(VnMedia) - Trung Quốc hôm qua (16/6) thông báo, nước này sẽ ngừng việc xây dựng những đảo nhân tạo mới ở Biển Đông nhưng sẽ tiếp tục phát triển các tiền đồn mà nước này đang kiểm soát ở trung tâm hàng hải của Đông Nam Á. Phát biểu của Bắc Kinh khiến nhiều người bất ngờ và đang tự hỏi liệu đây có phải là dấu hiệu của sự xuống nước từ phía Trung Quốc sau khi vấp phải làn sóng chỉ trích dữ dội từ cộng đồng quốc tế.
Trung Quốc đang tích cực thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông chiến lược và giàu tài nguyên |
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay, nước này sẽ hoàn thành các công trình cải tạo, xây dựng và bồi đắp ở Biển Đông trong vài ngày tới. Thông báo này rõ ràng là một nỗ lực nhằm trấn an các nước láng giềng và Mỹ - những nước đang hết sức lo ngại về hàng loạt động thái gần đây của Trung Quốc ở vùng biển chiến lược và giàu tài nguyên.
Mặc dù vậy, giới phân tích tin rằng, sự quan ngại đặc biệt sâu sắc về những ý định, tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông khó mà có thể dịu đi được.
Căng thẳng có thể tiếp tục leo thang bởi Trung Quốc tuyên bố nước này vẫn sẽ tiếp tục xây dựng các cơ sở dân sự và quân sự ở những đảo nhân tạo mà họ đã tích cực bồi đắp và mở rộng trong suốt thời gian qua. Trong tuyên bố được đăng tải trên website của mình, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, những cơ sở mà họ xây dựng trái phép ở Biển Đông được thiết kế để tiến hành các nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ; bảo vệ môi trường và nghiên cứu khoa học.
“Sau khi hoàn tất công việc bồi đắp, cải tạo, chúng tôi sẽ bắt đầu xây dựng các cơ sở để đáp ứng những yêu cầu chức năng có liên quan”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lu Kang cho biết trong một tuyên bố. Ông này đã lên tiếng biện họ cho việc bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông, nói rằng hoạt động đó “nằm trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc” và rằng đó là hoạt động “hợp pháp, hợp lý và đúng đắn”.
Tờ Thời báo Phố Wall cho rằng, “việc Trung Quốc sắp dừng hoạt động xây dựng đảo nhân tạo là một dấu hiệu cho thấy nước này sẵn sàng tìm kiếm một sự thoả hiệp với Washington và các đối thủ có tranh chấp ở Biển Đông”.
“Đây là bước đi tiến dần tới việc ngừng hoạt động bồi đắp đảo mà Mỹ đã yêu cầu đồng thời với đó, Trung Quốc cũng muốn nói với người dân của họ rằng họ đã hoàn tất điều mà họ muốn làm” ở Biển Đông, ông Huang Jing – một chuyên gia về chính sách đối ngoại của Trung Quốc tại trường Đại học Chính sách Công Lee Kuan Yew của Singapore cho biết. “Trung Quốc đang thể hiện rằng, với tư cách là một cường quốc lớn, nước này có thể kiểm soát tình trạng leo thang căng thẳng, rằng nước này có sáng kiến và rằng nước này có thể làm những gì phù hợp với lợi ích của bản thân”.
Những dự án bồi đắp, cải tạo, xây dựng trái phép mà Trung Quốc tiến hành cấp tập ở Biển Đông trong suốt nhiều tháng qua đang làm dấy lên quan ngại về việc Bắc Kinh sẽ sử dụng những hòn đảo nhân tạo đó để xác lập quyền kiểm soát đối với các hoạt động hàng hải ở Biển Đông. Theo ước tính của Mỹ, Trung Quốc đã xây dựng được hơn 800 héc ta đảo nhân tạo trên các bãi đá, bãi san hô ở Biển Đông trong suốt 18 tháng qua.
Biển Đông đang là nơi chứng kiến những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải gay gắt giữa Trung Quốc với 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia, và Vùng lãnh thổ Đài Loan.
Biển Đông là một trong những vùng biển quan trọng nhất thế giới bởi nó chứa các tuyến đường hàng hải sống còn. Đồng thời Biển Đông còn được cho là chứa đựng một trữ lượng tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn, đặc biệt là dầu mỏ. Chính vì thế, Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông. Trong những năm gần đây, Trung Quốc có nhiều hành động quyết liệt và hung hăng nhằm thực hiện giành quyền kiểm soát gần như toàn bộ Biển Đông.
Trung Quốc gần đây đã đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng trên hàng loạt bãi đá, bãi san hô ở Biển Đông, trong đó có những khu vực thuộc quần đảo Trường Sa – nơi vốn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam.
Hoạt động bồi đắp làm thay đổi thế nguyên trạng ở Biển Đông của Trung Quốc hiện nay đang gây ra sự lo ngại, bất bình rất lớn trong khu vực nói riêng và cộng đồng thế giới nói chung. Những đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng ở Biển Đông có thể sẽ được sử dụng cho các mục đích quân sự nhằm tranh giành chủ quyền với các nước trong khu vực. Điều này càng khiến cộng đồng thế giới đặc biệt quan ngại. Hàng loạt nước cùng các tổ chức, liên minh quốc tế đã lên tiếng phản đối Trung Quốc như Liên minh Châu Âu (EU), G7, ASEAN, Mỹ, Nhật Bản, Philippines, Việt Nam....
Các nước láng giềng của Trung Quốc và Mỹ còn lo ngại về mức tăng 175% chi tiêu quân sự của Bắc Kinh từ năm 2003.
“Bất chấp thực tế là Trung Quốc đã tạm ngừng xây dựng, bồi đắp đảo ở Biển Đông, Mỹ vẫn xem các hành động của Trung Quốc như là một nỗ lực nhằm thiết lập một thế nguyên trạng mới mà Mỹ sẽ không chấp nhận”, ông Shi Yinhong - một giáo sư về quan hệ quốc tế ở trường Đại học Renmin, thủ đô Bắc Kinh, cho biết.
Ý kiến bạn đọc