông Obama phải tìm đến với mình.

 

Cuộc gặp chính thức đầu tiên trong vòng hơn hai năm trở lại đây giữa ông chủ điện Kremlin và ông chủ Nhà Trắng được bắt đầu bằng một cái bắt tay gượng gạo và kết thúc bằng việc không có bước đột phá nào đạt được trong tiến trình tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng kéo dài hơn 4 năm qua ở đất nước Syria.

 

Tổng thống Obama và người đồng cấp Putin đã có cuộc hội đàm kín với nhau kéo dài 90 phút bên lề phiên hợp lần thứ 70 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở thành phố New York. Trong phần lớn thời gian gặp gỡ, hai nhà lãnh đạo Nga, Mỹ đã dồn sức vào cuộc khủng hoảng ở Syria – một trong những vấn đề nóng bỏng nhất thế giới hiện giờ và cũng là vấn đề gây bất đồng sâu sắc giữa Nga với phương Tây.

 

Nếu như cả ông Obama và ông Putin đều nhất trí cao với nhau về tính cấp bách phải tìm được một giải pháp để giải quyết dứt điểm cuộc khủng hoảng ở Syria thì hai ông này vẫn chưa thể dàn xếp được mâu thuẫn lớn nhất giữa họ xoay quanh số phận của nhân vật gây tranh cãi – Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

 

Nhà lãnh đạo Mỹ vẫn khăng khăng bảo vệ lập trường của mình và các đồng minh Châu Âu rằng tương lai của đất nước Syria không thể bao gồm Tổng thống Assad. Điều này đồng nghĩa với việc ông Obama vẫn muốn theo đuổi đến cùng mục tiêu lật đổ chính quyền của Tổng thống Assad như cách đây 4,5 năm khi cuộc khủng hoảng ở quốc gia Trung Đông bắt đầu bùng lên.

 

Về phần mình, Tổng thống Nga Putin kiên quyết giữ vững quan điểm duy trì chính quyền của Tổng thống Assad. Moscow tin rằng, ông Assad sẽ là thành trì vững chắc nhất để chống lại “cuộc đổ bộ” đáng sợ vào Syria của nhóm khủng bố khét tiếng mang tên Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

 

Chính bất đồng xoay quanh số phận của Tổng thống Syria Assad đang là bước cản lớn nhất trên con đường tiến tới sự hợp tác giữa Nga với Mỹ nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria . Chỉ khi phá bỏ được vật cản này thì cuộc khủng hoảng Syria mới có hy vọng được giải quyết một cách triệt để.

 

Tín hiệu sáng đáng hy vọng

 

Những người bi quan cho rằng, cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ chẳng đạt được bất kỳ bước đột phá nào và mọi thứ vẫn trở lại điểm xuất phát ban đầu. Tuy nhiên, trên thực tế, có những tín hiệu sáng đầy hy vọng từ cuộc gặp nói trên.

 

Những người lạc quan tin rằng, bản thân việc ông Obama và ông Putin chấp nhận ngồi lại với nhau để bàn về những vấn đề lớn như cuộc khủng hoảng Syria hay cuộc khủng hoảng Ukraine đã là một bước đột phá, là một tín hiệu đáng để người ta hy vọng. Cuộc gặp hôm 29/8 đánh dấu một chương mới trong lịch sử những cuộc gặp gỡ căng thẳng và đầy màu sắc giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Obama.

 

Dù cuộc thảo luận kín giữa Tổng thống Obama và người đồng cấp Putin chưa thể đạt được tiến triển trong con đường hướng tới việc chấm dứt cuộc nội chiến ở Syria nhưng người ta có thể thấy rõ ràng một điều là hai nhà lãnh đạo Nga, Mỹ thực sự muốn ngồi lại với nhau và thực sự muốn hợp tác với nhau.

 

Sau cuộc trò chuyện kéo dài 90 phút, giới chức Mỹ và Nga đều nói đến tính cần thiết của sự hợp tác giữa hai nước. "Nói ra thì có vẻ kỳ lạ nhưng chúng tôi có nhiều điểm chung. Vẫn có những bất đồng nhưng chúng tôi đã nhất trí sẽ hợp tác với nhau. Tôi hy vọng, sự hợp tác của chúng tôi sẽ mang tính xây dựng”, Tổng thống Putin cho biết.

 

Giới chức Mỹ cũng cho biết, hai nhà lãnh đạo Obama và Putin đã đồng ý sẽ phối hợp với nhau để tìm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng đã cướp đi sinh mạng của hơn 250.000 người ở Syria.

 

Có thể nhận thấy một điều cả Tổng thống Nga và Tổng thống Mỹ đều thừa nhận một sự thực rõ ràng rằng họ cần nhau để giải quyết những thách thức lớn của thế giới như vấn đề Syria . Việc hai nhà lãnh đạo Obama và Putin chấp nhận gặp gỡ nhau chính là sự thừa nhận cho thực tế nói trên. Trước đó, ông Obama đang thực hiện chính sách cô lập người đồng cấp Putin vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine .

Tuy nhiên, Nhà Trắng đã phải từ bỏ chính sách trên với lập luận cho rằng họ cần nhượng bộ để nắm bắt cơ hội trực tiếp đối diện với ông Putin nhằm tìm hiểu rõ động cơ của phía Nga khi tăng cường sự hiện diện quân sự ở Syria cũng như tìm kiếm sự hợp tác với một đối tác quan trọng như Nga. Thông qua cuộc gặp này, Mỹ rõ ràng thừa nhận Nga là một lực lượng quan trọng không thể thiếu trên con đường tìm kiếm một cái kết có hậu cho cuộc khủng hoảng ở Syria .

 

Việc ông Obama và ông Putin nhất trí hợp tác với nhau và thừa nhận thực tế họ cần nhau trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng lớn của thế giới có thể coi là bước đột phá thứ hai.

 

Dù chưa xoá bỏ được bất đồng lớn nhất xoay quanh số phận của ông Assad nhưng người ta có quyền hy vọng vào một sự hợp tác thành công giữa Nga và Mỹ trong vấn đề Syria bởi đã từng có một phối hợp thành công như thế trong quá khứ. Năm 2013, Tổng thống Obama và người đồng cấp Putin đã nỗ lực hợp tác với nhau và họ đã đạt được một thoả thuận được thế giới ghi nhận, theo đó chính quyền của Tổng thống Assad chấp nhận từ bỏ kho vũ khí hoá học để đổi lấy việc chính quyền Mỹ không thực hiện các cuộc oanh kích nhằm vào Syria.   


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc