Philippines "quyết chiến" với Trung Quốc ở Biển Đông

16:04, 16/06/2015
|

(VnMedia) - Philippines sẽ chính thức “ra đòn” quyết định với Trung Quốc ở Biển Đông khi nước này tham gia phiên xét xử vụ kiện nhằm phản đối yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại toà án The Hague vào tháng tới, Bộ Ngoại giao Philippines hôm qua (15/6) thông báo.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Toà án Liên Hợp Quốc ở Hà Lan dự kiến sẽ tiến hành phiên xét xử vụ kiện do Philippines trình lên năm 2013 từ ngày 7/7 tới, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines – ông Charles Jose cho hay. Manila muốn Bắc Kinh tham gia vụ kiện này nhưng Bắc Kinh kiên quyết bác bỏ.
 
"Ngay lúc này đây, chúng tôi đang chuẩn bị cho những luận cứ, lý lẽ để đưa ra tại phiên xét xử ở toà án The Hague từ ngày 7 đến 13/7. Nhóm chúng tôi đến từ Manila và từ Mỹ. Chúng tôi sẽ bay đến đó”, ông Jose cho các phóng viên biết ở thủ đô Manila của Philippines.
 
Giới chức và các nhà ngoại giao Philippines dưới sự hỗ trợ của các luật sư Mỹ sẽ đại diện cho Philippines trình bày luận cứ của mình trong vụ kiện phản đối yêu sách chủ quyền thái quá của Trung Quốc ở Biển Đông, ông Jose cho hay.
 
Bắc Kinh đòi chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, thậm chí ở những khu vực gần với đường bờ biển của các nước láng giềng.
 
Manila bắt đầu ra đòn pháp lý với Trung Quốc ở Biển Đông sau khi hai nước xảy ra một cuộc tranh chấp nóng bỏng ở bãi cạn Scarborough. Bãi cạn Scarborough nằm cách đảo chính Luzon của Philippines chỉ khoảng 230km. Trong khi đó, khu vực đất liền gần nhất của Trung Quốc là tỉnh Hải Nam cũng cách bãi cạn Scarborough đến 1.200km. Bãi cạn này là nơi chứng kiến cuộc đối đầu vô cùng căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc được châm ngòi từ một vụ va chạm giữa tàu chiến lớn nhất của Philippines với hai tàu hải giám Trung Quốc hồi tháng 4 năm 2012.
 
Sau vụ va chạm trên, Trung Quốc trên thực tế đã chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough vốn là ngư trường đánh cá truyền thống của Philippines.
 
Trước diễn biến trên, vào tháng 1 năm 2013, Manila đã quyết định đưa vụ tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông ra tòa án quốc tế với lý do họ đã “dùng mọi biện pháp hòa bình” có thể để giải quyết tranh chấp với Bắc Kinh nhưng không có tác dụng.
 
Bắc Kinh luôn chủ trương giải quyết các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông trong khuôn khổ song phương, với từng nước một để dễ bề gây sức ép với các nước nhỏ hơn. Hành động quốc tế hóa cuộc tranh chấp ở Biển Đông của phía Manila đương nhiên không được Trung Quốc chấp nhận.
 
Bất chấp mọi nỗ lực của Trung Quốc nhằm ngăn vụ kiện của Philippines bằng việc đưa ra cả “cây gậy và củ cà rốt”, hôm 30/3/2014, Manila vẫn kiên quyết nộp bản thuyết trình cho Tòa án đúng thời hạn để chính thức thách thức những đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Hành động này của Philippines đã khiến Trung Quốc nổi giận đùng đùng bởi trước đó họ được cho là đã chìa ra “hai củ cà rốt’ để nhằm thuyết phục Philippines ngừng vụ kiện. Cụ thể, Trung Quốc đã đưa ra đề nghị hai nước rút toàn bộ tàu thuyền ra khỏi bãi cạn Scarborough và đưa ra một số lợi ích kinh tế khác dành cho Philippines với điều kiện Manila không tiếp tục theo đuổi vụ kiện. Tuy nhiên, Manila đã thẳng thừng bác bỏ điều này.
 
Trong bản thuyết trình dài đến gần 4.000 trang nói trên, Philippines đã đưa ra các lý lẽ, lập luận theo luật pháp quốc tế cùng những bằng chứng để chứng minh cho việc đường lưỡi bò hay còn gọi là đường 9 đoạn của Trung Quốc là vô giá trị và không có tính pháp lý.
 
Manila cáo buộc Bắc Kinh đang đòi chủ quyền ở những khu vực thuộc Biển Đông cách xa bờ biển gần nhất của Trung Quốc đến 1.611km và điều này vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Cả Philippines và Trung Quốc đều đã đặt bút ký vào công ước năm 1982 này.
 
Cả Philippines và Trung Quốc đều đã ký vào Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) nhưng Bắc Kinh lập luận rằng, những điều khoản trong công ước đó không áp dụng với các cuộc tranh chấp ở Biển Đông của họ.

Hành động đưa vụ tranh chấp ra tòa án quốc tế của Philippines được cho là một đòn thách thức chưa từng có nhằm vào Trung Quốc ở Biển Đông.
 
Biển Đông là nơi chứa các tuyến đường biển chiến lược và cũng là nơi có những nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú như dầu mỏ, hải sản... Vì thế, Bắc Kinh có tham vọng độc chiếm Biển Đông. Điều đó được thể hiện thông qua việc nước này đòi chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông dựa trên yêu sách đường 9 đoạn hay còn gọi là đường lưỡi bò.
 
Trong những năm gần đây, Trung Quốc liên tiếp có những hành động quyết liệt, lấn tới nhằm thực hiện tham vọng Biển Đông của mình. Manila cáo buộc Bắc Kinh ngày càng hành động “hung hăng”, trong đó có các hoạt động bồi đắp, cải tạo, xây dựng trái phép ở Biển Đông.
 
Trong một diễn biến mới nhất có liên quan, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay (16/6) tuyên bố, nước này sẽ hoàn thành các công trình cải tạo, xây dựng và bồi đắp ở Biển Đông trong vài ngày tới. Đây rõ ràng là một nỗ lực nhằm trấn an các nước láng giềng đang hết sức lo ngại về những động thái của Trung Quốc ở vùng biển chiến lược.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc