(VnMedia) - Triều Tiên đã khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng khi bất ngờ đưa ra lời xin lỗi với nước láng giềng Hàn Quốc. Lâu nay, Bình Nhưỡng vẫn thể hiện lập trường vô cùng cứng rắn trong quan hệ với Seoul. Vì thế, một lời xin lỗi của Triều Tiên có thể được coi là một bước thay đổi đến choáng váng nhưng là một sự thay đổi tích cực.
>> Giật mình với "đòn" quân sự chưa từng có của Triều Tiên
>> Ngồi nổ chiến tranh cháy, hai miền liên Triều cuống cuồng
Cuộc đàm phán kéo dài giữa hai miền liên Triều đã kết thúc với kết quả tích cực |
Bình Nhưỡng đã đồng ý xin lỗi về việc đặt mìn ở khu vực biên giới với Hàn Quốc trong khi Seoul cam kết ngừng chiến dịch tuyên truyền chống phá Bình Nhưỡng thông qua hệ thống loa phát thanh cỡ đại. Hai bên còn nhất trí tiếp tục sớm gặp nhau để bàn thảo về mối quan hệ song phương.
Sau các cuộc đàm phán căng thẳng và kéo dài nhất từ trước đến nay giữa hai miền liên Triều, Seoul và Bình Nhưỡng sáng sớm nay (25/8) đã đạt được một thoả thuận lịch sử nhằm giúp tháo ngòi căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sau khi “ngòi nổ” đã được châm lên cách đây vài ngày và đang có nguy cơ bùng phát thành một cuộc xung đột lớn hơn.
Trong một thời điểm cao trào của sự bất ngờ trong cuộc đàm phán kéo dài gần như không ngừng nghỉ trong suốt mấy ngày qua ở ngôi làng đình chiến Panmunjom, Triều Tiên đã đồng ý xin lỗi về việc đặt mìn ở khu vực biên giới khiến 2 binh sĩ Hàn Quốc bị thương. Về phía Seoul, nước này đồng thời chấp nhận yêu cầu của Bình Nhưỡng về việc chấm dứt ngay chiến dịch tuyên truyền chống phá Triều Tiên qua hệ thống loa phát thanh cỡ đại ở khu vực biên giới.
Có thể nói, thoả thuận đạt được sáng nay giữa Seoul và Bình Nhưỡng là một thoả thuận mang tính lịch sử bởi vì chưa từng bao giờ trước đây hai miền liên Triều lại có thể thống nhất được với nhau về bất kỳ điều gì sau những cuộc đàm phán kéo dài về những vấn đề nhạy cảm như thế. 3 ngày đàm phán liên tiếp đã mở đường cho những cuộc họp định kỳ tiếp theo giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, trong đó có cuộc gặp vào tháng 9 khi quan chức cấp cao hai bên bàn về việc tổ chức một cuộc hội ngộ mới giữa những gia đình bị chia cắt sau cuộc chiến tranh Triều Tiên. Bình Nhưỡng và Seoul cũng nhất trí rút lực lượng mà họ vừa triển khai đến khu vực biên giới trong những ngày gần đây.
Cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc – ông Kim Kwan-jin trông phờ phạc, hốc hác vì phải thức trắng trong mấy ngày đàm phán liên tục. Ông này đã thông báo về thoả thuận lịch sử với Triều Tiên tại Nhà Xanh – văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, lúc khoảng 2h sáng nay, ngay sau khi trở về từ Panmunjom – nơi cách thủ đô Seoul hơn 60km về phía bắc.
Lời xin lỗi bất ngờ và ý nghĩa
Cuộc đàm phán trong những ngày qua là cuộc gặp ở cấp cao nhất giữa hai miền liên Triều kể từ sau hội nghị thượng đỉnh năm 2000 giữa cố Chủ tịch Kim Jong-il với cựu Tổng thống Kim Dae-jung; và hội nghị thượng đỉnh năm 2007 giữa cố Chủ tịch Kim Jong-il và người kế nhiệm của ông Kim Dae-jung - ông Roh Moo-hyun. Cả hai hội nghị này đều diễn ra ở thủ đô Bình Nhưỡng.
Khía cạnh ý nghĩa nhất trong thoả thuận đạt được sáng ngày hôm nay là việc Triều Tiên chấp nhận xin lỗi về vụ đặt mình ở khu vực biên giới. Vụ việc này đã châm ngòi cho sự leo thang căng thẳng mới nhất trên bán đảo Triều Tiên. Sở dĩ nói lời xin lỗi của phía Bình Nhưỡng rất có ý nghĩa và đầy bất ngờ bởi Triều Tiên là nước vốn ít nhượng bộ, ít đưa ra những lời xin lỗi. Lâu nay, Bình Nhưỡng vẫn luôn giữ một lập trường cứng rắn, quyết liệt với nước láng giềng Hàn Quốc.
Lời xin lỗi của Bình Nhưỡng càng gây bất ngờ và khiến người ta ngỡ ngàng hơn khi mà nước này đang có những bước đi quân sự đầy mạnh mẽ, thể hiện thái độ không lùi bước trước Seoul. Bình Nhưỡng bác bỏ mọi cáo buộc trước đó của Seoul về việc đặt mìn ở khu vực biên giới, gây ra vụ nổ khiến 2 binh sĩ Hàn Quốc bị thương.
Khi tình hình leo thang nghiêm trọng vì vụ “khai hoả” từ cả hai bên, chính quyền của Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un đã không ngần ngại tuyên bố đặt các lực lượng an ninh vào tình trạng chiến tranh. Kèm theo đó, Triều Tiên rầm rập huy động lực lượng, triển khai hàng loạt đơn vị pháo binh, đến 2/3 hạm đội tàu ngầm hùng hậu gồm 70 chiếc đến khu vực biên giới. Chưa hết, Bình Nhưỡng còn đưa tới nửa số binh lính trong lực lượng quân đội gồm 1,1 triệu người đến đóng ở khu vực cách biên giới với Hàn Quốc chỉ khoảng 80km.
Tuy nhiên, sự leo thang đáng sợ trên rất may lại là nhân tố căn bản thúc đẩy hai nước Triều Tiên và Hàn Quốc đồng ý ngồi vào bàn đàm phán. Cuộc gặp giữa quan chức hai nước được khởi động từ hôm thứ Bảy tuần trước (22/8) ở ngôi làng Panmunjom. Nó kéo dài suốt 10 giờ đồng hồ sau đó lại được nối lại vào chiều ngày Chủ nhật (23/8) và kéo dài cả ngày thứ Hai (24/8). Cuộc đàm phán kéo dài dai dẳng này chỉ kết thúc vào 1h sáng ngày hôm nay (25/8).
Tiến trình đàm phán kéo dài đầy mệt mỏi trên làm dấy lên tin đồn về việc Seoul và Bình Nhưỡng chẳng đạt được kết quả gì. Tuy nhiên, rất may là cuộc đàm phán đã đem lại kết quả tích cực. Hai bên đã nhất trí làm dịu căng thẳng. Hơn nữa, từ sự kiện lần này, người ta hy vọng Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ mở rộng các cuộc đàm phán, tạo cơ hội để hai bên có thể trao đổi quan điểm theo một cách có ích.
Ý kiến bạn đọc