(VnMedia) - Chỉ huy mới của Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ hôm qua (17/7) đã lên tiếng bảo đảm với các đồng minh rằng lực lượng Mỹ được trang bị rất tốt và sẵn sàng đối phó với bất kỳ tình huống khẩn cấp nào ở Biển Đông. Đây là một trong những điểm nóng nhất thế giới do các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải quyết liệt giữa Trung Quốc với một loạt nước láng giềng Đông Nam Á, trong đó có đồng minh của Mỹ. Phải chăng lời cam kết trên chính là thông điệp sắc lạnh nhất mà Washington muốn nhắn gửi đến Bắc Kinh sau khi cường quốc Châu Á liên tiếp khuấy đảo Biển Đông bằng những hành động hung hăng, quyết liệt.
Đô đốc Scott Swift |
Đô đốc Scott Swift hôm qua cho biết, ít nhất sẽ có thêm 4 tàu chiến đấu ngoài con số dự kiến ban đầu được Hải quân Mỹ triển khai đến Biển Đông.
Cũng giống như các vị quan chức cấp cao khác của Mỹ, chỉ huy mới của Hạm đội Thái Bình Dương khẳng định, Mỹ không đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông nhưng siêu cường số 1 thế giới sẽ thúc đẩy các chiến dịch nhằm bảo đảm sự tự do hàng hải ở những vùng biển tranh chấp và ở những nơi khác.
Ông Swift lấy dẫn chứng về phản ứng nhanh chóng và mạnh mẽ của Mỹ trong việc giúp Philippines trong thảm họa siêu bão Haiyan kinh hoàng năm 2013 là minh chứng cho thấy quyết tâm của Washington trong việc ủng hộ một đồng minh gặp khó khăn.
Trong bối cảnh dư luận quốc tế “sôi sục” trước việc Trung Quốc xây dựng trái phép hàng loạt đảo nhân tạo ở Biển Đông, những phát biểu từ chỉ huy mới của Hạm đội Thái Bình Dương rõ ràng là một lời đảm bảo của Mỹ với các đồng minh rằng Washington đã chuẩn bị sẵn sàng để chống lại mối đe dọa Trung Quốc.
Bất chấp thực tế là Mỹ nằm ở khu vực cách xa Biển Đông đến hơn 12.000km, Hải quân Mỹ vẫn bố trí một loạt tàu chiến đấu duyên hải ở khu vực biển chiến lược này. Trong vài tháng qua, Washington cũng đã tăng cường tập trận quân sự với một số đồng minh Thái Bình Dương gồm Nhật Bản, Australia và Philippines.
Theo Đô đốc Scott Swift, Hải quân Mỹ “rất quan tâm” đến việc tăng cường cả những cuộc tập trận quân sự lẫn sự hiện diện quân sự ở khu vực, chủ yếu là nhằm để đối phó với mối đe dọa được cho là từ Trung Quốc.
"Lý do mà mọi người tiếp tục yêu cầu một sự cam kết và ý định lâu dài của Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ là do tất cả những bất ổn đang diễn ra ở khu vực hiện nay”, ông Swift cho các phóng viên ở thủ đô Manila biết.
"Nếu chúng tôi có triển khai toàn bộ Lực lượng Hải quân Mỹ ở đây, trong khu vực này, thì tôi nghĩ rằng mọi người sẽ tiếp tục hỏi rằng: Liệu các ông có thể đưa thêm lực lượng vào đây hay không?'"
Tuy nhiên, thậm chí không tăng cường sức mạnh quân sự ở khu vực, Đô đốc Swift vẫn tự tin rằng Mỹ đã chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với bất kỳ cuộc xung đột nào bùng lên ở đây.
"Tôi rất hài lòng với những nguồn lực mà tôi có sẵn trong tay với tư cách là Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương”, ông Swift cho biết, đồng thời nói thêm rằng, “chúng tôi sẵn sàng và đã chuẩn bị để có thể đối phó với bất kỳ tình huống khẩn cấp nào mà Tổng thống thấy là cần thiết phải có sự phản ứng”.
Biển Đông đang là nơi chứng kiến những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải gay gắt giữa Trung Quốc với 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia, và Vùng lãnh thổ Đài Loan.
Biển Đông là một trong những vùng biển quan trọng nhất thế giới bởi nó chứa các tuyến đường hàng hải sống còn. Đồng thời Biển Đông còn được cho là chứa đựng một trữ lượng tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn, đặc biệt là dầu mỏ. Chính vì thế, Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông. Trong những năm gần đây, Trung Quốc có nhiều hành động quyết liệt và hung hăng nhằm thực hiện giành quyền kiểm soát gần như toàn bộ Biển Đông.
Mới đây nhất, trong vài tháng liên tiếp trở lại đây, Trung Quốc đã hối hả tiến hành xây dựng trái phép một loạt đảo nhân tạo ở Biển Đông. Hành động trái phép này của Trung Quốc đã gây ra sự bất bình và quan ngại lớn của cộng đồng thế giới bất chấp việc Bắc Kinh khăng khăng nhấn mạnh những công trình mà họ đang xây dựng chỉ nhằm cho các mục đích dân sự, nhân đạo. Trên thực tế, các đảo nhân tạo này điều được xây dựng theo hướng có thể sử dụng cho các mục đích quân sự.
Mỹ cùng rất nhiều nước như Nhật Bản, Australia, các thành viên của Liên minh Châu Âu.... đều đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ hành động của Trung Quốc.
Cùng với đó, những tháng vừa qua chứng kiến Washington tiến hành một số cuộc tập trận quân sự với các nước đồng minh trong khu vực như một động thái nhằm răn đe, cảnh báo Bắc Kinh. Gần nhất là cuộc tập trận hồi đầu tháng này với sự tham gia của Mỹ và Singapore. Khi đó, hải quân Mỹ và Singapore đã tập trận gần khu vực Biển Đông. Trước đó một tuần, Mỹ tham gia tập trận với Nhật Bản và Australia ở Lãnh thổ Phía Bắc và Queensland.
Bất chấp những hành động quân sự rầm rộ mang tính thị uy như trên, Đô đốc Swift tái khẳng định lại lập trường rằng, “Mỹ không ủng hộ việc sử dụng hành vi dọa dẫm hay dùng vũ lực”.
Ý kiến bạn đọc