Bị hàng loạt đồng minh xa lánh, Đức bẽ bàng

07:06, 17/07/2015
|

(VnMedia) - Đức – cường quốc lớn mạnh nhất và có ảnh hưởng nhất Liên minh Châu Âu, đang ở trong tình thế bẽ bàng khi bị hàng loạt đồng minh xa lánh, quay lưng.
 

Ảnh minh họa

Mối quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu Châu Âu - Pháp, Đức đang có dấu hiệu rạn nứt


Cuộc khủng hoảng ở Hy Lạp vừa rồi chứng kiến việc nước Đức thể hiện một lập trường vô cùng cứng rắn và có phần lạnh lùng với Athens. Nhiều nước trong Liên minh Châu Âu (EU) tin rằng, Đức đã thể hiện sự thống trị trong liên minh và đã cứu EU bằng cách “hạ nhục” Hy Lạp.
 
Những hành động quyết liệt của Đức với Hy Lạp đã khiến cường quốc hàng đầu Châu Âu phải trả giá đắt khi bị hàng loạt nước chỉ trích, xa lánh.
 
Cuộc khủng hoảng Hy Lạp được cho là một phép thử đối với mối quan hệ lâu đời giữa Pháp và Đức. Và dường như “cặp đôi già” này đang trên đường tiến tới một vụ “ly hôn”, ông François Heisbourg – Chủ tịch Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, đã nhận định như vậy.
 
Trong quá trình giải quyết cuộc khủng hoảng Hy Lạp, Pháp và Đức có quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau. Trong khi Đức sẵn sàng để loại bỏ Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng tiền chung euro thì Pháp tuyên bố sẽ tìm mọi cách để giữ Hy Lạp ở lại.
 
Có thể nói, cuộc khủng hoảng Hy Lạp tạo ra sự chia rẽ trong EU. Không chỉ mối quan hệ giữa Pháp và Đức rạn nứt, quan hệ giữa Đức với một loạt nước khác cũng có vấn đề, trong đó Đức chịu nhiều sự chỉ trích.
 
Thủ tướng Áo Werner Faymann lên án mạnh mẽ chính sách của Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble đối với Hy Lạp và cáo buộc ông này hiểu sai hậu quả của việc loại bỏ Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng euro, tờ DWN đưa tin.
 
Áo đã theo sau Italia, Tây Ban Nha và Pháp trong việc duy trì khoảng cách đối với lập trường cứng rắn của Đức và chỉ trích chính sách của ông Schäuble đối với Hy Lạp.
 
Bộ trưởng Tài chính Schäuble của Đức đã cố gắng tìm cách tạo ra một ấn tượng rằng, việc Hy Lạp rút ra khỏi khu vực đồng tiền chung Châu Âu sẽ có lợi cho các thành viên khác. “Tôi cho rằng, điều đó là hoàn toàn sai lầm. Điều này sai từ quan điểm đạo đức. Nó sẽ là khởi đầu cho một sự tan rã”, Thủ tướng Áo Faymann thẳng thắn cho biết.
 
Theo Nhà lãnh đạo Áo, Đức đang đóng vai trò hàng đầu ở Châu Âu nhưng vai trò này không phải lúc nào cũng tích cực. Bộ trưởng Tài chính Đức Schäuble đang che giấu một thực tế về cái giá thực sự mà các thành viên của khu vực đồng euro phải trả cho sự ra đi của Hy lạp cũng như hậu quả về mặt chính trị, đạo đức và kinh tế của việc này.
 
Áo bắt đầu chỉ trích chính sách của Đức sau khi các nước EU quyết định kéo dài thời hạn áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế lên Nga thêm 6 tháng dưới áp lực của Berlin. Nền kinh tế Áo đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi những biện pháp trừng phạt đó. Giới doanh nhân Áo tin rằng, chính sách trừng phạt không phục vụ cho lợi ích của Châu Âu.
 
Trước đó, báo Bồ Đào Nha cũng có bài viết chỉ trích Đức, kêu gọi Đức hãy chấm dứt tư tưởng bá quyền. Tác giả Gustavo Cardoso của Bồ Đào Nha đã có bài báo viết rằng, sự thống trị của Đức là một trong những nhân tố chính của cuộc khủng hoảng ở Hy Lạp nói riêng và EU nói chung hiện nay. Đức đang áp đặt mong muốn của họ lên phần còn lại Châu Âu. Tuy nhiên, thay vì đem đến sự ổn định, phương pháp tiếp cận của Đức đã góp phần tạo ra khủng hoảng và khiến tình hình thêm bất ổn.
 
Mới đây, hôm 15/7, ông Sergi Cutillas – một thành viên Tây Ban Nha của Ủy ban Kiểm toán khoản nợ của Hy Lạp, đã không ngại ngần chỉ trích rằng, trong cuộc khủng hoảng kinh tế Hy Lạp, Đức đã thể hiện sự thống trị trong Liên minh Châu Âu. Đức “đã thể hiện rõ rằng nền dân chủ chẳng có ý nghĩa gì trong Liên minh Châu Âu”, ông Cutillas cho biết đồng thời thêm rằng mục đích cuối cùng của Berlin là “thiết lập sự áp đảo trước Pháp”.
 
Theo ông Cutillas, Đức với tư cách là một siêu cường xuất khẩu đã nhận được lợi ích lớn nhất từ Liên minh Châu Âu bởi việc chấp nhận những nước có nền kinh tế yếu hơn vào khối sẽ khiến đồng tiền chung trở nên “rẻ hơn” và điều này tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu.
 
Đức “đang được hưởng lợi từ vai trò là một chủ nợ và một nhà xuất khẩu”, ông Cutillas cho biết. Cũng theo lời vị quan chức này, Đức biết rõ là khu vực đồng tiền chung euro sớm muộn sẽ tan vỡ nên muốn “thu được càng nhiều nguồn vốn và càng nhiều quyền lực nhất có thể trước khi điều đó xảy ra”.
 
Cùng chia sẻ quan điểm với ông Cutillas, cựu Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi hôm qua (16/7) cũng lên tiếng chỉ trích rằng EU đang thừa nhận sự bá chủ của Đức và đến lượt mình Đức lại theo sự chỉ đạo của Mỹ. Vì thế, “chúng ta không còn cách xa là mấy so với những tình huống châm ngòi cho hai cuộc chiến tranh thế giới trong thế kỷ 20”, vị chính khách nổi tiếng của Italia đã không ngần ngại phát biểu như vậy. Ông này bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về tình hình hiện nay ở Châu Âu và miêu tả đó là tình hình “thê thảm”.
 
Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến lập trường của Hy Lạp. khỏi phải nói giới chức Hy Lạp và người dân Hy Lạp đã tức giận và thất vọng như thế nào trước cách mà Đức đối xử với họ. Athens tin rằng Đức đã hạ nhục họ và thậm chí họ còn cảnh báo chiến tranh với EU.
 
Cựu Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis cho rằng, khu vực đồng tiền chung euro đang “nhảy theo nhạc hiệu của Đức” và hoàn toàn bị kiểm soát bởi Đức cũng như Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc