(VnMedia) - Một báo cáo mới của Bộ Quốc phòng Vùng Lãnh thổ Đài Loan vừa tiết lộ rằng, Trung Quốc đang phát triển hai tàu sân bay tiếp theo. Thông tin này có vẻ khớp với những gì Bắc Kinh từng tuyên bố về mục tiêu triển khai tàu sân bay tự chế đầu tiên trước năm 2020.
Theo báo cáo về tiềm lực của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa của Đài Loan, hai tàu sân bay mà Trung Quốc đang đóng có kích thước tương đương với con tàu sân bay duy nhất hiện nay của nước này là tàu Liêu Ninh. Trung Quốc đã mua lại của Ukraine con tàu sân bay 60.000 tấn từ thời Xô-viết vào năm 1998. Kể từ đó, Trung Quốc đã tiến hành nâng cấp tàu sân bay Liêu Ninh. Tàu sân bay này đã tham gia nhiều cuộc tập trận, trong đó có cả các cuộc tập trận trên vùng biển tranh chấp Biển Đông, nhưng chưa được triển khai đầy đủ.
Ảnh minh họa
Một số chuyên gia tin rằng, việc sở hữu con tàu sân bay Liêu Ninh là bước đi đầu tiên giúp Trung Quốc thu thập được kinh nghiệm để có thể tự chế tạo được tàu sân bay trước năm 2020.
Báo cáo của Cơ quan quốc phòng Đài Loan cho biết, một trong hai con tàu sân bay mới trên đang được chế tạo tại Thượng Hải, và chiếc kia được chế tạo tại thành phố Đại Liên, đông bắc Trung Quốc. Tuy nhiên, báo cáo trên không tiết lộ thời gian dự kiến hai con tàu này sẽ được hoàn đóng.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, sau khi lô tàu sân bay này được đưa vào biên chế của hải quân Trung Quốc, thì một đơn vị chỉ huy sẽ được thiết lập với “mục đích thống nhất lực lượng và tăng cường khả năng tác chiến”.
Theo hãng tin Reuters, các cơ quan tình báo của Đài Loan luôn theo dõi sát sao "nhất cử nhất động" của quân đội Trung Quốc bởi Bắc Kinh luôn coi Đài Loan là một tỉnh của mình và chưa bao giờ loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để tái khẳng định chủ quyền đối với vùng lãnh thổ này.
Đài Loan phát triển tàu ngầm
Trong khi đó, về phần mình, Đài Loan vẫn luôn chuẩn bị tư thế sẵn sàng để đối phó với Trung Quốc. Mới đây, Đài Loan cho biết sẽ tự chế tạo tàu ngầm sau khi kế hoạch mua từ Mỹ không thành vì sự phản đối từ Trung Quốc.
Hôm qua (3/9), hãng tin Reuters đưa tin, Bộ Quốc phòng của Đài Loan vừa đệ trình một kế hoạch chế tạo tàu ngầm và đã được cơ quan lập pháp thông qua. Hiện vùng lãnh thổ này chỉ còn phải chờ quyết định về ngân sách trước khi việc đóng tàu được triển khai.
Dự kiến, kế hoạch này sẽ “ngốn” mất khoảng 130 triệu USD và sẽ kéo dài trong thời gian 4 năm. Reuters cho biết, khoản chi này nằm trong ngân sách của Bộ Quốc phòng Đài Loan trong năm 2016. Được biết, tàu ngầm mà Đài Loan muốn đóng là loại chạy bằng động cơ diesel-điện.
Tuy nhiên, kế hoạch đóng tàu ngầm lại là thách thức lớn cho Đài Bắc không phải chỉ vì vấn đề tài chính. Trước đó, hồi đầu những năm 2000, Đài Loan có kế hoạch mua 8 tàu ngầm diesel-điện của Mỹ nhưng kế hoạch này đã bị phá sản vì những vướng mắc về vấn đề chính trị và kỹ thuật.
Ngoài ra, Đài Loan còn muốn được nhận chuyển giao công nghệ chế tạo tàu ngầm từ Mỹ hoặc phương Tây vì họ bị hạn chế về kỹ năng thiết kế tàu ngầm. Tuy nhiên, phía Trung Quốc luôn phản đối bất cứ sự chuyển giao công nghệ quốc phòng hay mua bán vũ khí nào cho Đài Loan.
Bởi vậy, kế hoạch ngân sách dành cho việc phát triển tàu ngầm của Đài Loan đến nay mới chỉ bao gồm khâu thiết kế và nó có thể kéo dài tới 1 thập kỷ.
Việc Đài Loan đầu tư phát triển hạm đội tàu ngầm cho hải quân được cho là theo xu hướng chung của khu vực trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng sự hiện diện quân sự khắp vùng biển châu Á.
Hiện tại Đài Loan mới sở hữu 4 tàu ngầm nhưng đều đã cũ kỹ, trong đó 2 chiếc có từ thời Thế chiến thứ hai, mặc dù quân đội của vùng lãnh thổ này được đánh giá là hiện đại không thua kém nước khác. Trong khi đó, Trung Quốc đang có tới 70 tàu ngầm cùng hàng chục tàu chiến và 1 tàu sân bay.
Ý kiến bạn đọc