(VnMedia) - Sau cuộc họp tại Trại David hôm qua (14/5), Tổng thống Mỹ Barack Obama và Hội đồng Hợp Tác Vùng Vịnh đã tuyên bố thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa khu vực mà Washington muốn triển khai nhiều năm qua.
Các quốc gia Vùng Vịnh cũng cam kết sẽ tham vấn Mỹ trước khi có bất cứ động thái quân sự nào bên ngoài biên giới của họ.
Mỹ có thể “hốt” được hàng tỷ USD trong các thỏa thuận quốc phòng sau khi thuyết phục được các quốc gia Vùng Vịnh thiết lập một hệ thống phòng thủ tên lửa khu vực, giúp hợp nhất sức mạnh quân sự của các quốc gia Ả-Rập tham gia hợp tác.
Hệ thống này sẽ bao gồm radar tầm xa và mạng lưới phòng không này được kết hợp với cơ sở quân sự hiện có của các nước Ả-Rập tham gia. Tổng thống Mỹ - Barack Obama dự kiến sẽ thúc đẩy việc này trước thềm hội nghị tại Trại David.
Động thái trên của Mỹ được cho là nhằm trấn an các nước đồng minh của Mỹ tại khu vực vùng Vịnh rằng Mỹ vẫn xem những nước này là đối tác quan trọng, dù Washington đang nỗ lực đạt được một thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Tuy nhiên, kế hoạch này dường như vấp phải những trở ngại nhất định vì sự vắng mặt của Quốc vương Ả-Rập Xê-út Salman và nhiều nhà lãnh đạo Ả-Rập khác tại hội nghị tại trại David. Các nhà lãnh đạo trên từ chối tham dự hội nghị nhằm thể hiện thái độ phản đối thỏa thuận hạt nhân với Tehran. Thay vào đó, Ả-Rập Xê-út, Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) và Bahrain đều cử đại diện cấp thấp tới tham dự cuộc họp với ông Obama.
Tuy vậy, sau khi hội nghị kết thúc, Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) tuyên bố, thỏa thuận hạt nhân toàn diện với Iran cũng là lợi ích của các nước thành viên GCC.
Về phía mình, Mỹ cam kết sẽ đẩy nhanh việc giao vũ khí quốc phòng tối tân, ngoại trừ máy bay chiến đấu tấn công liên hợp F-35, cho các nước Vùng Vịnh. Cho đến nay, Washington vẫn từ chối xuất khẩu máy bay F-35 thế hệ thứ 5 cho các nước vùng Vịnh, bất kể các nước này tha thiết đề nghị mua.
Trước đây, các nước Vùng Vịnh đã mua các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ từ các nhà thầu như Raytheon và Lockheed Martin. Nhà Trắng hiện dự kiến sẽ thúc ép các nước này tích hợp các hệ thống đó thành một hệ thống phòng thủ theo như sáng kiến được đưa ra vào cuối năm 2013 của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel.
Chương trình này cho phép GCC mua trang thiết bị của Mỹ theo một khối và bắt đầu tích hợp các mạng lưới radar, cảm biến và cảnh báo sớm với sự hỗ trợ của Mỹ. Nhưng, sáng kiến này đã bị trì hoãn vì không đem lại niềm tin cho một số quốc gia quân chủ.
Tuy nhiên, với tình hình an ninh bất ổn trong khu vực, các chuyên gia cho rằng bây giờ là thời điểm tốt nhất cho sự hợp tác giữa các quốc gia vùng Vịnh.
NATO tập trận phá bom tại Baltic
Trong một diễn biến khác, một cuộc tập trận hải quân của các quốc gia thành viên NATO mang tên Open Spirit 2015 vừa được khai hỏa hôm nay (15/5) trong vùng lãnh hải của Estonia, Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Estonia hôm qua cho biết.
Các cuộc diễn tập lần này nhằm loại bỏ khối lượng lớn các vật liệu chưa nổ khỏi vùng biển Baltic do cuộc Chiến tranh Thế giới thứ nhất và thứ hai để lại.
Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Estonia cho biết trong một tuyên bố rằng: “Các cuộc tập trận có sự tham gia của 19 tàu đến từ 15 quốc gia, cũng như 7 nhóm thợ lặn, sẽ được tổ chức từ ngày 15 đến 29.5. Các tàu và quân nhân đến từ Mỹ, Bỉ, Estonia, Hà Lan, Canada, Lithuania, Latvia, Na Uy, Ba Lan, Pháp, Thụy Điển, Đức, Phần Lan, Đan Mạch và Anh sẽ tham gia vào cuộc tập trận Open Spirit 2015”.
Việc tìm kiếm bom còn sót lại sẽ được tiến hành ở khu vực vịnh Tallinn, eo biển Irbe và ngoài khơi bờ biển Saaremaa và đảo Muhu.
Theo hãng tin RIA, cuộc tập trận hải quân Open Spirit 2015 được tổ chức thường niên từ năm 1997 theo Chương trình Đối tác vì Hòa bình của NATO.
Khoảng 150.000 quả bom được đặt ở biển Baltic, trong đó gần 80.000 quả ở vịnh Phần Lan trong Thế chiến I và Thế chiến II. Kể từ năm 1994, ít nhất 700 quả bom và các thiết bị gây nổ khác đã được phát hiện ở vùng lãnh hải của Estonia.
Ý kiến bạn đọc