(VnMedia) - Nga dự kiến sẽ mở rộng hạm đội tàu ngầm của mình với hai tàu ngầm hạt nhân thế hệ thứ 5 mới, được biết đến với biệt danh “sát thủ tàu sân bay” và “tàu đánh chặn dưới ngầm”. Thông tin trên vừa được hãng tin RIA Novosti đưa ra hôm qua (7/7).
Theo thông tin từ một lãnh đạo thuộc Tập đoàn Đóng tàu Thống nhất của Nga – ông Anatoly Shlemov cho biết, chiếc “sát thủ tàu sân bay” được trang bị tên lửa hành trình sẽ được sử dụng để đánh bại các mục tiêu trên mặt biển cũng như trên bờ.
Trong khi đó, “tàu đánh chặn dưới ngầm” sẽ có nhiệm vụ bảo vệ các nhóm tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo và đối phó với các tàu ngầm của kẻ thù.
Cả hai loại tàu ngầm này đều sẽ được phát triển trên cùng một lớp tàu giống nhau, nhưng chỉ khác về khí tài và mục đích sử dụng.
Dự án phát triển hai tàu ngầm này do Cục thiết kế hải quân Malakhit đảm nhiệm. Đây là một phần của chương trình hiện đại hóa quân sự quy mô lớn trị giá lên tới 350 tỷ USD mà Nga đang thực hiện.
Chương trình này dự kiến sẽ được hoàn tất trước năm 2020.
Trước đó, hồi tháng 6, Tư lệnh Hải quân Nga – Đô đốc Viktor Chirkov từng xác nhận rằng, xưởng đóng tàu Sevmash hiện đang trong quá trình chế tạo tàu ngầm hạt nhân thế hệ thứ 5.
“Chúng tôi cần các tàu ngầm vận hành linh hoạt và chạy êm với khả năng tàng hình cao nhất và được trang bị các loại vũ khí uy lực”, ông nói.
Hiện, Hải quân Nga đang sở hữu khoảng 60 tàu ngầm, trong đó có 10 chiếc là tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạt nhân, và hơn 30 chiếc khác là tàu ngầm hạt nhân đa dụng, còn lại là tàu ngầm đặc nhiệm và tàu ngầm chạy bằng dầu diesel.
Theo dự kiến, trước năm 2020, Hải quân Nga sẽ triển khai tổng cộng 8 tàu ngầm lớp Borei tối tân và 7 tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Yasen.
Nga triển khai tên lửa siêu linh hoạt
Trong một diễn biến khác, Bộ Quốc phòng Nga cùng ngày cũng cho biết, Lực lượng phòng không Nga sẽ sớm được sở hữu các hệ thống tên lửa siêu linh hoạt được trang bị các loại đạn dược thế hệ mới.
“Bên cạnh hệ thống S-400, lực lượng phòng không của chúng ta sẽ bắt đầu tiếp nhận các tên lửa S-350 Vityaz, có tính linh hoạt hơn và được trang bị đầu đạn tối tân thế hệ mới”, Thiếu tá Igor Klimov nói với hãng tin RIA Novosti.
Hệ thống S-350E Vityaz có tính năng cao hơn các hệ tương tự của nước ngoài và sẽ thay thế S-300 hiện có.
Theo nhà sản xuất Almaz-Antei giới thiệu, tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung S-350E mới “xét về tính năng và hiệu quả chiến đấu đều vượt trội so với các sản phẩm tương đương của nước ngoài và tổ hợp S-300 hiện có”.
S-350E được thiết kế để bảo vệ các mục tiêu từ mọi loại mục tiêu bay hiện tại và trong tương lai, trong đó có cả các mục tiêu được áp dụng “công nghệ tàng hình”, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo.
S-350E Vityaz có khả năng tiêu diệt mọi mục tiêu đường không (máy bay, UAV, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo…). Một khẩu đội S-350E Vityaz gồm: đài radar điều khiển hỏa lực 50N6E; một xe chỉ huy 50K6E và 3 bệ phóng 50P6E. Tất cả đều được đặt trên khung gầm xe bánh lốp KAMAZ 8x8.
Radar của S-350E có thể vận hành hoàn toàn tự động, không cần nhân viên thao tác. Mỗi radar có 8 kênh chỉ thị thông tin mục tiêu và 16 kênh điều khiển tên lửa, cho phép nó có thể dẫn bắn 16 tên lửa tấn công đồng loạt 8 mục tiêu bay một thời điểm.
Đồng thời, hệ thống radar này có khả năng theo dõi đồng loạt hơn 100 mục tiêu, vì vậy, một điểm chỉ huy - điều khiển chiến đấu được triển khai 2 radar đã có thể bắt chết được hơn 200 mục tiêu, phóng đồng loạt 32 tên lửa để tấn công 16 mục tiêu trong 1 thời điểm, hình thành một mạng lưới phòng không khu vực cực mạnh.
Vityaz được cho là đã vượt quá tính năng của một hệ thống phòng không tầm trung, khi nó có thể sử dụng loại tên lửa có tầm bắn từ 5km đến 400 km và ở độ cao từ 5m đến cận vũ trụ.
Vityaz có thể sử dụng 2 loại đạn tên lửa gồm: đạn tầm xa 9M96E và đạn tầm ngắn 9M100 (tầm bắn 15km). Tùy vào loại đạn mà số lượng đạn trên bệ phóng cũng khác nhau.
Ý kiến bạn đọc