(VnMedia) - “Quan hệ với Việt Nam luôn là một quan hệ đặc biệt đối với nước Đức”. Đây là phát biểu vừa được Đại biện lâm thời của Đức tại Hà Nội - ông Hans-Joerg Brunner đưa ra trong cuộc họp báo diễn ra sáng nay (29/9), nhân dịp kỷ niệm Ngày Thống nhất nước Đức.
Hình ảnh tại cuộc họp báo sáng nay tại Đại sứ quán Đức (Ảnh: Hải Yến) |
Năm 2015 là một năm đặc biệt đối với cả Đức và Việt Nam nói chung và từng nước nói riêng. Năm nay, Việt Nam kỷ niệm 70 năm ngày thành lập nước trong khi Đức kỷ niệm lần thứ 25 Ngày tái thống nhất đất nước. Hai nước Đức và Việt Nam kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương.
Phát biểu tại cuộc họp báo sáng nay, Đại biện lâm thời Hans-Joerg Brunner cho biết, “Quan hệ với Việt Nam luôn là một quan hệ đặc biệt đối với chúng tôi. Khoảng 120.000 người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Đức. Hơn 100.000 người dân Việt Nam nói tiếng Đức”. Ngoài ra, mỗi năm, Đức cấp visa cho khoảng 2.000 người Việt Nam vào sinh hoạt và làm việc tại Đức.
Về chính trị, quan hệ giữa hai nước đang diễn ra rất tốt đẹp. Điều này có thể được thấy rõ qua việc trao đổi thường xuyên các đoàn cấp cao. Tháng 10 năm ngoái, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến thăm chính thức Berlin. Tiếp đó, tháng 11 cùng năm, Phó thủ tướng Sigmar Gabriel đến Thành phố Hồ Chí Minh khai mạc Hội nghị châu Á-Thái Bình Dương của giới kinh tế Đức. Đây là hội nghị kinh tế lớn nhất của Đức được tổ chức ở nước ngoài.
Tháng 3 năm nay, Chủ tịch Quốc hội Liên bang Đức Norbert Lammert đã đến Hà Nội khai mạc Lễ hội Đức. Lễ hội này thu hút sự tham dự của 7.000 người.
Trong tháng này, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đức Frank Walter Steinmeier sẽ có chuyến thăm đến Việt Nam. Sau đó, vào tháng tới, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ thực hiện chuyến thăm chính thức đến Đức nhằm tăng cường quan hệ song phương. Hợp tác kinh tế là một trong những chủ đề lớn trong chuyến thăm lần này của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Một trong những dấu mốc quan trọng trong mối quan hệ giữa Đức và Việt Nam là tháng 10 năm 2011. Khi đó, Thủ trướng Angela Merkel và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước Đức và Việt Nam. Nổi bật lên trong quan hệ đối tác chiến lược Đức-Việt là những dự án hải đăng, trong đó có Ngôi nhà Đức, trường Đại học Việt-Đức và tuyến xe điện ngầm số 2 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngôi nhà Đức được bắt đầu xây dựng tháng 11 năm ngoái. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Frank Walter Steinmeier sẽ đặt viên gạch đầu tiên cho nền móng của Ngôi nhà Đức trong chuyến thăm vào tháng này. Sau khi được hoàn thành vào năm 2017, Ngôi nhà Đức sẽ là biểu tưởng mới, nổi bật cho quan hệ song phương Việt-Đức. Trường đại học Việt-Đức đào tạo sinh viên Việt Nam theo tiêu chuẩn đào tạo của Đức.
Sẽ là thiếu sót khi không nhắc đến quan hệ thương mại hết sức tốt đẹp và ngày càng phát triển giữa Đức và Việt Nam.
Trong Liên minh Châu Âu (EU), Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Có hơn 300 công ty Đức hoạt động và đầu tư tại Việt Nam. Các công ty này đang tạo việc làm và góp phần phát triển nền kinh tế Việt Nam. Năm 2014, tổng kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai nước đạt 7,8 tỷ USD với tỷ trọng xuất siêu lớn của Việt Nam. Khi hiệp định thương mại tự do với EU có hiệu lực, quan hệ thương mại Đức-Việt được cho sẽ tăng trưởng đáng kể.
Đầu tư của Đức vào Việt Nam trong năm qua cũng tăng gần 40%. Đức hiện đang xếp thứ 16 trong số các quốc gia có đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Đối với Đức, Việt Nam là một thị trường đầu tư hấp dẫn. Điều này được thể hiện rất rõ qua sự kiện Hội nghị châu Á-Thái bình Dương của giới kinh tế Đức được tổ chức vào tháng 11 năm ngoái tại Thành phố Hồ Chí Minh với hơn 850 đại diện và các nhà lãnh đạo của các công ty Đức đến dự. Hội nghị này là một tín hiệu rõ ràng về việc các công ty Đức tin tưởng vào môi trường và triển vọng kinh tế tốt đẹp của châu Á nói chung và của Việt Nam nói riêng.
Ngoài chính trị và kinh tế, Đức và Việt Nam còn quyết đinh nâng cao chất lượng quan hệ hợp tác phát triển nhằm góp phần giúp đỡ Việt Nam tiến tới một nền kinh tế bền vững.
Ấn tượng Đại biện lâm thời Hans-Joerg Brunner
Một trong những điểm nhấn ấn tượng và thú vị trong buổi họp báo sáng nay chính là hình ảnh Đại biện lâm thời Đức tại Hà Nội – ông Hans-Joerg Brunner giới thiệu cuốn sách về ẩm thực của nước Đức.
Đại biện lâm thời Đức tại Hà Nội - ông Hans-Joerg Brunner giới thiệu cuốn sách về ẩm thực của nước Đức. (Ảnh: Hải Yến) |
Đại biện lâm thời Đức Hans-Joerg Brunner cho biết, ông chính là người biên tập và đặt tựa đề cho cuốn sách ẩm thực “Lãng du qua các miền ẩm thực nước Đức”. Theo ông Hans-Joerg Brunner, người Việt Nam và người Đức có một điểm chung rất lớn là "thích sống sướng và ăn ngon". Trong dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập ngoại giao, Đại biện lâm thời Hans-Joerg Brunner muốn giới thiệu tới Việt Nam một nước Đức theo cách hoàn toàn mới. Đây là lý do cuốn sách “Lãng du qua các miền ẩm thực nước Đức” ra đời.
Trong tựa đề của cuốn sách, Đại biện lâm thời Đức Hans-Joerg Brunner đã viết: “Con đường ngắn nhất đến trái tim là đi qua dạ dày. Hiểu biết về các dân tộc trên thế giới và giao lưu văn hóa cũng vậy. Vì thế, trong cuốn sách “Lãng du qua các miền ẩm thực nước Đức”, người Việt Nam sẽ có cơ hội để thực hành nấu 16 món ăn khác nhau và học cách yêu ẩm thực của Đức. Con số 16 này đại diện cho 16 bang của nước Đức. Mỗi bang sẽ chọn ra một món ăn đặc trưng nhất, ngon nhất để giới thiệu trong cuốn sách.
Ý kiến bạn đọc