(VnMedia) - Tổng thống Pháp Francois Hollande đang đối mặt với sức ép và sự phản đối rất lớn từ cả đảng của cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy và đảng của bà Marine Le Pen sau khi một tờ báo tiết lộ cái giá thực sự mà Paris phải trả cho việc hủy bỏ hợp đồng Mistral với Nga. Cụ thể, số tiền mà Pháp phải bỏ ra có thể hơn gấp hai lần so với con số được công bố chính thức. Tuy nhiên, một quan chức trong chính quyền của ông Hollande đã nhanh chóng lên tiếng về thông tin trên.
Tàu Mistral |
Chính phủ Pháp có thể phải trả đến 2-2,4 tỉ euro (2,23-2,67 tỉ USD) cho việc đơn phương phá ngang hợp đồng bán những chiếc tàu chiến Mistral cho Nga chứ không phải là con số 1,2 tỉ euro (1,34 tỉ USD) như công bố, tạp chí Le Canard Enchaine của Pháp cho biết.
Con số gây sốc trên được đưa ra đã khiến cả Đảng Cộng hòa của cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy lẫn Đảng Mặt trận Quốc gia của bà Marine Le Pen đồng loạt lên tiếng chỉ trích gay gắt quyết định của Tổng thống Hollande. Đảng của ông Sarkozy đòi thành lập một ủy ban quốc hội trong khi đảng của bà Le Pen quyết liệt hơn khi đòi Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian từ chức.
"Tiết lộ Mistral: Hai tỉ euro – cái giá cho sự ngẫu hứng của ông Hollande”, Đảng Mặt trận Quốc gia của Pháp đã mỉa mai như vậy trên trang mạng xã hội.
Pháp không thể giữa lại những chiếc tàu chiến lớp Mistral và có thể sẽ phải bán lại chúng cho một bên thứ ba với giá bèo, một số nguồn tin dự đoán như vậy.
Thông tin trên nếu được xác nhận là chính xác thì nó có thể gây phẩn nộ cho người dân Pháp bởi lâu nay việc hủy bỏ hợp đồng Mistral với Nga của chính quyền Paris ít nhiều đã bị dân chúng Pháp phản đối. Rõ ràng, việc Paris hủy bỏ hợp đồng vũ khí “khủng” đang gây thiệt hại lớn cho nước này, không chỉ về mặt tài chính, tiền bạc mà cả về mặt việc làm cho người dân cũng như uy tín.
Hiểu rõ được ảnh hưởng từ những thông tin kiểu như trên, chính phủ của Tổng thống Hollande đã nhanh chóng lên tiếng.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin hôm qua (14/8) đã bác bỏ thẳng thừng thông tin về việc họ phải trả cái giá lên tới hơn 2 tỉ euro cho Moscow vì hủy bỏ hợp đồng Mistral.
Theo khẳng định của ông Sapin tren đài phát thanh France Inter, Pháp chỉ phải trả chưa đến 1 tỉ euro cho việc không bàn giao hai tàu chiến lớp Mistral cho Nga như cam kết đưa ra trong hợp đồng.
"Tổng số tiền trả cho Nga vì việc hủy bỏ hợp đồng Mistral sẽ ở mức chưa đến 1 tỉ euro”, ông Sapin nói. Bộ trưởng Tài chính Pháp khẳng định không có chuyện họ phải trả hơn 2 tỉ euro như tờ Le Canard đưa ra trước đó.
Bộ trưởng Sapin cho hay, quyết định cuối cùng về số phận của hợp đồng Mistral sẽ được chính thức đưa ra tại một cuộc họp của hội đồng bộ trưởng quốc phòng Nga, Pháp và cuối tháng này. Thông tin thêm xung quanh vụ việc này sẽ sớm được công bố trước công chúng.
Ông Sapin, việc Paris hủy bỏ hợp đồng với Moscow “là một quyết định chính trị cần thiết” trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ở Ukraine. “Chúng tôi xem lập trường của Nga trong cuộc xung đột này là chưa đủ tích cực”..
"Trong những điều kiện như vậy, việc bàn giao thiết bị quân sự là không thể và đó là một quyết định thấu đáo và đúng đắn”, Bộ trưởng Tài chính Pháp nhấn mạnh.
Nga đã ký hợp đồng mua 2 siêu tàu chiến lớp Mistral của Pháp với trị giá 1,2 tỉ euro (1,5 tỉ USD) từ hồi tháng 6 năm 2011. Theo hợp đồng, Pháp phải bàn giao chiếc tàu chiến đầu tiên được đặt tên là Vladivostok cho Nga vào ngày 14/11 năm ngoái trong khi chiếc thứ hai mang tên Sevastopol sẽ được bàn giao vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở Ukraina nổ ra hồi năm ngoái đã kéo theo cuộc đối đầu Đông-Tây căng thẳng chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Phương Tây cho rằng, việc Pháp bàn giao hai siêu tàu chiến Mistral cho Nga sẽ làm phương hại đến nỗ lực cô lập Nga của họ sau khi xảy ra vụ sáp nhập bán đảo Crimea và cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông Ukraina.
Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) đổ lỗi cho Moscow đứng đằng sau cuộc khủng hoảng ở Ukraina , châm ngòi cho cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông nước này. Dù Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên nhưng Mỹ và đồng minh EU vẫn gây sức ép với Moscow trên mọi mặt trận từ chính trị, kinh tế, ngoại giao đến quân sự. Trong một động thái nhằm trừng phạt Nga trên mặt trận quân sự, Mỹ và các đồng minh đã gây sức ép mạnh mẽ để buộc Pháp phải ngừng bàn giao siêu tàu chiến lớp Mistral cho Nga. Hồi tháng 6 năm ngoái, Tổng thống Barack Obama đã đích thân lên tiếng kêu gọi Paris “ấn nút ngừng” cho hợp đồng tàu chiến lớp Mistral với Nga.
Siêu tàu chiến Mistral có trọng tải tối đa 21.300 tấn; có thể chuyên chở bốn sà lan đổ quân, 16 trực thăng hạng nặng, 2 tàu đệm không khí, một tiểu đoàn 40 xe tăng hạng nặng Leclerc, 450 binh sỹ… Tàu đổ bộ trực thăng lớp Mistral dài 199m, chiều ngang 32m, độ mớn nước 6,2m. Tàu được lắp đặt hệ thống radar cảnh giới MRR3D-NG, radar dẫn đường DRBN-38A; hệ thống hỏa lực gồm 2 hệ thống tên lửa phòng không MBDA Simbad, 2 khẩu đội pháo phòng không Breda-Mauser 30 mm, 4 súng máy 12,7 mm Browing M2-HB. Các liên đội Không quân dự kiến được biên chế trên các tàu lớp Mistral của Nga, bao gồm 8 chiếc máy bay trực thăng tấn công Kamov Ka-52K và 8 chiếc máy bay trực thăng vận tải tấn công Ka-29/31 Helix. Tàu có phạm vi hoạt động 40.000km.
Nga từng kỳ vọng hai chiếc tàu Mistral sẽ đóng góp sức mạnh không nhỏ cho lực lượng Hải quân đang được phát triển mạnh mẽ của nước này. Tuy nhiên, kể từ khi hợp đồng mua tàu Mistral của Pháp gặp vấn đề, Moscow nhiều lần tự tin tuyên bố sẽ tự đóng những chiếc tàu tương tự như Mistral với sức mạnh thậm chí còn vượt trội để bổ sung cho lực lượng của họ.
Ý kiến bạn đọc