Mỹ chỉ đang kiếm cớ để "phá" Nga?

16:20, 17/07/2015
|

(VnMedia) - Kế hoạch triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu của Mỹ không nhằm đối phó với mối đe dọa từ Iran mà nhắm tới hệ thống tên lửa Iskander của Nga. Đó là nhận định vừa được ông Tadeusz Iwinski, một thành viên của Hạ viện Ba Lan đưa ra hôm qua (17/7).
 
“Trên thực tế, mặc dù, hiện nay, một số chính trị gia Ba Lan cho rằng, thỏa thuận (hạt nhân Iran) có thể gây cản trở, thậm chí còn làm ngừng tiến trình lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.  Kế hoạch triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa ở Ba Lan đã được đề xuất cách đây vài năm, và người Mỹ khi đó khẳng định rằng mục tiêu chính của họ là để đối phó với các mối đe dọa từ Iran”, ông Iwinski cho hay.
 
Theo chính trị gia này, vệc triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu dưới cái “mác” là để tự vệ trước những mối đe dọa từ chương trinh hạt nhân của Iran chỉ là cái cớ, cho rằng, thực chất kế hoạch này là nhằm vào Nga. 
 

Ảnh minh họa

Trong khi đó, Mỹ khẳng định rằng, các hệ thống tên lửa mặt đất của họ không nhằm chống lại Nga.Tuy nhiên, Moscow không tin vào tuyên bố này của Mỹ. Moscow từ lâu luôn phản đối kế hoạch triển khai lá chắn tên lửa của Mỹ ở gần biên giới nước này bởi họ coi đó là một mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh nước Nga. Chính vì thế, Moscow đòi hỏi Washington phải đưa ra một sự bảo đảm có tính ràng buộc về mặt pháp lý khẳng định lá chắn tên lửa của Mỹ ở Châu Âu không nhằm vào Nga. Thế nhưng, Washington đã phớt lờ yêu cầu này của Nga.
“Tuy vậy, hãy thừa nhận rằng, sự leo thang căng thẳng trong mối quan hệ giữa Mỹ và Nga khiến nhiều người nghĩ rằng, vấn đề này không thể chỉ nhằm vào Iran”, ông nhấn mạnh.
 
Chính trị gia này cũng chỉ ra rằng, thậm chí, tại thời điểm này, nếu hệ thống phòng thủ tên lửa được triển khai tại Ba Lan, thì nó chắc chắn sẽ nhằm đối kháng lại các hệ thống phòng thủ của Nga, đặc biệt là hệ thống tên lửa Iskander (SS-26 Stone).
 
Hôm thứ Ba vừa qua, khi các cường quốc P5+1 đạt được một thỏa thuận với Iran về chương trình hạt nhân của nước này, Ngoại trưởng Nga – ông Sergei Lavrov đã tuyên bố rằng, Moscow hy vọng Washington sẽ cân nhắc lại kế hoạch triển khai lá chắn tên lửa ở châu Âu của mình.
 
Một ngày sau đó, một quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ đã nói với hãng tin Sputnik rằng, thỏa thuận mang tính lịch sử về chương trình hạt nhân của Iran không thế loại bỏ được nhu cầu muốn triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo ở châu Âu để đối phó với các mối đe dọa từ Tehran của Mỹ.
  
Trước đó, hôm 14/7, Iran và nhóm P5+1 đã đạt được một thỏa thuận lịch sử về chương trình hạt nhân của Iran sau nhiều năm dài “đấi trí”. Theo thỏa thuận, các lệnh trừng phạt do Mỹ, EU và Liên Hợp Quốc áp đặt sẽ được dỡ bỏ. Đổi lại, Iran phải đồng ý hạn chế dài hạn chương trình hạt nhân mà phương Tây nghi ngờ nhằm chế tạo bom hạt nhân.
 
Tuy nhiên, cũng theo thỏa thuận, một số lệnh trừng phạt có thể được áp đặt lại trong 65 ngày nếu Iran vi phạm. Lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hợp Quốc vẫn tiếp tục duy trì trong 5 năm, lệnh cấm mua công nghệ tên lửa còn hiệu lực trong 8 năm.
 
Vì sao Mỹ “sợ” hệ thống Iskander của Nga?
 
Tên lửa Iskander được xem là một trong những vũ khí bảo bối của Nga nhằm đối phó với đối thủ phương Tây hùng mạnh do Mỹ dẫn đầu. Tên lửa Iskander được Nga sử dụng để cảnh báo Mỹ và NATO về kế hoạch xây dựng lá chắn tên lửa ở Châu Âu.
 
Iskander cũng là một trong những thứ vũ khí nằm trong lựa chọn hàng đầu của giới chức Nga khi họ tung ra những lời cảnh báo, đe dọa đối với phương Tây trong cuộc đối đầu hiện nay vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine . 
 
Tổ hợp tên lửa chiến thuật Iskander được thiết kế để phá hủy các loại vũ khí, khí tài, trung tâm thông tin - chỉ huy, máy bay chiến đấu đỗ tại sân bay, các trận địa phòng không và phòng thủ tên lửa, cũng như các mục tiêu trọng yếu khác của đối phương ở mọi thời điểm và trong mọi điều kiện khí hậu thời tiết. 
 
Do yêu cầu rất cao từ lúc thiết kế nên Iskander hội tụ những công nghệ đỉnh cao của Nga và cả thế giới trong lĩnh vực công nghệ tên lửa, hệ thống dẫn đường, động cơ tên lửa và các biện pháp trốn tránh kẻ thù. 
 
Iskander (còn được NATO gọi dưới cái tên SS-26 Stone) là hệ thống tên lửa đạn đạo di động tầm ngắn tối tân của Nga, sử dụng nhiên liệu rắn. Loại vũ khí này bắt đầu được đưa vào biên chế của quân đội Nga từ năm 2006. Iskander hiện có 2 phiên bản chính là Iskander M (phiên bản cho quân đội Nga) và Iskander E (phiên bản để xuất khẩu), ngoài ra còn có phiên bản mới nhất Iskander K vẫn đang trong quá trình thử nghiệm. 
 
Tên lửa Iskander có khả năng tự hành tàng hình. Kỹ thuật tàng hình áp dụng ở Iskander là kỹ thuật plasma. Nó tạo ra một lớp mây trung tính về điện bao quanh đạn khiến cho các sóng radar của đối phương bị mất khả năng phát hiện và đáp trả. 
 
Tên lửa Iskander còn được lắp hệ thống điều khiển đặc biệt nên có thể hoạt động rất cơ động và linh hoạt. Vì thế, hệ thống phòng không của đối phương rất khó đánh chặn, thậm chí theo nhiều chuyên gia thì đây là hệ thống tên lửa "vô đối", không thể đánh chặn. 
 
Loại tên lửa đạn đạo ưu việt nói trên có thể phóng với tốc độ siêu âm hơn 2km trên giây (Mach 6-7 - tức là 6 hoặc 7 lần so với tốc độ âm thanh) và tầm bắn lên tới gần 500km. Iskander có khả năng bắn trúng và phá hủy chính xác các mục tiêu có đầu đạn lên tới gần 700kg. Với những tính năng trên, tên lửa Iskander của Nga được ví là ác mộng đối với bất kỳ hệ thống lá chắn tên lửa nào. 
 
Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự Mỹ, chỉ cần vài tổ hợp tên lửa Iskander cũng có khả năng thay đổi cán cân lực lượng trong bất kỳ cuộc xung đột khu vực nào. Hiện nay, tổ hợp tên lửa Iskander đã được xuất khẩu sang nhiều nước, trong đó có các nước Trung Đông. Mỹ đang lo sợ các nước được coi là “kẻ thù bất trị” của họ sẽ có trong tay loại tên lửa tàng hình “vô đối” này.   
 
Sức mạnh của Iskander đã được kiểm chứng trong cuộc chiến tranh ngắn ngày với Gruzia năm 2008. Khi đó, một tên lửa Iskander đã đánh trúng một tiểu đoàn xe tăng Gruzia ở Gori, phá hủy một lúc 28 xe tăng. 


Đan Khanh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc