“Bội ước” với Nga, Pháp hứng quả đắng

08:33, 15/05/2015
|

(VnMedia) - Vì “bội ước” không bàn giao siêu tàu chiến lớp Mistral như hợp đồng Pháp đã ký với Nga, Paris được cho là sẽ phải hứng chịu “quả đắng” lớn vì hành động này.
 

Ảnh minh họa

Tàu Mistral


Cụ thể, theo tính toán của một tạp chí Pháp, hai chiếc siêu tàu chiến lớp Mistral có thể khiến Pháp mất tới 5 tỉ euro nếu nước này không bàn giao chúng cho Nga. Paris và Moscow hiện còn đang mắc kẹt trong một cuộc tranh cãi về việc Pháp nên trả bồi thường bao nhiêu cho việc tự ý phá hủy hợp đồng.
 
Một tờ báo được đăng tải trên tạp chí hàng tuần Le Point cho hay, nếu Paris phá vỡ cam kết cung cấp hai tàu chiến lớp Mistral cho Moscow, chính phủ Pháp có thể phải đối mặt với hậu quả là phải thanh toàn tổng chi phí lên tới 5 tỉ euro (5,7 tỉ USD) vì việc không thực hiện đúng những nghĩa vụ đưa ra trong hợp đồng.
 
“Thay vì mang lại cho tập đoàn đóng tàu DCNS của Pháp một khoản lợi nhuận lên tới 1,2 tỉ euro và cho những người liên quan đến việc đóng tàu số tiền là 980 triệu euro, việc hủy bỏ hợp đồng với Nga có thể khiến Pháp tổn thất từ 2 đến 5 tỉ euro”, bài báo trên tờ Le Point cho hay.
 
Tờ tạp chí trên tiết lộ, đại diện của Nga và Pháp hiện đang bàn thảo về hợp đồng và đang có “sự bất đồng đáng kể liên quan đến khoản bồi thường”. Tờ Le Point cũng nói thêm rằng, “Pháp hiện đang tìm cách trả lại cho Nga khoảng tiền gần 890 triệu euro mà Moscow đã thanh toán trước” cho hợp đồng mua tàu Mistral.
 
Tuần trước, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin đã bác bỏ khả năng cho phép Pháp bán lại các tàu Mistral cho các đối tác khác mà không được sự cho phép của Moscow. “Không được sự cho phép của chúng tôi, họ không thể bán bất kỳ thứ gì” liên quan đến tàu Mistral, ông Rogozin khẳng định.
 
Phó Thủ tướng Nga thêm rằng, ông đã giải thích tình hình cho Pháp, theo đó Nga có giấy phép sử dụng cuối cùng đối với các phần đuôi của hai tàu Mistral. Các phần đuôi của tàu Mistral được đóng tại xưởng đóng tàu của Nga ở St. Petersburg trước khi chúng được chuyển đến Pháp để đóng thêm.
 
Pháp cũng sẽ không thể đưa các tàu Mistral vào hạm đội của họ bởi hai chiếc tàu này được đóng theo tiêu chuẩn phù hợp với đặc điểm riêng của Hải quân Nga, ông Rogozin cho biết.
 
Hồi cuối tháng 4, Tổng thống Pháp Francois Hollande thừa nhận nếu Nga không nhận được tàu chiến Mistral thì nước này nên được nhận lại được tiền. Phát biểu này của ông Hollande được Tổng thống Nga Vladimir Putin hoan nghênh.
 
Hợp đồng siêu tàu chiến lớp Mistral đang là một vấn đề gây đau đầu cho chính phủ Pháp bởi Tổng thống Hollande dưới sức ép của Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) đã phải hoãn việc bàn giao những chiếc tàu này cho Nga vô thời hạn.
 
Hồi tháng 5, tình hình liên quan đến những chiếc tàu chiến tối tân của Pháp trở nên nghiêm trọng đến mức một tờ báo của nước này đưa tin, chính phủ của ông Hollande thậm chí còn đang tính chuyện đánh chìm hai tàu Mistral nếu hợp đồng với Nga bị hủy bỏ.
 
Sau đó lại có tin Pháp đang định bán siêu tàu chiến Mistral cho Trung Quốc – hiện đang là một nước đồng minh thân thiến với Nga trong cuộc đối đầu với phương Tây vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
 
Những thông tin kiểu như trên phản ánh sự bế tắc của chính phủ Pháp trong việc xử lý hợp đồng siêu tàu chiến lớp Mistral với Nga.
 
Nga đã ký hợp đồng mua 2 siêu tàu chiến lớp Mistral của Pháp với trị giá 1,2 tỉ euro (1,5 tỉ USD) từ hồi tháng 6 năm 2011. Theo hợp đồng, Pháp phải bàn giao chiếc tàu chiến đầu tiên được đặt tên là Vladivostok cho Nga vào ngày 14/11 năm ngoái trong khi chiếc thứ hai mang tên Sevastopol sẽ được bàn giao vào cuối năm nay. Tuy nhiên, thời hạn bàn giao siêu tàu chiến lớp Mistral đầu tiên cho Nga đã qua đi nhiều tháng mà Pháp vẫn không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng của mình. Lý do của sự trì hoãn này là cuộc khủng hoảng ở Ukraine .
 
Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) đổ lỗi cho Moscow đứng đằng sau cuộc khủng hoảng ở Ukraine , châm ngòi cho cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông nước này. Dù Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên nhưng Mỹ và đồng minh EU vẫn gây sức ép với Moscow trên mọi mặt trận từ chính trị, kinh tế, ngoại giao đến quân sự. Trong một động thái nhằm trừng phạt Nga trên mặt trận quân sự, Mỹ và các đồng minh đã gây sức ép mạnh mẽ để buộc Pháp phải ngừng bàn giao siêu tàu chiến lớp Mistral cho Nga. 
 
Nhà bình luận quốc phòng của Pháp – ông Jean-Dominique Merchet từng phân tích, Pháp sẽ phải trả một cái giá đắt cho việc không chịu bàn giao tàu chiến cho Nga. Nếu hai chiếc siêu tàu chiến lớp Mistral mà Pháp đóng cho Nga vẫn tiếp tục ở lại Pháp thì riêng chi phí để duy trì, bảo dưỡng và bảo đảm an ninh cho hai con tàu đó đã ngốn của những người đóng thuế ở Pháp số tiền khoảng 5 triệu euro mỗi tháng.

Về phần mình, Nga giờ đã không còn thiết tha với những chiếc siêu tàu chiến lớp Mistral của Pháp. Giới chức ở Moscow gần đây liên tục đề cập đến chuyện Pháp trả lại tiền cho Nga và nước này sẽ tự đóng những con tàu tương tự như tàu Mistral.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc