Tổng thống Ukraine đã rơi vào đường cùng?

14:05, 25/08/2015
|

(VnMedia) - Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đang thất bại trên cả hai mặt trận khi ông này không chỉ phải đối mặt với yêu cầu nghiêm khắc của đồng minh Châu Âu về việc thực thi các thoả thuận Minsk mà còn bị chính những người dân của mình cáo buộc là bất lực, không thể kết thúc cuộc chiến tranh ở Donbass, một tờ báo của Đức hôm qua (24/8) đã viết như vậy.

 

Ảnh minh họa

Tổng thống Poroshenko


“Những tháng tiếp theo có thể đặt tương lai chính trị của Tổng thống Ukraine vào tình trạng nguy hiểm. Đó là lý do tại sao ông ấy phải bay đến thủ đô Berlin ngày hôm qua để gặp gỡ với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande nhằm thể hiện rằng ông ta vẫn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ ở Châu Âu”, phóng viên Nina Jeglinski đã viết như vậy trong một bài báo được đăng tải trên số ra ngày Chủ nhật (23/8) của tờ Mittelbayerische Zeitung.

 

Ở thủ đô Berlin , Tổng thống Poroshenko chắc chắc sẽ khăng khăng đòi đưa Ba Lan và Mỹ vào tiến trình đàm phán. Tuy nhiên, Đức sẽ không đồng ý với điều đó bởi không giống như Kiev , Berlin Paris sẽ không chịu chấp nhận sự thất bại của thoả thuận Minsk . Hai cường quốc hàng đầu Châu Âu sẽ kiên quyết theo đuổi việc ép hai phe đối địch ở Ukraine phải thực hiện nghiêm chỉnh thoả thuận Minsk .

 

Sự bất lực của Tổng thống Poroshenko trong việc kết thúc cuộc chiến tranh ở vùng Donbass (từ dùng chỉ hai khu vực miền đông Donetsk và Luhansk) đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ông này đối với những người dân Ukraine – những người từng tin vào lời cam kết hoà bình của Nhà lãnh đạo của mình nhưng lại chỉ thấy tình hình đi từ xấu đến tồi tệ hơn”, nhà báo Jeglinski phân tích.

 

Tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Poroshenko hiện chỉ còn khoảng 20%, giảm mạnh từ con số 55% mà ông này từng được hưởng trong cuộc bầu cử hồi tháng 5 năm 2014.

 

Tất cả những diễn biến trên hco thấy, Châu Âu có nguy cơ mất đi đối tác trung thành ở thủ đô Kiev .

 

“Người Ukraine đã hơn một lần chứng minh rằng sự kiên nhẫn của họ chỉ đi được đến một mức độ nhất định và họ sẵn sàng loại bỏ Tổng thống của mình vào thời điểm sự kiên nhẫn của họ đã hết”, phóng viên của tờ báo Đức kết luận.

 

Ukraine chật vật tìm cách thoát ra khỏi quỹ đạo của Nga

 

Trong bối cảnh phương Tây có vẻ ngày càng tỏ ra mất kiên nhẫn với Tổng thống Ukraine thì ông này lại tìm cách giữ chặt sự ủng hộ của họ dành cho Kiev lâu nay. Khi tình hình miền đông Ukraine có chiều hướng xấu đi, ông Poroshenko đã vội vàng sang Berlin để gặp gỡ lãnh đạo của hai nước Đức, Pháp. Song song với đó, Nhà lãnh đạo Ukraine tiếp tục theo đuổi chính sách xa rời Nga một cách quyết liệt.

 

Tổng thống Poroshenko hôm qua (24/8) nói rằng, Ukraine đang phải đối mặt với một năm đầy bất ổn khi đấu tranh để bảo mình trước cái mà ông này miêu tả là các chiến lược của Moscow nhằm phá hoại mọi nỗ lực của Kiev trong việc theo đuổi những mối quan hệ gắn bó hơn, thân thiết hơn với Châu Âu.

 

Phát biểu tại một buổi lễ kỷ niệm 24 năm ngày độc lập ở trung tâm thủ đô Kiev, trước khi lên đường sang Berlin để gặp gỡ các nhà lãnh đạo của Pháp và Đức, ông Poroshenko cho biết: “Chúng tôi đã vượt qua năm thứ 25 ngày độc lập như thể trượt trên một lớp băng mong manh dễ vỡ. Chúng tôi phải hiểu rằng một bước sai lầm dù rất nhỏ cũng có thể vô cùng tai hại. Chiến tranh giành độc lập cho Ukraine vẫn đang tiếp diễn”.

 

Theo lời Nhà lãnh đạo Ukraine, có khoảng 50.000 binh lính Nga đang được dồn về khu vực biên giới giữa Nga và Ukraine cùng với con số 9.000 binh lính Nga đang hậu thuẫn cho lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine. Những đoàn xe quân sự mới cũng được phát hiện ở khu vực biên giới từ Nga đi vào Ukraine hồi tuần trước, ông Poroshenko cáo buộc.

 

Trong khi mối đe doạ “về một cuộc xâm lược quân sự toàn diện” từ Nga vẫn còn, Moscow “còn có một chiến lược thay thế khác – đó là phá hoại tình hình từ ở ngay trong nội bộ đất nước của chúng tôi và đưa đất nước này đối đầu với những đối tác nước ngoài chính", Tổng thống Poroshenko cáo buộc thêm.

 

Quan hệ giữa Nga và Ukraine hiện nay giống như những “kẻ thù không đội trời chung”. Cuộc đối đầu giữa hai nước này xuất phát từ cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng bùng lên ở Ukraine hồi cuối năm 2013. Cuộc khủng hoảng này xuất phát ban đầu từ làn sóng biểu tình phản đối quyết định của Tổng thống Yanukovych hồi cuối năm 2013 trong việc dừng ký kết các thỏa thuận với Liên minh Châu Âu (EU) để ưu tiên cho mối quan hệ gắn bó hơn với Nga. Bước đi này đã làm dấy lên làn sóng biểu tình của hàng nghìn người ở thủ đô Kiev . Kết quả là ông Yanukovych bị lật đổ và Crimea được sáp nhập vào Nga. Cùng với đó, cuộc nổi dậy ở miền đông Ukraine bắt đầu bùng lên.


Cuộc khủng hoảng trên đã phơi bày mâu thuẫn sâu sắc trong nội bộ người dân ở đất nước Ukraine với một bên có xu hướng thân phương Tây và bên kia muốn tiếp tục gắn bó với nước láng giềng Nga. Chính quyền Kiev hiện nay là đại diện của phe thân phương Tây.

 

Nga bác bỏ mọi cáo buộc của Kiev về việc họ hậu thuẫn cho lực lượng ly khai miền đông Ukraine cũng như việc Nga tìm cách phá vỡ các nỗ lực của Kiev trên con đường rời xa quỹ đạo của Moscow, tìm đến với quỹ đạo của phương Tây.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc