(VnMedia) - Lực lượng người Kurd phối hợp với các tay súng nổi dậy tại Syria đã thành công trong việc cắt đứt tuyến đường tiếp viện của tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại thị trấn Tal Abyad, giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
IS bị đánh bật khỏi sào huyệt gần biên giới
Trong ngày hôm qua (15/6), liên quân trên bộ cùng với sự hỗ trợ của máy bay Mỹ đã dồn dập tấn công vào thị trấn chiến lược Tal Abyad, nằm trên con đường tiếp tế của IS từ Thổ Nhĩ Kỳ tới tỉnh Raqa đang bị tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) chiếm đóng.
Lực lượng người Kurd siết chặt vòng vây, đẩy bật IS khỏi thị trấn Tal Abyad |
Lực lượng liên quân do Mỹ dẫn đầu cũng liên tục cử máy bay oanh tạc các mục tiêu để mở đường cho bộ binh. Mũi tấn công trên bộ tập trung vào cổng phía đông của thị trận Tal Abyad. Đụng độ ác liệt đã xảy ra cách thị trấn này khoảng 50km khi liên quân chạm trán với chốt chặn của nhóm khủng bố. Để chặn bước tiến của liên quân, nhóm IS đã cho đánh sập 2 cây cầu dẫn vào thị trấn.
Trong khi đó, tổ chức giám sát nhân quyền tại Syria (SOHR) thì cho biết, mũi tấn công thứ 2 của liên quân đã có những bước tiến như vũ bão từ phía nam và đã áp sát thị trấn Tal Abyad.
Với 2 mũi giáp công, cuối cùng liên quân đã vượt qua chốt chặn của IS để tiến thẳng vào thị trấn. Giao tranh vẫn nổ ra nhưng các tay súng IS không còn tinh thần chiến đấu và đang phải rút khỏi thị trấn này. Theo báo cáo mới nhất, khoảng 20 tay súng IS đã bị tiêu diệt ở chốt chặn vòng ngoài thị trấn Tal Abyad.
Người phát ngôn của lực lượng người Kurd (YPG) khẳng định với hãng tin Reuters, thị trấn Tal Abyad hiện đã hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của YPG. Trong khi đó, nguồn tin từ SOHR xác nhận, chỉ còn 1 nhóm nhỏ tay súng IS kháng cự yếu ớt. “Gần như toàn bộ lực lượng YPG đã tiến vào thị trấn Tal Abyad”.
Giới quan sát đánh giá với chiến thắng tại thị trấn Tal Abyad, YPG đang từng bước tiến thẳng tới hang ổ đầu não của IS tại Raqqa. Hiện tại YPG đã kiểm soát khoảng 400 km đường biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Chiến thắng tại Tal Abyad không chỉ có ý nghĩa giải phóng thị trấn này khỏi tay IS mà còn giúp liên quân chặt đứt con đường tiếp tế của IS. Từ trước tới nay, IS được cho là bí mật đưa các tay súng vào Syria bằng con đường này thông qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Chiến thắng của YPG và nỗ lo của Thổ Nhĩ Kỳ
Giao tranh ác liệt nổ ra ở thị trấn Tal Abyad khiến cuộc sống của người dân nơi đây bị đảo lộn. Họ buộc phải rời bỏ nhà cửa để chạy về khu vực biên giới Akcakale với Thổ Nhĩ Kỳ.
Dòng người tị nạn vẫn ngày một đổ về biên giới Akcakale của Thổ Nhĩ Kỳ |
Theo một báo cáo của tổ chức nhân đạo quốc tế, ước tính hơn 18.000 người đã tìm cách vượt qua biên giới sang Thổ Nhĩ Kỳ lánh nạn. Tuy nhiên, con số đó vẫn chưa chính xác do trước đó đã có hàng nghìn người dự đoán trước giao tranh nên đã xin tị nạn ở quốc gia láng giềng. Phần lớn người tị nạn là người già, phụ nữ và trẻ em.
Những ngày qua, nhóm người xin tị nạn này rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan. Họ không muốn trở về khi IS vẫn hiện diện và phía trước là các cuộc giao tranh nhưng cũng không thể vượt qua biên giới khi binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ liên tục dùng vòi rồng để ngăn cản bất cứ ai có ý định vượt biên trái phép.
Rất may, cuối cùng Thổ Nhĩ Kỳ đã chấp nhận mở cửa biên giới để giúp dòng người tị nạn. Tuy nhiên, quốc gia này tuyên bố sẽ giới hạn lượng người qua biên giới mỗi ngày để có thể duy trì và kiểm soát an ninh tốt hơn
Trước tình trạng người tị nạn ngày một gia tăng, Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại sẽ không thể giải quyết được đủ chỗ ăn ở, cư trú. Đại diện của YPG mới đây đã lên tiếng kêu gọi người dân Syria trở về hoặc không nên tiếp tục vượt biên sang Thổ Nhĩ Kỳ vì họ có thể đảm bảo an toàn cho người dân cũng như cung cấp các điều kiện tối thiểu cho mọi người.
Bên cạnh vấn đề người tị nạn, Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại nhất chính là việc YPG kiểm soát vùng biên giới sẽ đe dọa tới vấn đề an ninh của nước này. Từ trước tới nay, Thổ Nhĩ Kỳ luôn liệt YPG là một phần của tổ chức khủng bố PKK từng đấu tranh đòi tự trị ở miền nam nước này.
Chính quyền Ankara hiện đang đổ lỗi máy bay liên quân do Mỹ dẫn đầu đã không kích vào những khu vực gần biên giới vốn là nơi sinh sống của người A rập. Đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ đã bác bỏ cáo buộc này và khẳng định liên quân chỉ săn lùng các tay súng cực đoan và hang ổ của chúng.
Thổ Nhĩ Kỳ đang trợ giúp hơn 1,8 triệu người tị nạn tới từ Syria, nhiều hơn bất cứ quốc gia láng giềng nào và hiện là một trong những khu tập trung đông người tị nạn nhất thế giới.
Làn sóng người tị nạn bắt đầu tràn sang Thổ Nhĩ Kỳ trong hơn 4 năm qua kể từ khi nổ ra cuộc nổi dậy chống đối Tổng thống Bashar al-Assad hồi tháng 3/2011.
Ý kiến bạn đọc