(VnMedia) - Sau một thời gian “ẩn mình” để phát triển, với sức mạnh tăng lên, Trung Quốc bắt đầu có những bước đi, chính sách đầy quyết liệt thể hiện những tham vọng to lớn của nước này, bắt đầu từ hai khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông. Trước một Trung Quốc lớn mạnh, đầy tham vọng và phớt lờ lợi ích của các nước xung quanh, sẽ là điều rất tự nhiên khi các liên minh bắt đầu được hình thành nhằm đối phó với Trung Quốc. Liên minh Nhật Bản và Philippines ra đời trong hoàn cảnh như vậy.
Hai nhà lãnh đạo Nhật Bản và Philippines |
Vì sao Nhật Bản và Philippines tìm đến kết thân với nhau?
Thực ra, giữa Nhật Bản và Philippines từ lâu đã tồn tại một mối quan hệ gắn bó. Khi cựu Thủ tướng Nhật Bản Takeo Fukuda muốn khởi đầu một chính sách tiếp cận mới với khu vực Đông Nam Á vốn bị ám ảnh bởi thời kỳ chiếm đóng của phát xít Nhật thời thế chiến II, ông này đã chọn thủ đô Manila làm nơi để giới thiệu về “Học thuyết Fukuda” nổi tiếng năm 1977. Kể từ đó, kinh tế đóng vai trò lớn trong mối quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản và Philippines.
Tuy nhiên, mối quan hệ Nhật-Philippines bắt đầu có nhiều sự thay đổi về chất vì nhân tố mang tên Trung Quốc. Sự thay đổi về chất ở đây thể hiện ở chỗ, không chỉ dừng lại ở hợp tác kinh tế, Manila và Tokyo đã và đang ra sức củng cố mối quan hệ liên minh quân sự và quốc phòng giữa hai nước trên cơ sở mối quan hệ đối tác chiến lược được ký kết năm 2011.
Như đã nói ở trên, nhân tố Trung Quốc là nguyên nhân chính thức đẩy Nhật Bản và Philippines tìm đến với nhau để hướng tới mục tiêu xây dựng một liên minh quân sự chặt chẽ và gắn kết.
Nhật Bản và Philippines là hai nước đang có những cuộc đối đầu quyết liệt nhất và căng thẳng nhất với Trung Quốc vì tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Hai cường quốc hàng đầu Châu Á – Trung Quốc và Nhật Bản đã tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông trong nhiều thập kỷ nay. Tuy nhiên, cuộc tranh chấp này trở nên nóng bỏng chưa từng có sau khi Trung Quốc liên tiếp đưa tàu thuyền và máy bay vào khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư để thách thức quyền kiểm soát của Nhật Bản ở khu vực này. Điều đó đã khiến chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe phải hành động.
Trong khi đó, về phía Philippines, nước này là nước có cuộc đối đầu quyết liệt nhất với Trung Quốc vì tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông. Từ một cuộc chạm trán giữa tàu Trung Quốc và Philippines vào tháng 4 năm 2012, Trung Quốc đã chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough - ngư trường đánh cá truyền thống của Philippines. Sau vụ việc khởi động này, Trung Quốc liên tục có nhiều hành động quyết liệt nhằm thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông.
Trước một Trung Quốc đầy tham vọng như vậy, Nhật Bản và Philippines đã buộc phải tìm đến với nhau. Nhật Bản muốn lập một loạt liên minh với các nước Đông Nam Á nhằm tạo một vòng vây xung quanh Trung Quốc với một mục đích cao nhất là kiềm chế sức mạnh cũng như tham vọng của Bắc Kinh. Ngoài lý do vì tranh chấp lãnh thổ, Tokyo không tránh khỏi sự lo lắng và bất an trước một nước láng giềng Trung Quốc ngày càng mạnh ở gần mình và giữa hai cường quốc Châu Á còn có cuộc đua tranh giành ảnh hưởng trong khu vực. Về phần mình, Philippine biết rằng, trong cuộc đối đầu lớn với một nước mạnh như Trung Quốc, họ cần phải dựa vào các đồng minh lớn như Mỹ và giờ là thêm cả Nhật Bản.
Quan hệ Nhật Bản, Philippines đã tiến xa đến đâu?
Tổng thống Philippines vừa có chuyến thăm thứ 6 đến Nhật Bản trong chưa đầy 5 năm qua. Điều này cho thấy mối quan hệ ngày một gắn bó sâu sắc giữa Manila và Tokyo. Tại hội nghị thượng đỉnh giữa Philippines và Nhật Bản hôm 4/6 vừa rồi, Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Benigno Aquino III đã vạch ra một kế hoạch hành động nhằm củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước này trong những năm sắp tới.
Chuyến thăm 4 ngày mới đây đến thủ đô Tokyo của Tổng thống Aquino chắc chắn là một cú huých lớn cho mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Nhật Bản và Philippines. Hai bên đã ra một tuyên bố chung ca ngợi mối quan hệ đối tác chiến lược được tăng cường giữa hai nước đồng thời công bố một kế hoạch hành động nhằm thúc đẩy mối quan hệ này. Những bước tiến trong quan hệ hợp tác an ninh giữa Nhật Bản và Philippine được tập trung chủ yếu vào an ninh hàng hải. Đây là điều hoàn toàn dễ hiểu khi cả hai nước đều chia sẻ quan ngại chung về sự quyết liệt, hung hăng của Trung Quốc ở trên biển. Nhật Bản cam kết sẽ giúp tăng cường năng lực của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines và Tokyo còn ký kết một hợp đồng cung cấp tàu tuần tra cho Manila.
Philippines và Nhật Bản cam kết sẽ củng cố mối quan hệ hợp tác an ninh bằng việc ký kết thỏa thuận chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng cũng như tăng cường các cuộc huấn luyện, tập trận chung trong khuôn khổ song phương và đa phương. Thỏa thuận này đặc biệt gây chú ý bởi có nguồn tin tiết lộ, máy bay tuần tra P-3C và các thiết bị radar có thể nằm trong danh sách những mặt hàng xuất khẩu tiềm năng trong tương lai. Đây là thỏa thuận thứ hai tương tự mà Tokyo ký kết với một quốc gia Đông Nam Á, sau thỏa thuận đầu tiên với Malaysia.
Trong lĩnh vực kinh tế, điểm nhấn là hạ tầng và công nghệ. Nhật Bản vốn đã là một “người chơi” kinh tế lớn ở Philippines. Tokyo là đối tác lớn nhất của Manila cũng là nguồn viện trợ phát triển chính thức lớn nhất cho Philippines. Hơn 1.000 công ty của Nhật Bản đang làm ăn ở Philippines.
Một trong những thông tin gây chú ý nhất trong chuyến thăm của Tổng thống Philippines đến Nhật Bản là Manila đang cân nhắc khả năng cho phép binh lính Nhật Bản được vào lãnh thổ của Philippines. Một thỏa thuận như vậy sẽ cho phép các lực lượng an ninh Nhật Bản được tiếp nhiên liệu và nhận các nguồn hậu cần trên lãnh thổ của Philippines. Như vậy, Tokyo sẽ có khả năng hoạt động lâu hơn và trên một khu vực rộng lớn hơn nếu nước này quyết định thực hiện tuần tra Biển Đông cùng với Mỹ.
Ý kiến bạn đọc