(VnMedia) - Một nhà phân tích mới đây đã đưa ra nhận định, Kiev sẽ phải “ăn quả đắng” từ chính những đồng minh đang hậu thuẫn mạnh mẽ cho họ trong cuộc đối đầu với nước láng giềng Nga thân thiết một thời.
Ảnh minh họa |
Washington không muốn hứng lấy gánh nặng của nền kinh tế sắp sụp đổ của Ukraine - một nền kinh tế chẳng bao lâu nữa sẽ phá sản vì vỡ nợ, nhà kinh tế học người Pháp và là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Công nghiệp hóa – ông Jacques Sapir đã phân tích như vậy.
Các nước phương Tây đang dần thay đổi lập trường về tình hình ở Ukraine. Điều đó được thể hiện rõ qua việc giới chức Mỹ đang phát đi tín hiệu cho thấy họ không sẵn sàng gánh vác gánh nặng của nền kinh tế trên bờ vực sụp đổ của Ukraine, nhà kinh tế học người Pháp nhận định trong bài viết được đăng tải trên trang tiếng Pháp của tờ Sputnik.
Theo ông Sapir, Pháp đã mệt mỏi với lập trường của Kiev khi nước này không chịu làm gì để thực thi thỏa thuận ngừng bắn Minsk. Về phía Đức, nước này cũng đã thay đổi theo một cách mà ông Sapir cho rằng nếu Mỹ “có thể quẳng gánh nặng của Ukraine sang cho Liên minh Châu Âu (EU) thì Đức sẽ là nước hứng chịu tổn thất lớn nhất”.
"Vì vậy, hiện tại, dường như chỉ còn có Anh là tiếp tục duy trì một lập trường hung hăng đối với Nga trong khi các nước EU khác đã mệt mỏi, kiệt sức trước tình trạng tham nhũng, kém cỏi và chủ nghĩa hoài nghi chính trị của Kiev”, ông Sapir cho hay.
Nhà kinh tế học người Pháp cho rằng, những sự kiện gần đây nhất đã chứng tỏ một điều, Nga, trên thực tế, đang nắm vị trí như một trọng tài trong vấn đề Ukraine.
Về phía Kiev, nước này sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn trong tương lai, ông Sapir cho biết, đưa ra dẫn chứng là cuộc chiến nội bộ giữa các nhà tài phiệt giàu có ở Ukraine. Cuộc chiến này là chỉ dấu cho thấy sự khác biệt rất lớn trong chính phủ của Ukraine.
Chuyên gia Sapir còn cho rằng, cũng đáng phải đề cập đến thực tế là cuộc xung đột ở miền đông Ukraine đã thất bại trong việc xóa bỏ sự khác biệt về mặt chính trị hay đoàn kết người dân. Cũng theo ông Sapir, tình hình thực sự ở Ukraine hiện nay có thể sẽ được che giấu trong một khoảng thời gian nhờ vào sự trấn áp và khủng bố - những thứ đã diễn ra trong những tháng gần đây nhưng những biện pháp đó sẽ không giúp giải quyết các vấn đề.
"Thậm chí, chính phủ Ukraine hiểu được vai trò kinh tế then chốt của mối quan hệ với Nga cho đến năm 2013. Ukraine không thể hy vọng một sự phục hồi về kinh tế nếu không có được một thỏa thuận với Nga”, ông Sapir kết luận.
Giới chức Ukraine và những người ủng hộ vùng Donbass ly khai liên tục cáo buộc, đổ lỗi cho nhau về tình trạng vi phạm thỏa thuận ngừng bắn được ký kết hồi tháng 2 đầu năm nay ở thủ đô Minsk của Belarus.
Trong số nhiều quy định khác, thỏa thuận Minsk yêu cầu các bên rút vũ khí hạng nặng ra khỏi vùng chiến sự và phóng thích tất cả các con tin cũng như những người bị giam giữ một cách bất hợp pháp.
Đuổi theo phương Tây, Ukraine tự làm mất chủ quyền của mình
Không chỉ phải đối mặt với khả năng bị bỏ rơi bởi phương Tây, Kiev còn khiến chủ quyền của đất nước Ukraine gặp nguy khi mải đuổi theo khát vọng gia nhập vào phương Tây. Đây là nhận định của một tờ báo Mỹ.
Bằng cách kết kết Thỏa thuận Hợp tác EU và một thỏa thuận cứu trợ tài chính với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), "Ukraine trên thực tế đã tự đánh mất chủ quyền của mình, trao quyền cho các chính phủ nước ngoài viết lại luật lệ của chính mình”, một tờ báo Mỹ hôm qua (11/6) đã cảnh báo như vậy.
Kiev được cho là đã làm như vậy trên danh nghĩa của việc cứu nền kinh tế đang vật lộn của Ukraine – một nền kinh tế nằm trên bờ vực của sự sụp đổ dưới sức nặng của một cuộc nội chiến, tình trạng tham nhũng lan tràn và thiếu những cải cách căn bản có ý nghĩa.
Tuy nhiên, việc Kiev chuyển hướng về phía phương Tây sẽ chẳng đạt được điều gì. Ngược lại, nó sẽ khiến cuộc sống của dân thường Ukraine cực kỳ khó khăn. Khó khăn hơn trước đây rất nhiều khi GDP của Ukraine giảm 15% và đồng tiền quốc gia mất giá gần một nửa so với đồng đô la Mỹ năm 2014.
Giá cả sẽ leo thang khi Kiev tiến hành những cải cách mà IMF yêu cầu. Những bộ phận dễ tổn thương trong dân chúng Ukraine sẽ không thể mua nổi lương thực thiết yếu.
Thỏa thuận Hợp tác EU và thỏa thuận của IMF cũng là hai công cụ giúp phương Tây tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú của Ukraine. Hai thỏa thuận được ký kết vào thời điểm khủng hoảng và điều đó đem lại “một cơ hội đầy hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài đang muốn mở rộng khối tài sản khổng lồ của họ, nắm giữ tài sản ở Ukraine và có được ảnh hưởng địa chính trị”, tờ The Nation phân tích.
“Chính quyền thân phương Tây quá mức” ở Kiev bị phụ thuộc quá mức vào phương Tây đến nỗi họ không thể đưa ra bất kỳ yêu cầu gì. Vì thế, họ sẽ chẳng thể làm được bất kỳ điều gì khi các công ty phương Tây lao vào xâu xé nguồn lực tự nhiên của Ukraine, tờ The Nation thẳng thừng cho biết.
Ngoài ra, khoản tiền cứu trợ của phương Tây được đưa ra với rất nhiều ràng buộc và đó chính là công cụ nhằm gây ảnh hưởng. Ukraine có nguy cơ mất quyền kiểm soát các tài sản và nền công nghiệp nếu Kiev không trả được các khoản nợ cho IMF.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc