(VnMedia) - Cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych đã nói lời cảm ơn Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc đã “cứu sống cuộc đời tôi” trong làn sóng biểu tình đẫm máu dẫn đến vụ đảo chính lật đổ ông này.
Tổng thống Putin (bên phải) và cựu Tổng thống Ukraine Yanukovych |
Ông Yanukovych, hiện đang sống lưu vong ở Nga, đã nói với hãng tin BBC rằng, ông muốn quay trở lại Ukraine vào một ngày nào đó và đổ lỗi tình cảnh hiện nay ở nước ông là do những người biểu tình gây ra. Đó là lực lượng biểu tình đã chiếm đóng Quảng trường Maidan ở thủ đô Kiev – nơi là trung tâm của cuộc nổi dậy chống lại chính quyền của ông Yanukovych.
Nhiều tháng biểu tình rầm rộ đã dẫn đến những cuộc đụng độ, đàn áp đẫm máu khiến hơn 100 người thiệt mạng và cuối cùng là vụ đảo chính lật đổ ông Yanukovych.
Cựu Tổng thống Yanukovych đã chạy trốn sang Nga hôm 23/2 năm 2014 với sự giúp đỡ của binh lính Nga. "Thực tế là Tổng thống Putin đã đưa ra quyết định đó dựa trên đề xuất của các lực lượng đặc nhiệm của ông này. Đo là quyền và công việc của ông ấy”, ông Yanukovych cho BBC biết.
"Tôi tất nhiên rất biết ơn ông ấy vì đã ra lệnh và giúp bảo đảm an toàn để tôi có thể thoát ra và cứu cuộc đời tôi", ông Yanukovych nói thêm.
Cựu Lãnh đạo Ukraine cáo buộc các đối thủ chính trị của mình đã gây ra “một cuộc đảo chính quân sự”, nói thêm rằng “họ đã phá vỡ đất nước Ukraine. Họ đã lôi cả thế giới vào cuộc xung đột này".
Cựu Tổng thống Yanukovych nhấn mạnh, ông không đưa ra bất kỳ một mệnh lệnh nào về việc sử dụng vũ khí chống người biểu tình nhưng thừa nhận đáng ra ông có thể làm được nhiều điều hơn để ngăn chặn tình trạng đổ máu.
Cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở Ukraine hiện nay xuất phát ban đầu từ làn sóng biểu tình phản đối quyết định của Tổng thống Yanukovych hồi cuối năm 2013 trong việc dừng ký kết các thỏa thuận với Liên minh Châu Âu (EU) để ưu tiên cho mối quan hệ gắn bó hơn với Nga. Bước đi này đã làm dấy lên làn sóng biểu tình của hàng nghìn người ở thủ đô Kiev. Ông Yanukovych đã phải trốn sang Nga. Ông này cho biết, ông đã buộc phải chạy sang nhờ Nga bảo đảm an ninh cho mình trước những “kẻ cực đoan”. Kết quả là ông Yanukovych bị lật đổ và Crimea được sáp nhập vào Nga. Cùng với đó, cuộc nổi dậy ở miền đông Ukraine bắt đầu bùng lên.
Cuộc khủng hoảng trên đã phơi bày mâu thuẫn sâu sắc trong nội bộ người dân ở đất nước Ukraine với một bên có xu hướng thân phương Tây và bên kia muốn tiếp tục gắn bó với nước láng giềng Nga. Mâu thuẫn này được cho là đã âm ỉ từ lâu và được dịp bùng phát sau sự kiện ông Yanukovych quyết gác lại thỏa thuận hợp tác với EU để ưu tiên mối quan hệ với một nước Nga vốn có nhiều mối liên kết sâu đậm về lịch sử, truyền thống, văn hóa và cả huyết thống với Ukraine.
Đằng sau cuộc khủng hoảng ở Ukraine cũng chính là một cuộc đua tranh giành ảnh hưởng ở quốc gia Đông Âu giữa Nga và phương Tây. Cuộc đua tranh này được cho là diễn ra ngấm ngầm từ rất lâu.
Các khu vực phía tây của đất nước Ukraine muốn có mối quan hệ gắn bó, thân thiết với EU. Trong khi đó, khu vực phía đông Ukraine – chiếm phần lớn sản lượng kinh tế của đất nước, lại thiên về hướng thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn với Nga.
Sau khi lực lượng Maidan thân phương Tây nổi dậy lật đổ chính quyền của Tổng thống Yanukovych thì cuộc chiến ở miền đông Ukraine chính thức được châm ngòi và cuộc đối đầu Đông-Tây cũng chính thức khởi phát.
Mỹ và phương Tây đã nhanh chóng công nhận chính quyền mới ở Ukraine. Trong khi đó, Nga bày tỏ sự hoài nghi về tính hợp pháp của một chính quyền được dựng lên sau một cuộc đảo chính, đặc biệt là khi phe đối lập phá bỏ thỏa thuận vừa ký kết chưa đầy một ngày với cựu Tổng thống Yanukovych để xông vào chiếm thủ đô và lên nắm quyền.
Các khu vực miền đông có mối quan hệ gắn bó, thân thiết với Nga kiên quyết không chịu thừa nhận tính hợp pháp của chính quyền ở Kiev cũng như không ủng hộ chính sách ngả về phương Tây. Kết quả là người dân ở nơi đây đã đổ ra đường biểu tình rầm rộ.
Đáp trả lại các cuộc biểu tình trên, Kiev phát động chiến dịch quân sự mà họ gọi là “chống khủng bố” nhằm vào những người biểu tình.
Trong khi Mỹ và phương Tây thể hiện sự ủng hộ, cả ngầm ngầm và công khai, đối với chiến dịch quân sự đàn áp người biểu tình ở miền đông Ukraine của chính quyền Kiev thì Nga quyết liệt phản đối chiến dịch này.
Chiến dịch quân sự ở miền đông Ukraine đã diễn ra ác liệt trong nhiều tháng, cướp đi sinh mạng của hơn 6.400 người. Tình hình chỉ bắt đầu dịu đi khi Kiev và quân ly khai ký thoả thuận ngừng bắn hồi tháng 2. Tuy nhiên, sau nhiều tháng tình hình lắng dịu, bạo lực lại có dấu hiệu leo thang trong tháng này khi Kiev và quân ly khai liên tiếp giao tranh, đụng độ với nhau. Trong bối cảnh này, Bộ Tứ Normandy gồm Nga, Pháp, Đức và Ukraine chuẩn bị có cuộc họp với nhau nhằm bàn bạc về tình hình Ukraine.
Vân Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc