Nga, NATO sầm sập lao đến chiến tranh?

06:50, 13/08/2015
|

(VnMedia) - Việc tăng cả số lượng và quy mô các cuộc tập trận của NATO và Nga đang khiến cho viễn cảnh bùng phát chiến tranh ở Châu Âu ngày càng có khả năng xảy ra hơn. Đây là lời cảnh báo nghiêm khắc vừa được một tổ chức tư vấn có uy tín đưa ra ngày hôm qua (12/8).
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Ông Ian Kearns – Giám đốc Mạng lưới Lãnh đạo Châu Âu (ELN) có trụ sở ở thủ đô London, cho biết, các cuộc tập trận “đã góp phần vào không khí thiếu tin tưởng lẫn nhau” và thực tế này “đôi khi có thể trở thành tiêu điểm cho một cuộc chạm trán giữa quân đội Nga và NATO”.
 
Ông Kearns là một trong những đồng tác giả của một bản nghiên cứu của ELN. Bản nghiên cứu này xem xét rất kỹ về hai cuộc tập trận quân sự được tổ chức trong năm nay của Nga cũng như NATO và đã phát hiện những dấu hiệu chứng tỏ “Nga đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột với NATO và NATO cũng đang chuẩn bị cho một cuộc đối đầu có thể xảy ra với Nga”.
                          
"Trong khi một bên có thể hướng mục tiêu hành động của họ vào việc tăng cường khả năng răn đe và chuẩn bị cho các hành động phòng thủ thì bên kia lại coi cuộc tập trận tương tự là một hành động khiêu khích, cố tình làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng. Trong bối cảnh thiếu sự tin tưởng như vậy, các cuộc tập trận có thể làm gia tăng sự bất ổn và đẩy cao nguy cơ xảy ra những cuộc đối đầu quân sự nguy hiểm”, bản nghiên cứu của ELN do các học giả hàng đầu chắp bút đã phân tích như vậy.
 
Mối quan hệ giữa Nga và phương Tây đang rơi vào tình trạng băng giá lạnh lẽo nhất kể từ sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine và vụ sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga hồi năm ngoái. Nghiên cứu của ELN đã chỉ ra rằng, NATO có kế hoạch tiến hành khoảng 270 cuộc tập trận trong năm nay. Trong khi đó, Nga thông báo thực hiện 4.000 cuộc tập trận ở mọi cấp độ.
 
Cuộc tập trận của Nga hồi tháng Ba có sự tham gia của tới 80.000 quân, trong khi cuộc tập trận Lá chắn Liên minh (Allied Shield) của NATO diễn ra hồi tháng Sáu đã huy động đến 15.000 quân đến từ 19 quốc gia thành viên NATO và 3 nước đối tác của liên minh.
 
Theo nghiên cứu của ELN, các cuộc tập trận đều cho thấy mỗi bên xem cái gì là điểm dễ bị tổn thương, dễ bị tấn công nhất: Đối với NATO, đó là Ba Lan và các nước Baltic trong khi Nga đặt lo ngại nhiều hơn vào các địa điểm là Bắc Cực, Crimea và những khu vực biên giới của nước này với các nước thành viên của NATO là Estonia và Latvia.
 
ELN đã đưa ra một vài gợi ý nhằm hạ nhiệt căng thẳng, trong đó có việc các chính phủ phải xem xét, cân nhắc đến sự cần thiết trong việc giảm quy mô cũng như giới hạn về kịch bản trong các cuộc tập trận trong tương lai.
 
NATO nổi giận, phản ứng với cảnh báo chiến tranh
 
NATO đã phản ứng đầy tức giận trước cảnh báo về khả năng bùng phát chiến tranh ở Châu Âu của ELN. NATO đã dùng lập luận tương tự như trong bản nghiên cứu của ELN để đổ hết lỗi sang cho Nga. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương coi các cuộc tập trận của họ là vì mục đích phòng vệ trong khi các cuộc tập trận tương tự ở phía bên Nga là những hành động mang tính khiêu khích, làm leo thang căng thẳng. Nữ phát ngôn viên của NATO – bà Carmen Romero cáo buộc chính Nga làm cản trở mối quan hệ hợp tác song phương.
 
Theo NATO, bản nghiên cứu của ELN đã “sai lầm khi đặt các cuộc tập trận của NATO với của Nga giống nhau”.
 
Phó Tổng thư ký NATO – ông Alexander Vershbow cho rằng, các cuộc tập trận của liên minh quân sự phương Tây không gây ra nguy cơ.
 
"Cả NATO và Nga đều khăng khăng nhấn mạnh rằng các cuộc tập trận của họ về bản chất là mang tính phòng thủ. Điều này có thể đúng. Tuy nhiên, mối quan hệ chính trị ngày càng tồi tệ đi giữa NATO và Nga hiện tại dường như đang mang theo nó một vòng tròn luẩn quẩn của hành động-phản ứng.liên quan đến các cuộc tập trận quân sự", bản báo cáo ELN phân tích.
 
Mặc dù bản báo cáo không cáo buộc NATO bất kỳ điều gì nhưng liên minh quân sự này vẫn cảm thấy cần phải cáo buộc Nga tổ chức các cuộc tập trận một cách “không thể dự đoán được và gây ra bất ổn".
 
Về phần mình, NATO tự cho rằng, các cuộc tập trận của họ là minh bạch và hoàn toàn mang tính phòng thủ với mục đích tăng cường an ninh và ổn định trong khu vực, bà Romero đã nói như vậy.
 
"Các cuộc tập trận của NATO là nhằm để tăng cường an ninh và sự ổn định ở Châu Âu. Tất cả các hoạt động quân sự của NATO là thích hợp, mang tính phòng thủ và hoàn toàn phù hợp với các cam kết quốc tế”, bà Romero cho biết trong tuyên bố được đăng tải trên website của liên minh.
 
Quan hệ giữa Nga và NATO đang rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng chưa từng có kể từu sau Chiến tranh Lạnh vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine. Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic. NATO còn tăng cường tiến hành các cuộc tập trận quân sự và đang đối phó với Nga bằng cách tăng cường phòng thủ ở sườn phía đông của Châu Âu.
 
Những động thái trên của Mỹ và NATO khiến Nga không thể ngồi yên. Moscow cũng đang nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự để đối phó với kế hoạch thúc đẩy sự hiện diện quân sự của NATO ở Châu Âu. Nga bắt đầu thực hiện kế hoạch triển khai vũ khí tối tân ở nhiều khu vực sát biên giới với các nước thành viên NATO. Cùng với đó, Nga liên tục tổ chức các cuộc tập trận rầm rộ, quy mô lớn nhằm răn đe, cảnh báo các nước NATO cũng như tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Nga.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc