Châu Âu loạng choạng, Nga hoan hỉ?

16:33, 08/07/2015
|

(VnMedia) - Giới phân tích phương Tây tin rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể đang “nhấm nháp hương vị chiến thắng” khi chứng kiến Châu Âu vật lộn trong cuộc khủng hoảng Hy Lạp. Tuy nhiên, Moscow sẽ không đưa ra một cái phao cứu trợ tài chính cho Hy Lạp dù mối quan hệ giữa Nga với quốc gia Châu Âu đang nồng ấm.
 

Ảnh minh họa

Thủ tướng Hy Lạp (bên trái) và Tổng thống Nga


Khi cuộc tranh cãi giữa Hy Lạp và các chủ nợ Châu Âu của nước này đang ngày một trở nên xấu đi thì giới chức ở thủ đô Moscow và Athens đã có màn thể hiện mối quan hệ được thắt chặt giữa hai nước. Diễn biến này khiến Brussels không khỏi giật mình lo ngại.
 
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã đến thăm Nga hai lần kể từ hồi tháng 4 giữa lúc Nga đang có cuộc đối đầu quyết liệt và không khoan nhượng với Liên minh Châu Âu (EU) vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Bất chấp việc Hy Lạp là một thành viên của EU, Thủ tướng Tsipras vẫn tăng cường quan hệ mạnh mẽ với Nga. Hai nhà lãnh đạo Nga và Hy Lạp đã chứng kiến lễ ký kết thoả thuận xây dựng đường ống dẫn khí đốt trị giá 2 tỉ euro. Ông Tsipras cũng không ngại ngần lên tiếng chỉ trích những biện pháp trừng phạt mà phương Tây đang áp dụng với Moscow.
 
Ngay sau khi kết quả của cuộc trưng cầu dân ý gây chấn động ở Hy Lạp được công bố, theo đó người dân Hy Lạp nói “không” với kế hoạch cứu trợ của EU, Tổng thống Putin là một trong những nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên mà Thủ tướng Tsipras gọi điện để thảo luận về tình hình.
 
Giới phân tích tin rằng, cuộc khủng hoảng ở Hy Lạp đem đến ảnh hưởng tích cực cho Nga. Việc Châu Âu thất bại trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng ở Hy Lạp sẽ khiến người ta hoài nghi về khả năng khu vực này có thể giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Hơn nữa, với việc EU phải bận bịu giải quyết vấn đề liên quan đến Hy Lạp, liên minh này sẽ khó lòng có thể quan tâm đến tình hình Ukraine.
 
Mối quan hệ ngày một tốt đẹp lên giữa Nga và Hy Lạp cũng đang làm dấy lên nỗi lo sợ ở một số quốc gia Châu Âu về việc Moscow có thể sử dụng Hy Lạp như “một con ngựa thành Trojan" để phá vỡ sự đồng thuận vốn đã mong manh của liên minh gồm 28 thành viên về quan điểm đối với cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
 
Tuy nhiên, trong khi Tổng thống Putin và Thủ tướng Tsipras thảo luận về “sự phát triển hơn nữa trong mối quan hệ hợp tác giữa Nga và Hy Lạp” trong cuộc điện đàm hồi đầu tuần thì hai nhà lãnh đạo này không đả động gì đến khả năng Nga sẽ cứu trợ cho Hy Lạp.
 
Thay vào đó, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay, Moscow hy vọng “các đối tác Hy Lạp của chúng tôi sẽ đạt được một sự nhượng bộ, thoả hiệp cần thiết với các chủ nợ của mình càng sớm càng tốt”.
 
EU ra tối hậu thư với Hy Lạp
 
Trong lúc này, giới lãnh đạo EU đã ra tối hậu thư với Hy Lạp. Tức giận và mất kiên nhẫn, giới lãnh đạo khu vực đồng euro với lo ngại về tương lai của đồng tiền chung hôm qua (7/7) đã tuyên bố cho Thủ tướng Hy Lạp cơ hội vào phút cuối để đưa ra một đề xuất khả thi về việc làm thế nào để cứu Hy Lạp khỏi một cuộc sụp đổ về tài chính.
 
Bỏ qua cảm giác ngạc nhiên khi Thủ tướng Hy Lạp Tsipras không đưa ra được một kế hoạch cải cách chi tiết, giới lãnh đạo EU miễn cưỡng nhất trí kéo dài thời gian đến cuộc họp thượng đỉnh cuối cùng vào ngày Chủ nhật tới (12/7), nói rằng những ngày sắp tới sẽ là cơ hội để cả hai bên ngăn chặn tình trạng sụp đổ của quốc gia thành viên đang gặp khó khăn nhưng đầy thách thức.
 
Nhấn mạnh đến tính nghiêm trọng của thách thức, Chủ tịch Liên minh Châu Âu Donald Tusk đã quyết định huy động toàn bộ lãnh đạo của 28 nước thành viên EU đến Brussels bởi vì đối với liên minh “đây có thể là thời khắc quan trọng nhất trong lịch sử của chúng ta".
 
Tổng thống Pháp Francois Hollande nhấn mạnh đến nguy cơ. “Đó không chỉ là vấn đề của Hy Lạp mà đó là tương lai của Liên minh Châu Âu”, ông Hollande nói.
 
Nhấn mạnh đến sự tức giận đang ngày một lớn lên đối với ông Tsipras về việc ông này trì hoãn, chậm chễ trong nhiều tháng qua cũng như sự thay đổi bất ngờ của Athens, Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu Jean-Claude Juncker đã đưa ra lời cảnh báo sắc lạnh cho Hy Lạp. “Chúng tôi đã có sẵn kịch bản cho việc Hy Lạp rời khỏi EU. Kịch bản đó đã được chuẩn bị một cách chi tiết”, ông Juncker nói, rõ ràng là ám chỉ đến việc Hy Lạp có thể bị buộc phải rút khỏi khu vực đồng tiền chung euro.
 
Phát biểu với cánh phóng viên chiều ngày hôm qua, Thủ tướng Hy Lạp Tsipras nói rõ rằng, ông đã nhận được thông điệp như một tối hậu thư mà EU đưa ra về việc đây không phải là thời điểm để lãng phí thời gian bởi hạn định cho việc trả những khoản nợ mà Hy Lạp không thể thanh toán đang đến rất gần.
 
"Tiến trình sẽ diễn ra rất nhanh chóng. Nó sẽ được đẩy nhanh và sẽ bắt đầu trong vài giờ tới với mục đích hoàn tất mọi việc trước cuối tuần này là muộn nhất”, ông Tsipras nói.
 
Theo một tuyên bố chung của giới lãnh đạo EU, Thủ tướng Tsipras sẽ phải đưa ra những đề xuất chi tiết về một chương trình cải cách vào ngày mai (9/7). Các chủ nợ của Hy Lạp sau đó sẽ đánh giá kế hoạch để chuẩn bị cho một cuộc họp khác diễn ra giữa Bộ trưởng Tài chính các nước thành viên của khu vực đồng tiền chung euro trước khi đi đi đến cuộc họp thượng đỉnh cuối cùng của toàn bộ các nước thành viên EU.


Vân Linh

Ý kiến bạn đọc