Anh “đi đêm” với Nga, Italia nổi giận?

07:38, 24/07/2015
|

(VnMedia) - "Hầu như không một ngày nào qua đi mà báo chí hay giới chính khách Anh không có những phát biểu chỉ thẳng Italia là một mắt xích yếu trong mặt trận của phương tây nhằm chống lại điện Kremlin”, phóng viên ngoại giao Paolo Valentino đã than phiền như vậy trên tờ Corriere della Sera của Italia.

 

Ảnh minh họa

Ảnh minh hoạ


Italia – “mắt xích yếu” đã mất dự án Dòng chảy Phía Nam vì chính sách đối đầu của Liên minh Châu Âu (EU) với Nga. Và những người nông dân Italia đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi lệnh cấm vận mà Nga tung ra hồi tháng 7 năm ngoái như một đòn trả đũa nhằm vào những người đáng áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moscow. Lệnh cấm vận này vừa được kéo dài thêm 1 năm nữa.

 

Vậy mà, "Anh vẫn tiếp tục điệp khúc rằng Rome chỉ lo bảo vệ các lợi ích làm ăn với Moscow", phóng viên Paolo Valentino – người gần đây tiến hành một cuộc phỏng vấn Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Moscow cho tờ Corriere, giải thích trước khi bắt đầu công kích cái mà ông gọi là thói “đạo đức giả” của Anh.

 

Ngoài mặt, "chính phủ Anh tỏ ra gay gắt, quyết liệt trong việc đòi hỏi các nước phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga” nhưng sự quyết liệt này lại phải lùi bước trước cách tiếp cận thực tế hơn bất kỳ khi nào có dính đến lợi ích kinh tế của Anh. Thỏa thuận giữa tập đoàn BP của Anh và Rosfnet của Nga là một ví dụ như thế.

 

Lách qua những biện pháp trừng phạt

 

Hôm 19/6 vừa rồi, tập đoàn BP đã trả cho Rosfnet – công ty dầu mỏ lớn nhất của Nga, khoảng tiền mặt trị giá 750 trị USD để mua 20% cổ phần trong Taas-Yuryakh – một công ty sản xuất dầu mỏ ở Đông Siberia. Thỏa thuận này được ký kết tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế Saint Petersburg (SPIEF).

 

Đây không chỉ là “hợp đồng đầu tiên quy mô lớn như vậy được ký kết giữa các nhà đầu tư phương Tây với một tập đoàn của Nga kể từ khi các biện pháp trừng phạt có hiệu lực", phóng viên Valentino chỉ ra. Bằng cách trả bằng tiền mặt, BP còn cho phép tập đoàn Rosfnet của Nga tránh được các biện pháp trừng phạt về việc các công ty Nga không được tiếp cận thị trường vốn của phương Tây.

 

Hơn nữa, "BP và Rosfnet sẽ tiến hành khai thác chung tại hai khu vực mới ở Tây Siberia và Yenisey-Khatanga." Điều này đồng nghĩa với việc BP lại giúp tập đoàn Rosneft của Nga tránh được biện pháp trừng phạt về việc không được tiếp cận với các công nghệ của phương Tây.

 

Và BP không phải là ví dụ duy nhất. tờ Corriere đã chỉ ra một ví dụ khác, theo đó Rosfnet đã bán 29% cổ phần của mỏ dầu Taas-Yuryakh cho Skyland Petroleum – một công ty bí ẩn vừa mới được đăng ký kinh doanh hồi tháng 1 năm nay ở Cayman Islands. Bất ngờ là công ty mới này là một công ty của Anh được sở hữu bởi một người có tên là David Robson."

 

Theo ông Sergey Pikin – Giám đốc Quỹ Phát triển Năng lược cho biết: "BP đã nhận được sự cho phép từ chính phủ Anh để ký thỏa thuận với tập đoàn Rosfnet của Nga". Đây là chính phủ thường xuyên chỉ trích Italia về việc “mềm yếu” đối với Nga.

 

David Campbell – Giám đốc Điều hành của BP Nga, gần đây tuyên bố: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm các cơ hội đầu tư hấp dẫn để phát triển các nguồn lực của Nga trong khi vẫn tôn trọng các biện pháp trừng phạt”.

 

Italia cảm thấy bị lừa

 

Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St Petersburg ở Nga gần đây đã chứng kiến “việc ký kết một bản ghi nhớ về việc thực hiện thêm hai hệ thống đường ống dẫn cho Dự án Dòng chảy phía Bắc giữa Gazprom của Nga, E.ON của Đức, OMV của Áo và Shell của Anh và Hà Lan”, ông Valentino nhớ lại. Đây là “một điều ngạc nhiên thực sự sau khi Giám đốc điều hành Gazprom - ông Alexey Miller hồi tháng 1 thông báo không có hệ thống đường ống mới nào được lên kế hoạch xây dựng do tình hình chính trị căng thẳng ở Châu Âu”.

 

Như vậy, không chỉ BP tiếp tục mở rộng kênh làm ăn với Nga? Các công ty lớn khác cũng như vậy. Tuy nhiên, theo phóng viên Valentino, “chính London là lực lượng liên tục tuôn ra những lời cảnh báo nghiêm khắc về việc quá phụ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga, liên tục công kích dự án Dòng chảy Phía Nam – một dự án đưa khí đôt scuar Nga tới Châu Âu qua Hy Lạp và Italia”.

 

Sau những cuộc công kích liên tiếp của EU, Mỹ và chính phủ Anh, Gazprom cuối cùng đã thay thế dự án Dòng chảy Phía Nam mà Italia là một cổ đông lớn bằng dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ. Vì thế, công ty Saipem của Italia đã mất hợp đồng lắp đặt hệ thống đường ống của Dòng chảy Phía Nam ở dưới Biển Đen.

 

Bây giờ, với việc dự án Dòng chảy Phía Bắc tăng gấp đôi công suất và BP được lợi từ dự án liên danh với Rosfnet, Italia bắt đầu cảm thấy mình bị lừa dối.

 

Không chỉ ở lĩnh vực năng lượng mà cả trong lĩnh vực kinh doanh, thái độ của Anh đối với các biện pháp trừng phạt cũng không thay đổi. Rõ ràng, có thể nhìn thấy “thói đạo đức giả” ở đây, phóng viên của Italia cho biết.

 

Năm ngoái, khi áp lực bắt đầu tăng lên với Pháp về việc không được bàn giao các tàu chiến lớp Mistral cho Nga, Anh cùng với Ba Lan và các nước Baltic đã thúc đẩy một lệnh cấm vận vũ khí lên Nga, Paris đã đưa ra lập luận trên tờ Financial Times (FT) rằng “một lệnh cấm vận vũ khí sẽ gây ra ảnh hưởng không công bằng đối với Pháp trong khi các nền kinh tế khác của EU lại gần như không bị hề hấn gì.

 

Tờ FT dẫn lời một quan chức Pháp nói: “các biện pháp trừng phạt của Anh nhằm vào những lợi ích kinh tế của Nga ở London sẽ quan trọng hơn nhiều trong việc gây ảnh hưởng về tài chính và kinh tế đối với Moscow ". Tuy nhiên, một năm sau, tình hình vẫn như vậy: " London thực sự vẫn đang bảo vệ hàng chục nhà tài phiệt Nga - những người đầu tư các khoản tài sản lớn ở London ", tờ Corriere chỉ ra.


Kiệt Linh - (theo RIA)

Ý kiến bạn đọc