Nga dùng siêu tên lửa để ve vãn đồng minh của Mỹ

07:19, 13/08/2015
|

(VnMedia) - Mỹ sẽ không tránh khỏi cảm giác giật mình âu lo khi có tin một trong những đồng minh lớn và mạnh hàng đầu của nước này sắp được Nga cung cấp cho một loại tên lửa có sức mạnh khủng khiếp. Phải chăng Moscow đang dùng một trong những vũ khí bảo bối của mình để ve vãn, lôi kéo đồng minh quý giá của siêu cường số 1 thế giới?
 

Ảnh minh họa

Tên lửa Iskander


Ả-rập Xê-út đang đàm phán mua các hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander của Nga, Ngoại trưởng Ả-rập Xê-út Adel al-Jubeir cho biết sau cuộc họp với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov hôm 11/8. Thông báo này gây chú ý bởi nó chứng tỏ đang có một sự nối lại quan hệ hữu nghị giữa Nga và Ả-rập Xê-út. Tuy nhiên, không ai có thể nói trước được về triển vọng phát triển trong tương lai của hai cường quốc về dầu mỏ này.
 
"Ả-rập Xê-út có ý định tăng cường mối quan hệ với Nga trên mọi lĩnh vực, trong đó có cả quân sự. Những cuộc tiếp xúc đang diễn ra liên tục và được đẩy mạnh giữa phái đoàn quân sự và các chuyên gia đến từ hai nước. Ả-rập Xê-út đang cân nhắc một loạt loại vũ khí của Nga, trong đó có các hệ thống tên lửa Iskander”, ông Adel al-Jubeir cho hay.
 
Nhà ngoại giao hàng đầu của Ả-rập Xê-út tiết lộ, nước ông đã bắt đầu đàm phán để mua các tên lửa Iskander của Nga. Nếu các cuộc đàm phán diễn ra thành công và đạt được thỏa thuận, hợp đồng này sẽ trở thành một tiền lệ bởi đây sẽ là lần đầu tiên Nga bán vũ khí cho Ả-rập Xê-út và lại là một loại vũ khí thiện chiến, quý giá hàng đầu của Moscow.
 
Thông tin chắc chắn sẽ khiến Mỹ không tránh khỏi cảm giác chạnh lòng và lo lắng bởi cho đến tận thời điểm này, Mỹ vẫn là nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất cho Ả-rập Xê-út.
 
Sở dĩ Ả-rập Xê-út tìm đến Nga là bởi do nước này ngày càng quan ngại về an ninh của nước mình. Người đứng đầu Viện Chính trị và Tôn giáo của Nga – ông Alexander Ignatenko phân tích rằng, sau thỏa thuận đạt được gần đây giữa Iran và các cường quốc về chương trình hạt nhân, các quốc gia ở vùng Vịnh Persian bắt đầu trở nên quan ngại hơn về an ninh của chính họ, sợ rằng thỏa thuận hạt nhân sẽ giúp Tehran có thể tự do hành động.
 
Ngoài ra, ông Ignatenko còn nhận định, Ả-rập Xê-út thường sử dụng các hợp đồng vũ khí như kiểu một “phần thưởng”. “Khi họ muốn tăng cường quan hệ với một quốc gia nào đó, họ có thể gợi ý mua vũ khí. Tôi không bác bỏ khả năng này”.
 
Năm 2008 có tin, Ả-rập Xê-út từng đề nghị ký những hợp đồng vũ khí lớn với Liên bang Nga nếu điện Kremlin giảm mối quan hệ hợp tác với Iran.
 
Mới đây nhất, hồi năm ngoái, báo chí rộ lên tin, Ả-rập Xê-út bí mật đề nghị Nga ký một hợp đồng lớn để cùng nhau kiểm soát thị trường dầu mỏ toàn cầu cũng như bảo vệ cho các hợp đồng khí đốt của Nga nếu điện Kremlin ngừng ủng hộ chính quyền của Tổng thống Assad ở Syria.
 
Những diễn biến trên cho thấy một thực tế là Nga và Ả-rập Xê-út – hai cường quốc sản xuất dầu mỏ, đang có xu hướng tiến lại gần nhau. Thực tế đó khiến Mỹ không khỏi lo ngại về viễn cảnh họ mất đi đồng minh quý giá vào tay đối thủ Nga.
 
Với tư cách là hai nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, Nga và Ả-rập Xê-út nếu bắt tay với nhau thì họ có tiềm năng để giành thế thống trị trên thị trường dầu mỏ toàn cầu. Cho đến nay, điều này chưa xảy ra vì sự khác biệt khó giải quyết giữa hai nước và đặc biệt là vì mối quan hệ gắn bó giữa Mỹ và Ả-rập Xê-út.
 
Tuy nhiên, giới chức Nga và Ả-rập Xê-út đang tăng cường các cuộc tiếp xúc nên khả năng hai cường quốc năng lượng thiết lập một mối quan hệ gắn bó hơn không phải là không thể xảy ra, nhất là trong bối cảnh cả hai đều đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng địa chính trị.
 
Một số chuyên gia đã nhìn thấy những dấu hiệu của “một mối quan hệ đối tác đang nổi lên” nhờ vào sự thay đổi của những cơn gió toàn cầu. Theo đó, nguồn tài chính dồi dào của Ả-rập Xê-út có thể giúp Moscow tránh được các biện pháp trừng phạt đau đớn của phương Tây. Trong khi đó, vũ khí, công nghệ, kỹ thuật và sự ủng hộ về mặt ngoại giao của Nga có thể giúp cho Ả-rập Xê-út giảm dần sự phụ thuộc của nước này vào một nước Mỹ mà họ đánh giá là ngày càng thiếu tính hợp tác. Ả-rập Xê-út gần đây có những bất mãn nhất định với đồng minh Mỹ trong các vấn đề như Syria, Iran...
 
Sự “đi lại” giữa Ả-rập Xê-út với Nga có thể chưa hẳn là hành động từ bỏ, quay lưng với đồng minh Mỹ của cường quốc dầu mỏ Trung Đông nhưng nó có thể được coi là một “thông điệp cảnh báo” mà Ả-rập Xê-út muốn nhắn gửi đến siêu cường số 1 thế giới.
 
Rất có thể hợp đồng tên lửa Iskander có thể đánh dấu một bước ngoặt trong quân hệ giữa Nga với Ả-rập Xê-út. Iskander là hệ thống tên lửa đạn đạo di động tầm ngắn tối tân của Nga, sử dụng nhiên liệu rắn. Tên lửa Iskander có khả năng tự hành tàng hình. Kỹ thuật tàng hình áp dụng ở Iskander là kỹ thuật plasma. Nó tạo ra một lớp mây trung tính về điện bao quanh đạn khiến cho các sóng radar của đối phương bị mất khả năng phát hiện và đáp trả.
 
Tên lửa Iskander còn được lắp hệ thống điều khiển đặc biệt nên có thể hoạt động rất cơ động và linh hoạt. Vì thế, hệ thống phòng không của đối phương rất khó đánh chặn, thậm chí theo nhiều chuyên gia thì đây là hệ thống tên lửa "vô đối", không thể đánh chặn.
 
Loại tên lửa đạn đạo ưu việt nói trên có thể phóng với tốc độ siêu âm hơn 2km trên giây (Mach 6-7 – tức là 6 hoặc 7 lần so với tốc độ âm thanh) và tầm bắn lên tới gần 500km. Iskander có khả năng bắn trúng và phá hủy chính xác các mục tiêu có đầu đạn lên tới gần 700kg. Với những tính năng trên, tên lửa Iskander của Nga được ví là ác mộng đối với bất kỳ hệ thống lá chắn tên lửa nào.
 
Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự Mỹ, chỉ cần vài tổ hợp tên lửa Iskander cũng có khả năng thay đổi cán cân lực lượng trong bất kỳ cuộc xung đột khu vực nào. Hiện nay, tổ hợp tên lửa Iskander đã được xuất khẩu sang nhiều nước, trong đó có các nước Trung Đông. Mỹ đang lo sợ các nước được coi là “kẻ thù bất trị” của họ sẽ có trong tay loại tên lửa tàng hình “vô đối” này.
 
Sức mạnh của Iskander đã được kiểm chứng trong cuộc chiến tranh ngắn ngày với Gruzia năm 2008. Khi đó, một tên lửa Iskander đã đánh trúng một tiểu đoàn xe tăng Gruzia ở Gori, phá hủy cùng một lúc 28 xe tăng.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc