(VnMedia) - Một đoàn đại biểu Ai Cập hiện đang tiến hành đàm phán với Pháp về việc mua lại 2 con tàu trực thăng độ bộ lớp Mistral mà Pháp ban đầu chế tạo cho Nga. Thông tin trên vừa được tờ La Tribune của Pháp đưa ra hôm nay (22/9).
Phái đoàn cấp cao của Ai Cập đã được sự cho phép của Tổng thống Abdl Fattah al-Sisi trong việc triển khai đàm phán thỏa thuận trên với Pháp. Theo nguồn tin do tờ báo trên trích dẫn, bên cạnh tàu trực thăng đổ bộ Mistral, Cairo cũng đang quan tâm tới việc mua 2 tàu hộ tống lớp Gorwind, tuy nhiên hai bên chưa thể đạt được đồng thuận về giá cả.
Theo tờ La Tribune, hồi tuần trước, các cuộc thảo luận giữa Pháp và Ai Cập về việc mua lại hai tàu Mistral đã bị đi vào ngõ cụt vì Cairo không chấp nhận giá mà Bộ Kinh tế Pháp đưa ra. Tuy nhiên, hiện tại, các cuộc đàm phán đã được nối lại.
Tờ La Tribune cho biết, quyết định cuối cùng về tàu Mistral, có thể được thực hiện trước cuối tháng 10/2015, tuy nhiên, đến nay họ chưa thể dự đoán được bất cứ điều gì.
Được biết, theo kế hoạch, nếu hợp đồng suôn sẻ, Cairo sẽ đưa các tàu Mistral tới Biển Đỏ và Địa Trung Hải để sẵn sàng trực chiến trong trường hợp xung đột ở Libya và Yemen leo thang.
Trước đó, hôm 21/9, hãng tin Itar-Tass đưa tin, một nhóm chuyên gia Nga đã lên đường tới Pháp và sau cuộc thảo luận với những người đồng cấp Pháp, quá trình tháo dỡ các thiết bị của Nga trên tàu Mistral đã được thực hiện. Như vậy, đến đây , Nga – Pháp đã “ân đoạn oán tuyệt” trong hợp đồng tàu chiến Mistral và về cơ bản từ nay, Pháp sẽ phải tìm cách xoay sở và chào mời một đối tác khác “thầu” lại lô tàu chiến có giá trị kinh tế lớn đối với Pháp này.
Tuy nhiên, theo yêu cầu của phía Nga, trước khi Pháp quyết định bán tàu chiến này cho bên thứ 3, Paris cần phải đặt các lợi ích của Nga lên bàn cân nhắc.
Hồi đầu tháng 9 này, khi trả lời câu hỏi của hãng tin Itar-Tass về khả năng tàu chiến Mistral được bàn giao cho nước thứ 3, ông Peskov cho biết, Tổng thống hai nước đã đạt được một thỏa thuận hồi tháng 8 về vấn đề Mistral, theo đó, hai bên đã đi đến được nhất trí cuối cùng về vấn đề trên. Thế nhưng, ông tuyên bố rằng, trước khi phía Pháp quyết định bất cứ động thái gì đều phải tham vấn phía Nga.
“Chúng tôi khẳng định rằng, các lợi ích của phía Nga cần được xem xét kỹ càng trước khi bàn giao tàu chiến Mistral cho bên thứ ba”, ông Peskov nói với cánh phóng viên, đề cập tới các quy ước trong thỏa thuận giữa Nga- Pháp về việc chấm dứt hợp đồng Mistral.
Nga đã ký hợp đồng mua 2 siêu tàu chiến lớp Mistral của Pháp với trị giá 1,2 tỉ euro (1,5 tỉ USD) từ hồi tháng 6 năm 2011. Theo hợp đồng, Pháp phải bàn giao chiếc tàu chiến đầu tiên được đặt tên là Vladivostok cho Nga vào ngày 14/11 năm ngoái trong khi chiếc thứ hai mang tên Sevastopol sẽ được bàn giao vào cuối năm nay. Tuy nhiên, hợp đồng này đã bị đổ vỡ vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine .
Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) đổ lỗi cho Moscow đứng đằng sau cuộc khủng hoảng ở Ucraina , châm ngòi cho cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông nước này. Dù Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên nhưng Mỹ và đồng minh EU vẫn gây sức ép với Moscow trên mọi mặt trận từ chính trị, kinh tế, ngoại giao đến quân sự. Pháp đã chịu thua trước sức ép của phương Tây để buộc phải hủy bỏ hợp đồng vũ khí “khủng” với Nga.
Hồi đầu tháng 8, cả Nga và Pháp đều lên tiếng khẳng định, họ đã chính thức đưa ra “phán quyết” cuối cùng cho số phận của hợp đồng tàu chiến đình đám mang tên Mistral. Pháp cho biết, họ đã đồng ý với thỏa thuận bồi thường cho Nga vì không bàn giao hai chiếc siêu tàu chiến tối tấn lớp Mistral vì cuộc khủng hoảng Ukraine . Điều này đồng nghĩa với việc cuộc tranh cãi về ngoại giao, thương mại và chính trị xung quanh hợp đồng vũ khí giữa Nga và Pháp kéo dài suốt nhiều tháng qua đã chính thức đóng lại.
Ý kiến bạn đọc