(VnMedia) - Cộng đồng thế giới đang hồi hộp chờ xem ai sẽ chiến thắng trong “cuộc so găng” căng thẳng giữa Tổng thống Putin với kỳ phùng địch thủ Obama trong ngày hôm nay (28/9).
Hai nhà lãnh đạo Nga, Mỹ liệu có xoá bỏ được bất đồng để cùng nhau tháo gỡ hai cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ở Syria và Ukraine? |
Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ có cuộc gặp "mặt đối mặt" trực tiếp với người đồng cấp Mỹ Barack Obama trong ngày hôm nay (28/9) nhằm giải quyết một loạt bất đồng rất lớn giữa hai nước. Cuộc gặp này thu hút sự chú ý lớn của dư luận bởi nó có tác động đến những cuộc khủng hoảng đang là thách thức lớn đối với thế giới.
Lần đầu tiên gặp gỡ nhau sau gần một năm, hai nhà lãnh đạo của Nga và Mỹ sẽ phải giải quyết những bất đồng giữa họ liên quan đến hai cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hàng đầu của thế giới hiện giờ là Syria và Ukraine.
Mâu thuẫn và sự đối đầu giữa hai cường quốc Nga, Mỹ lớn đến mức nó đã bộc lộ ngay từ trước khi cuộc gặp diễn ra. Phía Mỹ tung tin rằng, ông chủ Nhà Trắng buộc phải chấp nhận gặp Nhà lãnh đạo Nga do những “yêu cầu liên tiếp” từ phía ông chủ điện Kremlin. Đáp lại, Moscow thẳng thừng bác bỏ thông tin trên.
Sự bất đồng sâu sắc giữa Nga và Mỹ tiếp tục được phơi bày khi cả hai nước thậm chí còn chẳng thể nhất trí được với nhau về mục đích của cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Obama và Putin. Nhà Trắng tuyên bố, cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh hàng năm của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc giữa hai nhà lãnh đạo Nga, Mỹ sẽ tập trung vào vấn đề Ukraine và Mỹ sẽ ép Moscow phải tuân theo kế hoạch hoà bình mong manh.
Về phần mình, điện Kremlin khăng khăng cho rằng, cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ chỉ được thảo luận đến khi còn thừa thời gian bởi cuộc khủng hoảng ở Syria và cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) mới là mục đích chính của cuộc thảo luận giữa ông Obama và ông Putin.
Thực tế trên cho thấy có ít dấu hiệu và ít khả năng đạt được bước đột phá trong cuộc thảo luận trực tiếp giữa Tổng thống Putin và người đồng cấp Obama ở cả vấn đề Syria lẫn vấn đề Ukraine. Bất chấp thực tế trên, giới chức Mỹ vẫn khẳng định sẽ là đáng giá để hai nhà lãnh đạo Nga, Mỹ gặp gỡ nhau. Đây được xem là một sự thay đổi hiếm hoi của phía Mỹ kể từ khi Tổng thống Obama tuyên bố cô lập người đồng cấp Nga Putin vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
"Tổng thống Mỹ tin rằng, sẽ là vô trách nhiệm khi bỏ qua cơ hội hai nhà lãnh đạo ở cùng thành phố mà không cố gắng thử xem liệu họ có thể đạt được tiến triển gì trong hai cuộc khủng hoảng khó giải quyết hiện nay", bà Samantha Power – Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, hôm qua (28/9) cho biết trong chương trình “Tuần này” của ABC.
Trước thềm cuộc gặp vào đầu giờ tối nay theo giờ Mỹ giữa ông Obama và ông Putin, lãnh đạo hai nước Nga và Mỹ đều có cơ hội phát biểu trước đại diện của hàng trăm nước tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Tổng thống Mỹ Obama sẽ phát biểu trước và Tổng thống Putin sẽ phát biểu sau đó.
Ông chủ Nhà Trắng được cho là sẽ nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc nội chiến ở Syria, trong đó bao gồm sự ra đi của Tổng thống Bashar al-Assad. Trong khi đó, ông chủ điện Kremlin được cho là sẽ đưa ra lập luận rằng, quân đội của ông Assad là lực lượng có năng lực nhất để có thể chiến đấu chống lại IS và vì thế các nước cần hợp tác với chính quyền của ông Assad để diệt trừ mối đe doạ lớn nhất hiện nay của thế giới.
Đối đầu quyết liệt nhưng vẫn cần nhau
Cuộc khủng hoảng ở Syria và Ukraine hiện đang là hai vấn đề nóng bỏng khó giải quyết nhất của thế giới hiện nay. Sở dĩ nói thách thức ở Syria và Ukraine khó giải quyết là bởi vì ngoài việc trong nội bộ những nước này chứng kiến cuộc đối đầu khó hoá giải giữa các lực lượng đối lập nhau thì cuộc khủng hoảng ở Syria và Ukraine còn là “chiến trường” đối đầu nhau gay gắt giữa hai phe với một bên là Nga và bên kia là phương Tây do Mỹ dẫn đầu.
Ở Syria, Mỹ vẫn đòi Tổng thống Assad phải từ chức trong khi Nga kiên quyết chống lại điều này. Moscow đang nỗ lực xây dựng một liên minh rộng lớn hơn liên minh của Mỹ để chống lại IS và liên minh mới sẽ chiến đấu sát cánh bên cạnh quân đội của Syria.
Nga đã đạt được thành công bước đầu trong nỗ lực nói trên khi quân đội Iraq hôm qua nhất trí chia sẽ thông tin an ninh và tình báo với Syria, Nga và Iran trong cuộc chiến chống IS. Diễn biến trên sẽ làm phức tạp hơn các nỗ lực của Washington nhằm diệt trừ IS mà không hợp tác với Damascus và các đồng minh của nước này.
Moscow cũng thể hiện một sự cứng rắn, kiên định trong việc không từ bỏ sự hậu thuẫn cho chính quyền Tổng thống Assad.
Washington cũng không muốn lùi bước trước mục tiêu lật đổ chính quyền Assad và hậu thuẫn cho lực lượng nổi dậy Syria.
Như vậy, sẽ rất khó để Nga và Mỹ đạt được bất kỳ tiếng nói chung nào trong vấn đề Syria. Tổng thống Putin chắc chắn không có ý định tham gia vào liên quân do Mỹ dẫn đầu ở Syria, không chấp nhận theo lệnh Mỹ. Trong khi đó, Tổng thống Obama cũng rất quan ngại trước viễn cảnh Nga tăng cường sự hậu thuẫn về quân sự cho chính quyền Syria, giúp ông Assad củng cố quyền lực.
Tương tự như vấn đề Syria, Tổng thống Putin và người đồng cấp Obama được cho là cũng khó tìm được tiếng nói chung trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine – một cuộc khủng hoảng đã đẩy quan hệ Nga-Mỹ xuống thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Dù khó chịu thế nào thì Tổng thống Obama không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải hợp tác với người đồng cấp Putin nếu muốn giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria và Ukraine, giống như trong vấn đề Iran.
Giới chức Mỹ thừa hiểu cuộc gặp giữa Obama và Putin quan trọng thế nào. Vì thế, việc Mỹ tung tin ông Putin nài nỉ gặp nhà lãnh đạo Mỹ được giới chuyên gia nhận định là hành động “trẻ con”. Mỹ và Nga rõ ràng đều cần nhau để giải quyết những cuộc khủng hoảng gây ảnh hưởng đến cả hai nước cũng như đến thế giới.
Kiệt Linh
Ý kiến bạn đọc