(VnMedia) - Moscow và Tehran cuối cùng đã đạt được thỏa thuận bàn giao những hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa thiện chiến S-300. Thỏa thuận về cơ bản đã hoàn tất chỉ còn một số vấn đề kỹ thuật cần được làm rõ hơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga – ông Mikhail Bogdanov mới đây cho biết.
Hệ thống tên lửa thiện chiến S-300 |
"Vì mọi thứ giờ đã ổn, chủ đề này sẽ được đóng tại đây. Chúng tôi đã đạt được sự thống nhất hoàn toàn với phía đối tác Iran về hợp đồng S-30. Vấn đề về cơ bản đã được giải quyết. Phần còn lại chỉ là những chi tiết liên quan về mặt kỹ thuật", ông Bogdanov – người cũng là đại diện đặc biệt của Tổng thống Nga ở khu vực Châu Phi và Trung Đông, hôm 19/8 cho biết.
Nga sẽ cung cấp cho Iran những hệ thống phòng không thiện chiến S-300 hàng đầu vào cuối năm nay. Một nguồn tin cấp cao trong Bộ Quốc phòng Nga tiết lộ với hãng tin RIA Novosti biết, con số chính xác các hệ thống tên lửa S-300 mà Nga sẽ cung cấp cho Iran được ghi rõ trong một hợp đồng đã được hai bên thống nhất từ trước. "Số lượng sẽ bằng con số được đưa ra trong hợp đồng”, nguồn tin cho biết khi được hỏi về việc liệu Moscow sẽ bán cho Iran 4 hệ thống tên lửa S-300 thay vì là con số 3 như hãng tin Sputnik dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Iran đưa tin trước đó.
Thông tin chắc chắn sẽ khiến phương Tây thực sự tức giận và lo ngại. Lâu nay, phương Tây vẫn luôn tìm mọi cách để ngăn chặn khả năng nước Cộng hòa Hồi giáo Iran có được những vũ khí thiện chiến hàng đầu như S-300 từ Nga. Sự lo sợ của phương Tây là có cơ sở bởi quan hệ giữa họ với Tehran luôn ở trạng thái đối đầu căng thẳng. Phương Tây và Israel luôn coi việc Iran có trong tay S-300 sẽ là ác mộng, là viễn cảnh đáng sợ nhất với họ bởi sức mạnh hàng đầu của vũ khí Nga. S-300 có thể dễ dàng hạ gục máy bay Mỹ hoặc Israel.
Có S-300, Iran đương nhiên sẽ tự tin hơn rất nhiều trong cuộc đối đầu với các cường quốc.
Iran quan tâm đặc biệt đến các tổ hợp tên lửa S-300 của Nga. Năm 2007, Nga đã ký một hợp đồng bán cho Iran các hệ thống S-300 với trị giá hợp đồng lên tới 900 triệu USD. Tuy nhiên, hợp đồng này đã bị đóng băng năm 2010 sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết trừng phạt Tehran. Nghị quyết trên quy định việc hạn chế cung cấp các loại vũ khí thông thường, bao gồm tên lửa và hệ thống tên lửa tấn công, xe tăng, máy bay trực thăng tấn công, máy bay chiến đấu, tàu chiến cho Iran. Ngày 22/9/2010, Tổng thống Nga khi đó là Dmitry Medvedev đã chính thức ký sắc lệnh hủy bỏ hợp đồng cung cấp S-300 cho Iran. Lý do được ông Medvedev đưa ra là việc Nga cung cấp những tên lửa tinh vi S-300 cho Iran sẽ vi phạm các biện pháp trừng phạt mà Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp đặt lên nước Cộng hòa Hồi giáo.
Hồi tháng Tư, Tổng thống Nga Vladimir Putin bất ngờ ra lệnh hủy bỏ sắc lệnh trên, mở đường cho việc Nga cung cấp các hệ thống S-300 cho Iran. Bình luận về quyết định này, Ngoại trưởng Sergey Lavrov cho hay, lệnh cấm vận S-300 mà Nga tình nguyện áp đặt lên Iran đã không còn cần thiết bởi những tiến bộ đạt được trong các cuộc đàm phán hạt nhân giữa nước Cộng hòa Hồi giáo với 6 cường quốc gồm Nga, Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức.
Hệ thống tên lửa phòng không S-300 là hệ thống tên lửa di động vô cùng tinh vi, có khả năng phá hủy tên lửa hành trình và chiến đấu cơ của đối phương. Được xem là một trong những tên lửa quý giá nhất của Nga, S-300, hay SA-20 Gargoyles theo cách gọi của NATO, có thể bắn hạ máy bay và tên lửa đạn đạo ở tầm xa 150km và ở độ cao lên tới 27km.
S-300 ban đầu được thiết kế nhằm mục đích giúp Nga đảm bảo an ninh cho các cơ sở công nghiệp và hành chính lớn, các căn cứ quân sự và kiểm soát không phận nước Nga trước máy bay tấn công của kẻ thù. Khi lần đầu tiên được Liên Xô triển khai vào năm 1979, S-300 được người Nga mệnh danh là “con cưng” và hiện nó vẫn là một trong những tên lửa đất đối không mạnh nhất thế giới. Đây cũng là một trong những loại tên lửa được rất nhiều nước thèm muốn bởi nó là thứ vũ khí hiệu quả hàng đầu trong việc bảo vệ các vùng trời.
Hệ thống S-300 được thiết kế để tiêu diệt tất cả phương tiện tiến công hỏa lực đường không của địch, các loại máy bay chiến lược, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo với độ chính xác rất cao, cự ly xa hàng trăm km, độ cao lớn.
S-300 được trang bị nhiều loại ra-đa tối tân, bao gồm đài ra-đa trinh sát 36D6 phát hiện mục tiêu ở cự ly xa tới 360km, bám bắt 120 mục tiêu cùng lúc, ra-đa trinh sát bắt thấp (độ cao thấp) 76N6, ra-đa điều khiển hỏa lực 30N6 sử dụng để dẫn đường điều khiển với ra-đa dẫn đường bán chủ động giai đoạn cuối. Bệ phóng tự hành lắp ống phóng đạn tên lửa của hệ thống này sẽ bắn theo phương thẳng đứng. Hệ thống S-300 có thể phóng 6 tên lửa liền một lúc, mỗi tên lửa có khả năng phá hủy các loại máy bay như F-16 và F-22 - báu vật của Không lực Mỹ cũng như đánh chặn các mục tiêu đạn đạo.
Vân Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc