Bị đội quân hùng hậu áp sát, Nga “toát mồ hôi”

10:56, 23/06/2015
|

(VnMedia) - Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm qua (22/6) cho biết, liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương tuần này sẽ thông qua kế hoạch tăng hơn gấp hai lần quy mô của lực lượng phản ứng nhanh sau khi đã lập ra một đơn vị mũi nhọn đặc biệt vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Đội quân hùng hậu của NATO này rõ ràng là nhằm để đối phó với Nga và điều đó khiến Moscow không khỏi cảm thấy lo lắng, bất an.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


"Bộ trưởng Quốc phòng các nước NATO sẽ chính thức đưa ra quyết định về việc tăng cường thêm sức mạnh và năng lực cho Lực lượng Phản ứng nhanh NATO lên con số 30.000 đến 40.000 quân, hơn gấp đôi so với quy mô hiện nay”, ông Stoltenberg cho biết trước thềm cuộc họp của liên minh quân sự NATO dự kiến diễn ra vào hai ngày 24 và 25/6 ở thủ đô Brussels.
 
Con số trên cũng gấp 10 lần so với kế hoạch ban đầu của NATO là triển khai lực lượng 4.000 binh lính phản ứng cực nhanh, Tổng thư ký NATO cho biết. Hầu hết đội quân hùng hậu nói trên sẽ được đưa đến đóng tại những khu vực gần với các đường biên giới của Nga.
 
Lực lượng Phản ứng Nhanh mới sẽ nằm dưới quyền điều hành của 6 trụ sở chỉ huy ở Bulgaria, Estonia, Latvia, Lithuania, Ba Lan và Rumani.
 
Liên minh quân sự do Mỹ dẫn dắt đã thành lập đội quân được gọi là Lực lượng Phản ứng Nhanh NATO năm 2002, dựa trên khoảng 13.000 binh lính có thể được triển khai đến những điểm nóng khủng hoảng nhanh hơn rất nhiều so với các lực lượng chính của NATO.
 
Tuy nhiên, khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine nổ ra và dựa trên cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc khủng hoảng này, hậu thuẫn cho lực lượng ly khai miền đông Ukraine, NATO thấy rằng, Lực lượng Phản ứng Nhanh của họ có thể sẽ không được triển khai đủ nhanh trong một môi trường an ninh thay đổi rất nhiều và rất lớn như hiện nay, ông Stoltenberg cho biết.
 
Vì thế, hồi tháng 9 năm ngoái, lãnh đạo các nước thành viên NATO đã nhất trí thành lập cái gọi là đơn vị mũi nhọn đặc biệt của Lực lượng Phản ứng Nhanh với quân số khoảng 5.000 binh lính. Đội quân này bao gồm các lực lượng đặc nhiệm và lực lượng phản ứng nhanh với các thành phần cốt lõi là thủy quân lục chiến và không quân. Đơn vị mũi nhọn nói trên có thể được triển khai nhanh chóng chỉ trong vòng vài ngày chứ không phải tính theo tháng. Cụ thể, lực lượng phản ứng cực nhanh mới được thành lập của NATO có khả năng được triển khai trong vòng 48 giờ đồng hồ.
 
Lực lượng Mũi nhọn của NATO vừa tổ chức thành công cuộc tập trận quân sự đầu tiên mang tên Noble Jump ở Ba Lan. Cuộc tập trận này đã trở thành “đợt tăng cường quân lớn nhất” kể từ thời Chiến tranh Lạnh của liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương, ông Stoltenberg cho hay đồng thời thêm rằng liên minh này đang đối mặt với thách thức từ “hành vi ngày một hung hăng hơn” của Nga.
 
Tổng thư ký NATO Stoltenberg cho hay, liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đang đạt được những tiến bộ vững chắc trong việc củng cố cái mà họ gọi là Lực lượng Đặc nhiệm Phản ứng Siêu Nhanh – VJTF với sự bổ sung các nguồn lực đầy đủ.
 
Theo ông Stoltenberg, NATO sẽ “đẩy nhanh tiến trình ra quyết định” để đáp ứng các thách thức mới, trong đó có việc thiết lập một đơn vị chỉ huy hậu cần trong cơ cấu chỉ huy toàn diện của liên minh.
 
Với những thay đổi trên, chỉ huy tối cao của NATO sẽ “có trách nhiệm nhiều hơn đối với hoạt động triển khai” để liên minh 28 thành viên có thể phản ứng một cách nhanh chóng hơn, Tổng thư ký NATO cho hay.
 
Mỹ sẽ cung cấp vũ khí cho Lực lượng Phản ứng Nhanh NATO
 
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter hôm qua (22/6) cho biết, nước này sẽ cung cấp vũ khí, máy bay và binh lính cho lực lượng phản ứng nhanh NATO để giúp các nước Châu Âu bảo vệ mình trước cái mà Washington gọi là “những mối đe doạ an ninh”.
 
Theo kế hoạch, Mỹ sẽ đóng góp năng lực về tình báo và do thám, các lực lượng đặt nhiệm, hậu cần, máy bay vận tải và một loạt vũ khí khác bao gồm máy bay ném bom, chiến đấu cơ và tên lửa triển khai trên tàu, tờ AP đưa tin.
 
Bộ trưởng Carter đã thông báo chi tiết về đóng góp của Mỹ cho Lực lượng Phản ứng Nhanh khi ông này có chuyến thăm đến thủ đô Berlin – chặng dừng chân đầu tiên trong nhiều điểm đến ở Châu Âu mà ông Carter sẽ đến trong chuyến công du lần này.
 
Hiện chưa có quyết định chính thức về số lượng binh lính mà Mỹ sẽ đóng góp cho Lực lượng Phản ứng Nhanh. Tuy nhiên, Washington cho hay, họ sẽ không cung cấp một lực lượng bộ binh lớn. Ngoài Mỹ, các nước như Đức, Na-uy và Hà Lan đều cam kết đóng góp quân cho Lực lượng Phản ứng Nhanh.
 
Không có binh lính hay thiết bị quân sự, vũ khí nào của Mỹ được chuyển đến ngay lập tức cho Lực lượng Phản ứng Nhanh. Thay vào đó, phần đóng góp của Mỹ sẽ sẵn sàng trong vòng từ 48 đến 72 giờ nếu được yêu cầu và được phê chuẩn bởi giới lãnh đạo Mỹ trong trường hợp xảy ra khủng hoảng.
 
Bộ trưởng Carter cho hay, Mỹ đang đóng góp viện trợ “bởi Mỹ cam kết mạnh mẽ trong việc bảo vệ Châu Âu như chúng tôi đã làm nhiều thập kỷ nay”. Bất chấp việc mở rộng lực lượng ở Đông Âu, ông chủ Lầu Năm Góc vẫn  khẳng định, Mỹ không có ý định tìm kiếm một cuộc xung đột với Nga.
 
"Chúng tôi không định tìm kiếm một cuộc chiến tranh lạnh chứ đừng nói đến một cuộc chiến tranh nóng với Nga. Chúng tôi không muốn biến Nga thành kẻ thù”, ông Carter nhấn mạnh.
 
Tuy vậy, việc Mỹ và NATO định đưa một Lực lượng Phản ứng Nhanh hùng hậu lên tới mấy chục ngàn quân đến khu vực để đối phó với Nga chắc chắn sẽ khiến Moscow lo ngại, bất an. Đương nhiên, Nga sẽ giận dữ và tìm biện pháp đáp trả một cách thích đáng. Diễn biến này sẽ đẩy cuộc đối đầu Nga-phương Tây lên một nấc thang căng thẳng mới.
 
Nga và phương Tây đã lao vào một cuộc đối đầu nóng bỏng, quyết liệt chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Nguyên nhân là do cuộc khủng hoảng ở Ukraine.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc