(VnMedia) - Quốc hội Ukraine hôm qua (16/7) đã thực hiện bước đi đầu tiên nhằm hướng tới việc trao quy chế tự trị tạm thời cho lực lượng ly khai miền đông Ukraine thông qua việc thay đổi hiến pháp. Đây là động thái mà phương Tây hy vọng có thể giúp chấm dứt một trong những cuộc chiến tranh đẫm máu nhất Châu Âu trong những năm gần đây. Việc Kiev bắt đầu thúc đẩy tiến trình trao quy chế tự trị tạm thời cho các khu vực miền đông Ukraine diễn ra khá bất ngờ. Phải chăng, Kiev đã phải nhượng bộ trước sức ép của Mỹ bởi thông tin này chỉ được đưa ra sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ có chuyến thăm đến Ukraine.
Tổng thống Poroshenko |
Vấn đề gây tranh cãi và chia rẽ liên quan đến quy chế tự trị cho các khu vực miền đông Ukraine đã được đưa ra bàn bạc vào đúng ngày mà các nghị sĩ Kiev cũng bỏ phiếu ủng hộ một loạt biện pháp thắt lưng buộc bụng cần thiết để nước này có thể nhanh chóng được giải ngân khoản tiền cứu trợ 5 tỉ USD (4,6 tỉ euro) từ IMF. Khoản tiền này có thể giúp Kiev thoát khỏi tình trạng vỡ nợ.
Ý tưởng cấp quy chế tự trị cho các khu vực đang nằm trong quyền kiểm soát của lực lượng ly khai miền đông Ukraine trong vòng 3 năm tới đã gây ra sự lo lắng của nhiều nghị sĩ và phần lớn báo chí Kiev. Tuy nhiên, ý tưởng này đã được quy định trong thoả thuận ngừng bắn mà chính quyền của Tổng thống Petro Poroshenko ký với lực lượng ly khai miền đông Ukraine hồi tháng 2 dưới sự làm trung gia của Nga, Pháp và Đức.
Giới nghị sĩ Kiev hôm qua đã bỏ phiếu với số phiếu ủng hộ áp đảo là 288/57 để yêu cầu toà án hiến pháp Ukraine ra phán quyết về việc những sự thay đổi như trên đối với luật pháp căn bản có phù hợp về mặt luật pháp hay không.
Đề nghị chính thức của Quốc hội đối với toà án hiến pháp là bước khởi đầu cho tiến trình mà theo đó có khả năng chứng kiến Kiev trao lại một số quyền cho tất cả các khu vực và đặc biệt trao quyền rộng hơn cho những khu vực nằm dưới quyền kiểm soát của lực lượng ly khai.
Cả Washington và các đồng minh thuộc Liên minh Châu Âu (EU) đều tin rằng, việc trao một phần quy chế tự trị có thể sẽ làm hài lòng lực lượng ly khai và từ đó có thể giúp Kiev giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị nghiêmn trọng ở Ukraine kéo dài suốt hơn 15 tháng qua.
Tuy nhiên, nghị sĩ Leonid Yemets của Đảng Mặt trận Nhân dân ủng hộ Kiev cho biết, ông và nhiều nghị sĩ hàng đầu khác của Ukraine đã nói với Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland rằng lý lẽ của bà về việc trao quy chế tự trị cho các khu vực miền đông Ukraine là sai lầm bởi điều đó không giải quyết được tình trạng thù địch hiện nay. “Trước hết, chúng ta phải kết thúc cuộc chiến và chỉ sau đó chúng ta mới bắt đầu tiến hành các cuộc bầu cử ở những khu vực miền đông đồng thời thực hiện những thay đổi hiến pháp tương ứng”, nghị sĩ Yemets nói.
Bản thân Tổng thống Poroshenko cũng phát biểu trước Quốc hội rằng, quyết định trao quy chế tự trị cho lực lượng ly khai là “khó khăn” nhưng cần thiết bởi đó là một điều kiện mà cả Washington và Brussels đều đang khẩn cấp thúc đẩy.
Những động thái bất ngờ mà Kiev đưa ra trong ngày hôm qua đã khiến Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Nuland miêu tả đó là “một ngày lịch sử khác” đối với đất nước đang bị giày xéo bởi cuộc nội chiến đẫm máu. Cuộc nội chiến này đã cướp đi sinh mạng của 6.500 người kể từ khi nó bùng lên sau vụ lật đổ Tổng thống Yanukovych hồi tháng 2 năm ngoái.
Bà Nuland được cho là đến Ukraine để tái bảo đảm với Tổng thống Poroshenko về sự ủng hộ của Washington dành cho Kiev và tiếp tục nỗ lực nhằm tìm kiếm một sự chấm dứt cho cuộc khủng hoảng ở quốc gia Đông Âu.
Kiev hứng đòn giáng mạnh
Trong một diễn biến khác có liên quan, Kiev vừa phải nhận một đòn giáng choáng váng khi Liên đoàn Bóng đá Crimea (CFU) đã chính thức được UEFA – cơ quan điều hành bóng đá Châu Âu, thừa nhận trong ngày hôm qua (16/7), cơ quan báo chí của CFU cho biết trong một tuyên bố.
Chủ tịch CFU Yury Vetokha cho biết, họ đã nỗ lực hết sức để thành lập bộ máy, cơ cấu của Liên đoàn; đề ra những quy định cho giải đấu của liên đoàn và chuẩn bị cho các trận đấu trong tương lai.
Trước đó, UEFA đã cam kết sẽ cấp cho các cầu thủ của Crimea quy chế chuyên nghiệp và cơ quan này cũng tỏ ra rất quan tâm đến việc phát triển bóng đá cho trẻ em ở bán đảo xinh đẹp vừa được sáp nhập vào Nga hồi tháng 3 năm ngoái.
Giải đấu của CFU dự kiến sẽ được khởi động vào tháng 8 và nó sẽ có sự tham gia của 8 đội bóng đến từ Simferopol, Sevastopol, Yalta, Bakhchisarai, Yevpatoria, Feodosia, Armyansk và Kerch.
Bán đảo Crimea đã chính thức trở thành một phần của nước Nga sau khi Tổng thống Putin ký sắc lệnh hoàn tất tiến trình sáp nhập hồi tháng 3 năm ngoái. Việc Crimea sáp nhập vào Nga xuất phát từ nguyên nhân là một cuộc đảo chính vũ trang ở Kiev, trong đó Tổng thống Viktor Yanukovich bị lật đổ. Crimea – một bán đảo tự trị thuộc Ukraine, đã từ chối không thừa nhận tính hợp pháp của chính phủ lâm thời mới ở Kiev . Chính vì thế, Crimea đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để quyết định tương lai của họ với Ukraine và Nga. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý cho thấy, hơn 96% người dân trên bán đảo Crimea lựa chọn ly khai khỏi Ukraine và sáp nhập trở lại Nga – nơi họ vẫn luôn coi là “mái nhà” của mình.
Sự kiện Nga sáp nhập bán đảo nhận được sự ủng hộ rộng khắp của người dân xứ sở Bạch Dương nhưng lại bị Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) ra sức phản đối. Mỹ và EU đã tung ra một loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga vì vụ sáp nhập nói trên. Phương Tây kiên quyết không thừa nhận việc Crimea giờ đây đã thuộc vào lãnh thổ của Nga.
Ý kiến bạn đọc